Khẩn trương điều tra vụ ngộ độc patê chay

NGỌC ÁNH - NGỌC DUNG - NGUYỄN THẠNH, Theo Người lao động 09:23 27/03/2021

Đã có 6 trường hợp ngộ độc patê chay, trong đó 1 người tử vong. Cơ quan chức năng đang khẩn trương điều tra nguyên nhân, đồng thời khuyến cáo người dân tuyệt đối không nên sử dụng patê chay không rõ nguồn gốc, đã quá hạn sử dụng.

Ngày 26/3, thông tin từ Bệnh viện (BV) Nhân Dân 115 (TP.HCM) cho biết nơi đây vừa tiếp nhận thêm 3 bệnh nhân nghi ngộ độc Clostridium Botulinum có trong patê chay.

Sức khỏe các bệnh nhân cải thiện

Theo BS Trần Văn Sóng, Phó Giám đốc BV Nhân Dân 115, một trong 3 bệnh nhân (SN 1979) có cùng bệnh cảnh tương tự với bệnh nhân đã nhập viện trước đó (khó nuốt, nói đớ, tứ chi yếu, chóng mặt). Sau đó, trong đêm 25/3, BV tiếp tục tiếp nhận thêm 2 bệnh nhân. Các bệnh nhân đều là nữ, cùng sử dụng bún riêu chay tại miếu Chiêu Liêu (khu dân cư Chánh Nghĩa, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) vào trưa 20/3, nghi bị ngộ độc Clostridium Botulinum có trong patê chay của món này.

Khẩn trương điều tra vụ ngộ độc patê chay - Ảnh 1.

Cháu P.N bị suy hô hấp sau khi dùng món bún riêu có sử dụng patê chay đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) (Ảnh: NGUYỄN THẠNH)

Về tình hình sức khỏe của các bệnh nhân, 2 ca nhập viện đêm 25/3 đang được cho thở ôxy, sức cơ yếu. Ca nhập viện ngày 24/3 và ca trước đó tình trạng khá nguy kịch nhưng sau khi được sử dụng thuốc giải độc tố Clostridium Botulinum - tác nhân chính được xác định có trong patê chay gây ra ngộ độc, hiện sức cơ cải thiện tốt.

Còn tại BV Nhi Đồng 2 (TP.HCM), cháu gái tên P.N (16 tuổi) đang bị suy hô hấp, thở máy, đồng tử giãn 5mm, sức cơ chỉ 1/5 cũng được truyền 2/3 lọ huyết thanh kháng độc tố Botulism Antitoxin Heptavalent vào lúc 19 giờ 30 phút ngày 25/3. Sau 3 giờ, bệnh nhi có biểu hiện cải thiện sức cơ, các đầu ngón tay, chân có biên độ cử động rõ hơn. Đến 1 giờ 30 phút ngày 26/3, bệnh nhi có thể rung được cơ đùi, đồng tử giãn 4mm có phản xạ ánh sáng tốt.

Các bác sĩ nhận định biểu hiện lâm sàng cải thiện sau khi truyền huyết thanh kháng độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum là bằng chứng cho thấy đây là những trường hợp ngộ độc thức ăn patê do độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum gây ra.

Như vậy, tính đến sáng 26/3, đã có 6 trường hợp ngộ độc do ăn patê chay tại Bình Dương. Trong đó, 4 trường hợp đang điều trị tại BV Nhân Dân 115, 1 trường hợp điều trị tại BV Nhi Đồng 2 và 1 trường hợp điều trị tại BV Chợ Rẫy (TP.HCM), đã tử vong.

Chưa thể xác định nguồn gốc patê

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế, cho biết ngay trong ngày 26/3, Cục ATTP đã có công văn đề nghị Sở Y tế tỉnh Bình Dương khẩn trương chỉ đạo và phối hợp các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương thông báo rộng rãi cho cộng đồng để những người dân đã từng đến tham dự bữa trưa 20/3 tại miếu Chiêu Liêu khẩn trương khai báo. Đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường về sức khỏe thì đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Đồng thời, Sở Y tế tỉnh Bình Dương chỉ đạo việc điều tra nguồn gốc các loại thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm được sử dụng trong bữa ăn nêu trên, đặc biệt lưu ý món chả và patê chay; xác định rõ cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình liên quan đến các loại thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm đã sử dụng. Tuyên truyền cho người dân lưu ý không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã bị phồng, bẹp, biến dạng.

Cục trưởng Cục ATTP, Tổ trưởng Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về ATTP, cũng có văn bản đề nghị Cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp các cơ quan chức năng quản lý theo lĩnh vực được phân công xác minh, điều tra nguyên nhân vụ việc, truy xuất nguồn gốc; tạm dừng việc lưu thông, sử dụng sản phẩm patê nghi ngờ và xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông, kiểm tra, giám sát đối với việc sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng các thực phẩm đóng hộp (patê...), thực phẩm hun khói, thực phẩm lên men yếm khí (thịt, cá ướp, ủ mắm...), thực phẩm bảo quản trong môi trường yếm khí (xông khói...).

Theo báo cáo ngày 26/3 của Chi cục ATTP tỉnh Bình Dương, kết quả xác minh sơ bộ vụ việc cho thấy bữa ăn dẫn đến ngộ độc nói trên có khoảng 25-30 người, trong đó có chả chay, patê chay, cơm, khổ qua kho, đậu hũ kho, cà chua, chè thập cẩm, trà tắc.

Về điều tra mở rộng, Chi cục ATTP tỉnh Bình Dương đã và đang phối hợp cùng các cơ quan chức năng trên địa bàn lấy mẫu chả chay (bao gói kín), patê trên thị trường và tại các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh để lấy mẫu xét nghiệm tìm vi khuẩn và độc tố Clostridium Botulinum.

TP.HCM khuyến cáo việc sử dụng patê chay

Chiều tối 26/3, trao đổi với phóng viên, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý ATTP TP.HCM, cho biết đang phối hợp cùng các BV, Sở Y tế tỉnh Bình Dương điều tra, xử lý vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm liên quan đến patê chay xảy ra tại Bình Dương.

Theo bà Lan, hiện tại, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đang tích cực xử lý vụ việc, chưa có thông tin về nhãn hiệu patê chay mà các bệnh nhân đã ăn. Lý do chưa truy tìm được nguồn gốc là vì người đi chợ mua các nguyên liệu để nấu bún riêu chay, trong đó có chả chay và patê chay, đã tử vong (bà C.N.M, SN 1979). Người phụ nữ cùng nấu bún riêu với người đã tử vong là bà C.N.H (SN1968) cũng đang trong tình trạng nguy kịch. "Do chưa có đủ dữ liệu nên chúng tôi chưa thể ra quyết định thu hồi patê chay trên thị trường mà chỉ có thể khuyến cáo người dân không sử dụng patê chay và đồ hộp nói chung không nhãn mác, không rõ nguồn gốc hoặc sản phẩm đã hết hạn sử dụng, bị phồng, móp méo" - bà Lan nói.

PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm - Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng patê chay là món ăn được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, ở Việt Nam, patê chay đóng hộp chủ yếu do các cơ sở nhỏ sản xuất. Loại thực phẩm giàu đạm này rất dễ phát sinh vi khuẩn nhưng các cơ sở nhỏ lẻ thường đóng hộp bằng phương pháp thủ công, tiệt trùng không bảo đảm (nhiệt độ cần ít nhất 125 độ C, thời gian ít nhất 15 phút để tiêu diệt toàn bộ mầm bệnh) nên nguy cơ nhiễm độc tố cao. Do đó, cần có sự kiểm soát chặt các cơ sở nhỏ lẻ, không đáp ứng điều kiện sản xuất thực phẩm để ngăn ngừa ngộ độc nghiêm trọng như trên.

Vụ Pate Minh Chay xử lý đến đâu?

Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong cho biết từ tháng 9/2020, Cục ATTP đã chuyển hồ sơ vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố Botulinum sang Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội, đề nghị điều tra, xử lý vụ việc ngộ độc Pate Minh Chay của Công ty TNHH hai thành viên Lối Sống Mới (TP. Hà Nội).

Vụ ngộ độc Pate Minh Chay xảy ra vào tháng 8/2020, khiến 1 trường hợp sau nhiều tháng điều trị đã tử vong; khoảng 20 người bị ngộ độc nặng, một số phải thở máy, liệt; số còn lại yếu cơ, khó nói, khó nuốt, khó thở... Đây là vụ ngộ độc chưa từng ghi nhận, báo cáo tại Việt Nam trong hàng chục năm qua. Để điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc nặng, thời điểm đó, từ nguồn hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới, BV Bạnh Mai (TP. Hà Nội) nhập về 10 lọ thuốc Botulinum (trị giá mỗi lọ thuốc này lên đến 8.000 USD).

Vụ việc được cho là rất nghiêm trọng nhưng sau khi xảy ra vụ việc, cơ quan chức năng chỉ xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH hai thành viên Lối Sống Mới 17,7 triệu đồng, tạm đình chỉ sản xuất để phục vụ điều tra. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có thông tin chính thức về kết quả điều tra. Qua liên lạc của Báo Người Lao Động ngày 26/3, đại diện cơ quan điều tra cho biết sẽ trả lời sau bằng văn bản.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày