Biến đổi khí hậu hiện đang là một trong những vấn đề nổi cộm nhất mà cả thế giới phải đối mặt. Trong đó, hệ lụy nổi bật nhất là khiến băng ở hai cực tan chảy, mực nước biển dâng cao nhấn chìm nhiều thành phố.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây từ chuyên gia thuộc ĐH Harvard (Mỹ) đã chỉ ra được hệ lụy mới từ quá trình này: khiến Trái đất quay chậm lại.
Nghiên cứu này đã góp phần chứng minh được lý thuyết gây tranh cãi của Walter Munk - nhà vật lý hải dương học người Mỹ.
Trái đất đang quay chậm lại?
Năm 2002, Walter Munk đã đưa ra giả thuyết về sự sai khác giữa mực nước biển, mức băng tan, và độ quay của Trái đất. Trong đó, Munk có nêu rằng trục quay của Trái đất phụ thuộc vào sự phân bổ về khối lượng trên bề mặt - trong đó bao gồm việc băng giá chuyển thành nước lỏng.
Tuy nhiên vào thời điểm đó, không có đủ dữ liệu và công cụ để chứng minh điều này. Và đến nay, đội ngũ nghiên cứu của giáo sư địa chất Jerry Mitrovica của ĐH Harvard (Mỹ) đã giải mã được điều này bằng các số liệu từ... Kỷ Băng hà.
Mực nước biển dâng lên là nguyên nhân khiến Trái đất chậm lại
Theo Mitrovica, Trái đất đã quay chậm hơn so với thời điểm 2.500 năm trước và nguyên nhân một phần đến từ sự tương tác giữa các lớp vỏ và lõi Trái đất. Tuy nhiên, phần lớn nguyên nhân được cho là do mực nước biển tăng mạnh trong Kỷ Băng hà.
Nhưng làm sao để thấy được Trái đất đã quay chậm hơn? Mitrovica cho biết, cách phổ biến nhất là so sánh "giờ phổ quát (được đo bằng đồng hồ nguyên tử - đồng hồ chạy chính xác nhất hiện nay), với sự xuất hiện của nhật thực. Nếu có sự sai khác, nguyên do là vì tốc độ quay của Trái đất đã thay đổi.
Mitrovica cũng chia sẻ thêm rằng kể từ thời điểm 500 năm TCN đến nay, Trái đất đã quay chậm lại khoảng 16.000 giây (4,5h) - tương đương 2,4 giây mỗi năm. Điều này là hệ quả từ việc mực nước biển thay đổi.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances.
Nguồn: IFL Science