Virus "ăn não người" Zika có thực sự nguy hiểm?

J, Theo Trí Thức Trẻ 19:44 05/04/2016

Bài viết này sẽ giúp bạn giải mã những lầm tưởng thường gặp nhất về virus Zika - virus "ăn não người" mới xuất hiện tại Việt Nam.

Thông tin Việt Nam xuất hiện các trường hợp nhiễm virus Zika đang khiến nhiều người tỏ ra hoang mang lo sợ, và từ đó rộ lên những tin đồn không chính xác về căn bệnh này. Trong đó, nhầm tưởng phổ biến là virus Zika khiến đầu người bệnh... teo lại, suy giảm về trí tuệ và cuối cùng là tử vong.

Vậy rốt cục, thông tin chính xác là gì? Zika nguy hiểm với những đối tượng nào? Hãy thử tìm hiểu xem.

Virus Zika có nguy hiểm không?

Câu trả lời là có! Virus Zika thuộc họ virus rất gần với virus sốt xuất huyết, nên về cơ bản các triệu chứng gây bệnh của Zika cũng gần như tương tự với căn bệnh này. Ngay cả cách lan truyền bệnh cũng giống hệt - qua muỗi Aedes - vật chủ trung gian của sốt xuất huyết.

Virus ăn não người Zika có thực sự nguy hiểm? - Ảnh 1.

Tuy nhiên, cần biết rằng virus này không được xếp vào dạng nguy hiểm với người trưởng thành. Người mắc bệnh cũng sẽ có những triệu chứng tương tự như khi mắc sốt xuất huyết: sốt, xuất huyết nội, đau mỏi cơ, đau mắt... nhưng với mức độ nhẹ hơn rất nhiều.

Trên thực tế, cứ 5 người mắc Zika mới có 1 người bộc lộ các triệu chứng bệnh, và hầu như chưa có trường hợp nào tử vong vì virus này.

Virus ăn não người Zika có thực sự nguy hiểm? - Ảnh 2.

Các trường hợp bệnh nhân thể trạng yếu có thể khiến bệnh xuất hiện nhiều triệu chứng nặng, dễ nhầm lẫn với các căn bệnh nguy hiểm hơn như sốt xuất huyết hoặc bệnh chikungunya.

Nhưng Zika vẫn rất nguy hiểm. Sự nguy hiểm nằm ở chỗ nó có thể gây nên căn bệnh "teo não" ở trẻ sơ sinh. Theo Bộ Y tế Brazil thông báo trong năm 2015 có tới 2.782 trường hợp trẻ em sinh ra tại Brazil mắc "chứng não nhỏ" - một căn bệnh theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là không thể chữa được. Trong đó, rất nhiều bà mẹ đã mắc phải Zika trong quá trình mang thai.

Zika nguy hiểm với đối tượng nào?

Như đã nêu trên, đối tượng chịu ảnh hưởng lớn nhất chính là các thai phụ và trẻ sơ sinh. Trẻ mắc phải hội chứng này não bộ sẽ không phát triển bình thường khi còn ở trong bụng mẹ. Kết quả, đứa trẻ ra đời với một cái đầu nhỏ bất thường.

Virus ăn não người Zika có thực sự nguy hiểm? - Ảnh 3.

Hầu hết những em bé kém may mắn như vậy đều không sống được lâu. Và dù có may mắn sống sót, sự phát triển của các em cũng gặp rất nhiều trở ngại.

Virus ăn não người Zika có thực sự nguy hiểm? - Ảnh 4.

Một em bé được sinh ra với chứng bệnh nhỏ đầu

Trên thực tế, các nhà khoa học vẫn chưa có kết luận chính thức về việc Zika là nguyên nhân gây nên chứng teo não. Tuy nhiên, để giảm thiểu rủi ro, các nhà khoa học khuyên rằng người dân trong vùng dịch không nên mang thai, tránh trường hợp một thế hệ sau mắc phải chứng bệnh quái ác này.

Các trường hợp đã mắc phải Zika cần làm gì?

Do Zika thường không gây ảnh hưởng đến tính mạng, nên đàn ông và phụ nữ trưởng thành chưa có ý định mang thai không cần phải quá lo sợ với căn bệnh này.

Virus ăn não người Zika có thực sự nguy hiểm? - Ảnh 5.

Tuy nhiên, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh tại Mỹ mới đây đã đưa ra hướng dẫn đối với trường hợp sinh con sau khi nhiễm Zika.

Cụ thể, phụ nữ sau khi khỏi bệnh cần đợi ít nhất 6 tuần để tiếp tục mang thai. Còn đàn ông, do virus Zika đã được xác nhận là có thể lây lan qua đường tình dục, cần đợi ít nhất 6 tháng sau khi khỏi bệnh mới có thể quan hệ tình dục mà không dùng đến "ba con sâu".

Nguồn: The Verge, FDA, WHO