Nhưng liệu đó có phải hoàn toàn do lỗi của người đàn ông trong chuyện này hay không? Chúng ta hãy cùng phân tích và tìm hiểu sâu hơn về nhận thức này nhé.
Trong bộ phim “The Intern” (tiếng Việt: Bố già học việc”), Anne Hathaway vào vai nữ chính Jules, là hình mẫu lý tưởng của một người phụ nữ hiện đại: thành đạt, tháo vát, sành điệu. Cuộc sống của Jules ngỡ như là một bức tranh hoàn hảo đặt trong thế giới của công nghệ, của mạng xã hội, của những người trẻ giàu có. Thế nhưng cô lại bế tắc trong chính “đại dương” vùng vẫy của mình. Chồng của cô - Matt, nhân vật được xây dựng là một người chồng chịu khó, sẵn sàng hi sinh sự nghiệp của mình để lùi về tuyến sau chăm sóc cho mái ấm và cô con gái nhỏ. Hay nói cách khác, anh đã toàn tâm toàn ý chấp nhận hi sinh để hỗ trợ vợ mình vươn đến đỉnh cao của sự nghiệp.
Thoạt nhìn, mọi người có thể cảm nhận được đây là một gia đình hoàn hảo ở thế giới hiện đại, về việc người phụ nữ hoàn toàn có thể làm chủ kinh tế trong một gia đình, và người đàn ông có thể chấp nhận hi sinh vì vợ của mình, vì một lý do rất đơn giản: anh ta yêu cô ấy. Thế nhưng trong rất nhiều các chi tiết nhỏ nhặt từ đầu phim, đạo điễn đã khéo léo lồng những mâu thuẫn tưởng chừng như rất nhỏ giữa đôi vợ chồng trẻ như: vì quá bận rộn nên người vợ không thể đến tham gia sinh nhật con gái của mình được tổ chức tại trường, và chồng của cô là người phải đại diện đến khi xung quanh toàn là các bà mẹ khác; hay như một tình huống khác, cô vợ là người quyết định lịch trình của gia đình chứ không phải người chồng… Đỉnh điểm của mâu thuẫn xảy ra khi Jules phát hiện ra chồng của mình ngoại tình với người khác - một điều thật khó tin khi tại sao lại có thể xảy ra với một anh chàng full-time-home-dad (tức anh chỉ ở nhà và chăm lo cho gia đình của mình).
Ngay cả trong phim, Matt cũng hoàn toàn không lí giải được tại sao mình lại có hành động như vậy mặc dù mình rất yêu vợ của mình. Dưới góc độ của khoa học, đó chính là lúc chúng ta xét tới phần não bò sát - tức phần bản năng của con người, tại sao đôi khi chúng ta lại đưa ra những quyết định khó hiểu và có thể là sai lầm đến vậy?
Cùng ôn lại lịch sử loài người một chút nào! Từ thời kì đồ đá tới nay, nhiệm vụ của người đàn ông luôn luôn là mạo hiểm mạng sống của mình để đi săn, mang thức ăn về để nuôi gia đình mình. Trong khi đó, người phụ nữ sẽ ở trong hang để thực hiện vai trò của mình là chăm sóc con nhỏ và gia đình. Các yếu tố liên quan đến bản chất sinh học như đàn ông vốn có sức mạnh cơ bắp tốt hơn, sáng tạo hơn, sức chịu đựng tốt hơn; trong khi đó người phụ nữ lại khéo léo hơn, có khả năng xử lý nhiều công việc cùng một lúc; và lớp não bò sát (tức phần bản năng) của con người chúng ta, càng củng cố thêm cho vai trò trong gia đình giữa hai giới tính.
Những vấn đề khác, cũng đóng vai trò quan trọng không kém trong việc hình thành nên tư tưởng bất mãn này, đó là vị trí địa lí, lịch sử hình thành và phát triển của chúng ta. Đối với những nước Châu Á, trong đó có Việt Nam và đặc biệt là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản,.. tư tưởng từ chế độ phong kiến được áp dụng và dạy dỗ từ đời này qua đời khác, định hình dần nên một kiểu mẫu là người đàn ông phải gánh vác được gia đình, phải là người quyết định mọi thứ trong gia đình,... và chúng ta vẫn hay dùng từ “gia trưởng” để dành cho những người đàn ông này. Đi kèm với họ là những tính cách quyết liệt, nóng giận, và đôi khi là không chế ngự được cảm xúc của mình.
Ở chiều hướng ngược lại, phụ nữ hiện đại ngày nay được dạy dỗ về việc phải làm chủ và độc lập tài chính cho chính mình. Những công việc, vị trí quan trọng như lãnh đạo, dẫn dắt, đưa ra quyết định… nếu như ở mấy trăm năm trước, chúng ta hầu như không thấy phụ nữ xuất hiện ở những vai trò này, thì ngày nay, đôi khi họ làm còn tốt hơn cả đấng mày râu bởi những tố chất mà đàn ông không có. Những danh hiệu như “người đàn bà thép”, “nữ doanh nhân thành đạt”... không còn là câu chuyện hiếm thấy ở thế giới hiện đại ngày nay.
Vậy điều gì đang xảy ra ở đây nếu vai trò của hai giới bị đảo lộn cho nhau? Sẽ như thế nào nếu người đàn ông lại ở nhà, chăm sóc con cái và làm người-đàn-ông-nội trợ, trong khi vợ mình mới là người trụ cột kinh tế, đưa ra quyết định trong mọi tình huống? Bạn cũng bắt đầu thấy có điều gì không ổn phải không?
Như đã nói ở phần trước về vai trò của hai giới tính trong thế giới hiện đại, để giải thích ngắn gọn và dễ hiểu hơn cho bạn trong phần này:
Trong mỗi con người, phần "con" và phần "người" luôn cùng tồn tại. Điều này là tự nhiên và là kết quả của quá trình tiến hóa. Phần "con" đã giúp các loài vật, bao gồm cả loài người, có thể kiếm thức ăn, lẩn trốn kẻ thù, thích nghi trong bầy đàn, sinh sản và duy trì nòi giống suốt hàng triệu năm qua. Tuy vậy, xã hội loài người bắt đầu phát triển đột biến vài chục ngàn năm gần đây mà sự tiến hóa sinh học chậm chạp có lẽ đã không thể theo kịp, dẫn đến việc nhận thức của người đàn ông vẫn còn mang tư tưởng cũ và chưa phù hợp với xã hội bình đẳng giữa hai giới ngày nay.
Chưa kể, chúng ta được nuôi dạy từ gia đình và lớn lên trong một xã hội vẫn còn có những tư tưởng không thể chấp nhận việc chồng có thu nhập kém hơn vợ, dẫn đến việc chính bản thân bạn - hay nói chính xác hơn là bộ não của bạn - đang điều chỉnh và ngụy tạo ra đủ thứ lý do để bạn tin vào tư tưởng đó là chính xác, khiến trong lòng bạn vẫn xuất hiện sự đố kị khi vợ của mình giỏi giang/có thu nhập cao hơn mình.
Ảnh minh hoạ
Không chỉ mình bản thân bạn, khi những người xung quanh bạn có tư tưởng như vậy, bạn cũng sẽ rất dễ bị ảnh hưởng theo. Nỗi ám ảnh đến mức nực cười của loài người về đánh giá của người khác về mình có lẽ có nguồn gốc từ việc sống theo bầy đàn từ xa xưa. Khi đó, việc bị loại khỏi đàn đồng nghĩa với cái chết. Ngày nay, nếu có ai đó đánh giá bạn về việc đó thì bạn cũng không vì thế mà chết được, nhưng bạn vẫn có thể sẽ phải khổ sở để cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người. Và điều đó khiến những tư tưởng của người khác vô hình chung áp đặt lên chính bản thân người đàn ông của thế giới hiện đại.
Do đó, chúng ta có thể hiểu được rằng anh chàng Matt ở phần đầu tiên của bài viết kia, đã đưa ra một quyết định hoàn toàn bản năng, đố kị với sự thành công của vợ mình, hay vai trò người đàn ông của anh ta trong gia đình đã bị xem thường. Dẫn tới việc Matt đi ngoại tình để thể hiện vai trò con đực của mình? Khi ở bên người khác, có thể anh tìm lại được cảm giác dẫn dắt - làm chủ mối quan hệ, và vô tình anh đã đánh mất đi những giá trị đạo đức của vợ chồng.
Trước tiên, bạn cần thiết lập lại tư tưởng của chính bản thân mình trước. Tất cả mớ lý thuyết được giải thích dưới góc độ khoa học ở trên để giúp bạn có thể tự tin trước nhất ở chính bản thân bạn, vì bạn mới là người quyết định mọi vấn đề và không ai có thể tác động, hay có quyền đánh giá việc bạn đang chấp nhận việc đó là đúng hay sai. Bạn cần phải nghiền ngẫm lại con người mình, nơi mình sinh sống và lớn lên, tại sao mình lại có tư tưởng như vậy?
Bước tiếp theo, bạn hãy nghĩ lại năm đó, tại sao bạn và vợ của mình lại quyết định ở bên nhau, còn không phải vì tình yêu ư? Nếu như sau khi hai người đã ở bên nhau, thu nhập là thứ kéo xa khoảng cách giữa hai người, vậy thì hãy cứ thoải mái thừa nhận rằng bản thân vì chênh lệch thu nhập mà cảm thấy tự ti, khủng hoảng, đừng có cứ giữ ở trong lòng, đợi đến lúc xảy ra vấn đề rồi lại đi cãi nhau, thực tế thì cãi nhau cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì cả. Bạn cần phải biết rằng người kiếm được nhiều tiền hơn không hề sai, người kiếm ít hơn cũng không sai, điều này liên quan đến lĩnh vực, ngành nghề, nên bạn chẳng việc gì phải làm khó bản thân cả.
Người phụ nữ cũng sẽ đóng vai trò quan trọng không kém trong việc giữ cân bằng trong mối quan hệ hôn nhân này, mà chúng tôi sẽ đề cập ở những bài viết kế tiếp. Nhưng quan trọng hơn hết cả, người đàn ông hiện đại ngày nay - các bạn cần có cái nhìn sáng suốt trong vấn đề này và trước khi nói chuyện này với vợ của mình, bạn phải là người hiểu được bản thân mình, thì mối quan hệ vợ chồng mới có thể bền lâu.