Trong khi đó, hơn 400 sinh viên dân tộc nội trú buộc phải tá túc trong khuôn viên giảng đường chật chội, nóng bức.
Phòng học chật hẹp được hoán cải thành nơi ở cho khoảng 20 sinh viên
Đây là khu đất vàng ở TP Nha Trang, nằm ngay giữa khu phố Tây, tấp nập khách du lịch và chỉ cách bãi biển trung tâm thành phố chừng vài trăm mét.Bây giờ, Ký túc xá của Trường dự bị đại học dân tộc Trung ương Nha Trang đã đổi tên là Khu chợ đêm với cái tên “Phố Mua Sắm”. Khu này tọa lạc ở 2 mặt tiền đường Nguyễn Thiện Thuật và đường Biệt Thự, phường Lộc Thọ, thành phố Nha Trang.
Mấy tháng trước, khu nhà 5 tầng của ký túc xá bị đập bỏ. Tại đây, mọc dựng lên khu nhà tiền chế, ngăn vách bằng gạch thành các ki-ốt rồi cho thuê. Đã có gần 50 ki-ốt, mỗi ki-ốt rộng từ 15-27 m2 đang được rao cho thuê với giá từ 15 đến 30 triệu đồng mỗi tháng, ký hợp đồng thời hạn 5 năm.
Một người tự giới thiệu là nhân viên quản lý khu chợ Đêm cho biết: "Có nhiều lô người ta vô thuê xong hết rồi, còn một gian mặt tiền giá 30 triệu, phía trong này 18 triệu. Cái này là đất doanh nghiệp tư nhân người dân người ta sở hữu, đất đây là đất tư nhân người ta đấu thầu lại rồi. Chắc chắn ký 5 năm luôn cũng được, giấy phép kinh doanh đầy đủ, cho nên mới dám xây chắc chắn vậy chứ. Có giấy tờ, sổ đỏ chứng nhận đàng hoàng."
Khuôn viên nhà trường chật hẹp vừa là giảng đường vừa là nơi ở của 400 sinh viên.
Bạn K"Sor Trang cho biết: "Phòng này có 20 bạn thấy chật chột và bất tiện, ban ngày đông quá nên nóng. Cái quạt ở giữa bị hư, mấy bạn ở dưới buổi tối nóng, trưa cũng nóng. Em leo cầu thang mệt, em học tầng 2, ở tầng 4, trưa đi học về phải xuống lầu 1 mua đồ ăn xong lên, trưa phải đi học nữa. Mấy bạn ở tầng 7 vất vả hơn."Đối diện với khu chợ đêm sầm uất là khối giảng đường của Trường dự bị Đại học dân tộc Trung ương Nha Trang. Khi ký túc xá bị đập bỏ, khoảng 400 sinh viên được đưa về ở trong khu giảng đường. Phòng học lắp thêm đèn, kéo thêm dây diện, ổ cắm để làm nơi ở cho sinh viên. Trong tòa nhà 7 tầng, người ta bố trí tầng 1 đến tầng 4 bố trí là phòng học, một phần tầng 4 trở lên làm nơi ở, sinh hoạt cho hàng trăm sinh viên. Cả tòa nhà lại không có thang máy, gây nhiều bất tiện cho sinh viên.
Khu ký túc xá đã trở thành chợ đêm. |
Cả khu giảng đường rộng khoảng 1.600m2, vừa làm văn phòng, giảng đường vừa làm nơi ở cho khoảng 400 sinh viên nên khá chật chội. Quần, áo, dày, dép được phơi phóng ngay trên hành lang đi lại. Nhà ăn cũng không có nên các sinh viên phải đi ăn bên ngoài. Mỗi phòng ở chừng 60m2 xếp dày đặc giường tầng làm chỗ ở cho khoảng 20 sinh viên nội trú. Nhiều phòng ở, đông sinh viên nhưng lại thiếu nhà vệ sinh, nhà tắm. |
Sinh viên H’ Uyên lo ngại: "Chiều tắm tại vì nhiều bạn nên bất tiện, dậy sớm để mấy bạn phải đi vệ sinh cá nhân. Hai phòng mấy chục người nên phải dành nhau đi vệ sinh. Buổi chiều mấy bạn trên tầng 5 xuống tắm chung phải chờ đợi lâu mới tắm được. Cũng phải hơn 1 tiếng, buổi sáng tầm mấy chục phút."
Dây điện được kéo tạm bợ mất an toàn.
Chật chội, mất mỹ quan do lượng sinh viên quá đông. |
Được biết, trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương Nha Trang là cơ sở đào tạo dự bị đại học dành cho con em của cộng đồng 30 dân tộc thiểu số khu vực miền Trung- Tây Nguyên. Trước đây, trường có 2 khuôn viên nằm đối diện nhau, khu ký túc xá rộng hơn 1.700m2, lớn hơn khuôn viên giảng đường. |
Năm 2015, ký túc xá bị đem bán đấu giá, số tiền bán khu đất vàng giữa lòng phố Tây, chỉ thu về 120 tỷ đồng. Đầu năm 2017, trường đã khởi công xây dựng cơ sở mới ở xã Phước Đồng, cách vị trí cũ gần 10km, kế hoạch sẽ hoàn thành giai đoạn 1 vào tháng 4 năm ngoái. Giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 165 tỷ đồng, ngoài số tiền bán khu đất vàng này thì ngân sách phải bỏ thêm 40 tỷ đồng để xây dựng cơ sở mới. Thế nhưng, đến nay, công trình giảng đường mới chỉ thi công phần móng.
Thầy Hoàng Trọng Ngô, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương Nha Trang cho biết, việc bán đấu giá Ký túc xá đã được Bộ Giáo dục- Đào tạo cho thực hiện từ nhiệm kỳ Hiệu trưởng trước. Sau đó, trường đã bàn giao cho nhà đầu tư khác. Thầy Hoàng Trọng Ngô lo lắng, do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng nên chưa biết đến khi nào mới hoàn thành ký túc xá tại cơ sở mới.
"Chưa có mặt bằng nên bây giờ cũng chưa biết. Ký túc xá đã bán cho người ta rồi, tôi chỉ thực hiện nhiệm vụ bàn giao. Bây giờ bên kia chưa triển khai được thì xin phép Bộ cải tạo bên này cho các em ở tạm. Giai đoạn 1 dự kiến 165 tỷ, trong đó, kinh phí do ngân sách hỗ trợ là 40 tỷ, tức là nếu không có kinh phí đối ứng của mình thì Bộ cũng chưa phê duyệt dự án đó", thầy Hoàng Trọng Ngô nói.