Thai phụ nhiễm virus Zika ở Việt Nam: 3 tháng đầu thai kỳ, nguy cơ sinh con đầu nhỏ cao hơn giai đoạn sau

Định Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 17:36 05/04/2016

Theo các chuyên gia, trong 3 tháng đầu thai kỳ là giai đoạn hình thành thai nhi, những phụ nữ nhiễm virus Zika có nguy cơ sinh con mắc hội chứng đầu nhỏ cao hơn. Với trường hợp người phụ nữ mang thai 8 tuần vừa phát hiện nhiễm virus Zika, cần phải theo dõi rất chặt chẽ.

Hôm nay (5/4), Bộ Y tế tổ chức họp báo về diễn biến của virus Zika tại Việt Nam. Được biết, nước ta đã phát hiện 2 trường hợp nhiễm virus Zika. Hai bệnh nhân đều là nữ, một bệnh nhân 64 tuổi ở Khánh Hòa và một bệnh nhân 33 tuổi ở TP. Hồ Chí Minh, đang mang thai 8 tuần.

Trước mối liên quan giữa virus Zika và dị tật đầu nhỏ ở trẻ sinh khiến cho người dân, các phụ nữ đang mang thai vô cùng lo lắng. Liên quan đến vấn đề này, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, cộng đồng không nên lo lắng quá mức về việc phụ nữ mang thai bị nhiễm virus Zika có nguy cơ sinh con mắc hội chứng đầu nhỏ.

Ông Long cho rằng, nguy cơ lây lan dịch bệnh do virus Zika ở nước ta, nhất là tại những địa phương đã ghi nhận có trường hợp mắc virus Zika là rất cao. Bởi lẽ chúng ta đã có bệnh nhân mắc Zika ở trong nước, cùng với đó tác nhân truyền bệnh Zika là loại muỗi vằn đang lưu hành tại nước ta và đây cũng là muỗi truyền sốt xuất huyết. Trong khi ở Việt Nam dịch bệnh sốt xuất huyết quanh năm nên nguy cơ dịch bùng phát, lan rộng là rất lớn.

Thai phụ nhiễm virus Zika ở Việt Nam: 3 tháng đầu thai kỳ, nguy cơ sinh con đầu nhỏ cao hơn giai đoạn sau - Ảnh 1.

Muỗi vằn - Tác nhân truyền bệnh Zika. Nguồn: Internet

"Do hiện nay, biện pháp phòng chống dịch bệnh Zika đặc hiệu nhất cũng giống với biện pháp phòng chống sốt xuất huyết, đó là phải diệt muỗi và loăng quăng nhưng để đạt được hiệu quả đòi hỏi phải có sự tham gia mạnh mẽ của người dân và toàn cộng đồng xã hội", ông Long nói.

Trả lời về việc hiện nay người dân, nhất là phụ nữ đang rất lo lắng về nguy cơ trẻ sơ sinh bị dị tật đầu nhỏ khi sản phụ bị nhiễm virus Zika, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay: "Người dân phải hết sức bình tĩnh, không phải cứ mắc virus Zika là mắc chứng đầu nhỏ. Chỉ những bà mẹ mang thai ba tháng đầu ở vùng có dịch, có các triệu chứng nghi ngờ nhiễm virus Zika mới cần đến các cơ sở làm xét nghiệm. Hơn nữa, hầu hết các trường hợp mắc Zika đều trong tình trạng bệnh nhẹ có tới 80% là có triệu chứng nhẹ, tự khỏi nên Bộ Y tế không khuyến cáo việc hạn chế việc đi lại giữa các vùng có dịch. Tuy nhiên trừ trường hợp phụ nữ có thai thì nên hạn chế đi đến vùng có ổ dịch", ông Long nói.

Nói thêm về vấn đề này, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho biết, không phải cứ nhiễm virus Zika là não nhỏ mà chỉ có nguy cơ thôi, do đó cần phải theo dõi chặt chẽ. "Tầm 3 tháng đầu là thời kỳ hình thành thai nhi. Không chỉ Zika mà nhiều bệnh khác cũng dễ mắc phải như uống các loại thuốc cũng dễ gây ra dị tật nên phải theo dõi thường xuyên", ông Phu nói.

Thai phụ nhiễm virus Zika ở Việt Nam: 3 tháng đầu thai kỳ, nguy cơ sinh con đầu nhỏ cao hơn giai đoạn sau - Ảnh 2.

Em bé mặc hội chứng đầu nhỏ do quá trình mang thai bà mẹ đã bị nhiễm virus Zika. Nguồn: Internet

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ở Brazil đã ghi nhận 6776 trường hợp đầu nhỏ nhưng chỉ có 944 trường hợp nghi là có liên quan đến virus Zika. Có nghĩa, không phải tất cả những trường hợp có hội chứng đầu nhỏ đều liên quan đến virus Zika, và không phải tất cả trường hợp nhiễm virus Zika có liên quan đến hội chứng đầu nhỏ. Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới tiếp tục nghiên cứu và tìm ra các bằng chứng xác thực về việc có mối tương quan lớn giữa hội chứng đầu nhỏ và virus Zika.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã chỉ đạo hệ thống sản nhi có hướng dẫn đối với các bà mẹ mang thai trong vòng 3 tháng đầu. Nếu có các biểu hiện sốt phát ban, có triệu chứng của viêm kết mạc thì cần đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có vắc xin phòng virus Zika và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, cũng như chưa ghi nhận một trường hợp nào tử vong do virus Zika.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày