9 loài vật siêu dễ thương sắp bị xóa sổ vì biến đổi khí hậu

, Theo Trí Thức Trẻ 16:39 03/12/2015
Chia sẻ

Thế mới biết sự tàn phá của con người trong quá khứ đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhường nào.

Trái đất sẽ phải chịu nhiều hệ lụy tiêu cực do biến đổi khí hậu vào năm 2050 - đó là những gì Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp Quốc ngày 30/11 đã cảnh báo.

Trong đó, theo cảnh báo của Tổ chức Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu, việc nhiệt độ toàn cầu tăng lên có thể xóa sổ 1/3 động vật trên thế giới.

1. Hải âu cổ rụt (Puffin)

Puffin là một loài chim biển có kích cỡ nhỏ, sống và sinh sản tại các vách đá dựng đứng ven biển.

Thức ăn của loài chim này là cá và chúng thường kiếm ăn bằng cách lặn xuống biển. Tuy nhiên đại dương ấm lên sẽ khiến các loài cá di chuyển dần lên phía Bắc, hoặc lặn xuống các vùng nước sâu hơn.

Trong khi đó, hải âu cổ rụt không thể săn quá xa tổ. Chính vì thế, khả năng loài chim này bị xóa sổ là rất cao nếu như khí hậu thực sự ấm lên.

2. Rùa biển

Rùa biển vốn đã là một loài trong danh sách nguy cấp do bị đánh bắt quá mức và bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự ô nhiễm đại dương. Nhưng sắp tới, biến đổi khí hậu có thể đưa chúng vào... danh sách tuyệt chủng.

Nguyên nhân là bởi loài rùa biển có tập tính sinh sản trên cạn. Nhưng nước biển dâng lên, đồng nghĩa với việc những bãi cát nơi... "chuyện giường chiếu" của rùa biển diễn ra sẽ không còn.

Không chỉ vậy, nhiệt độ cát quá cao cũng khiến trứng rùa không thể nở. Chưa kể nước ấm sẽ khiến các rạn san hô - nơi rùa biển sinh sống - bị tàn phá nặng nề.

3. Chuột Mỹ (American Pika)

Tên là "chuột", nhưng chuột Mỹ (American Pika) lại thuộc bộ thỏ. Chúng là loài gặm nhấm nhỏ, sống tại các vùng núi thuộc khu vực Bắc Mỹ. Đây cũng chính là nguồn cảm hứng để xây dựng nên hình tượng Pikachu trong bộ anime nổi tiếng Pokémon của Nhật Bản.

Nhưng chúng ta có thể không còn cơ hội nhìn thấy loài chuột dễ thương này nữa. Nguyên do là vì chỉ cần tiếp xúc với nhiệt độ vượt quá 25 độ C, chuột Pika sẽ chết.

4. Báo tuyết (Snow leopard)

Báo tuyết có tên khoa học là Panthera uncia, thường cư trú tại các dãy núi Trung Á. Đây cũng là một trong những loài nằm trong danh sách nguy hiểm từ lâu do nạn săn bắn bừa bãi. Đến nay, ước tính số lượng báo tuyết ngoài tự nhiên còn khoảng 4.000 - 6.500 con.

Tuy nhiên, việc khí hậu thay đổi sẽ khiến con số này sụt giảm nghiêm trọng. Nhiệt độ tăng lên sẽ làm hệ sinh thái vùng núi thay đổi, khiến nhiều loài động vật di cư.

Báo tuyết sẽ gặp khó khăn để tìm thức ăn, do đó sẽ phải di chuyển đến các khu vực xa hơn, dẫn đến việc chạm trán với con người.

5. Cá tuyết Đại Tây Dương

Cá tuyết không những quan trọng với hệ sinh thái mà còn có ý nghĩa kinh tế với nhiều quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên chúng sống ở trong các vùng nước lạnh. Tức là việc đại dương ấm lên sẽ khiến môi trường sống của cá tuyết thay đổi. Chưa kể, chúng sẽ phải đi xa hơn để kiếm ăn, đồng nghĩa với việc "phơi mình" trước các loài săn mồi khác.

Nếu số lượng cá tuyết sụt giảm, ngư dân vốn sống cả đời bằng nghề săn cá tuyết chắc chắn sẽ gặp khó khăn, thậm chí không thể hành nghề nếu loài này tuyệt chủng.

6. Tuần lộc

Tuần lộc sống tại Bắc Cực và các khu vực lân cận. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, tuần lộc sẽ ngày một gặp khó khăn hơn trong việc kiếm ăn.

Thức ăn chủ yếu của chúng là địa y và rêu. Tuy nhiên thời tiết ấm lên khiến mưa tại Bắc Cực nhiều lúc bất chợt xuất hiện, khiến thức ăn của tuần lộc bị phủ dưới một lớp băng khó có thể xuyên thủng.

Thêm vào đó, những dòng sông băng trước kia rất chắc chắn nay đã mỏng dần. Theo ghi nhận tại Thụy Điển, đã từng có sự kiện một đàn tuần lộc 300 con thiệt mạng vì dòng sông băng vỡ ra khi chúng di chuyển.

7. Gấu trắng Bắc Cực

Gấu trắng cũng là một trong những loài vật chịu ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu.

Tháng 11 vừa qua, các chuyên gia tại Hội Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế đã cảnh báo rằng biến đổi khí hậu sẽ khiến số lượng gấu trắng sụt giảm tới 40% trong vài thập kỷ tới.

Nguyên nhân là vì gấu trắng chỉ có thể săn mồi trong phạm vi ngắn xung quanh những tảng băng nổi tại Bắc Cực. Khi lượng băng này sụt giảm, đồng nghĩa với việc chúng không còn thức ăn, và hệ quả tất yếu thì... chắc chúng ta không cần bàn nữa.

8. Chim cánh cụt

Những nghiên cứu gần đây cho thấy số lượng chim cánh cụt đã giảm tới 19% chỉ trong những năm đầu của thế kỷ XXI.

Cũng giống như gấu trắng, lượng băng tại Bắc Cực sụt giảm chính là nguyên nhân khiến chim cánh cụt không tìm thấy thức ăn. Chưa kể, chim cánh cụt sinh sản chủ yếu trên các mỏm băng trôi.

9. Gấu Koala

Gấu Koala thì không chịu ảnh hưởng bởi sự gia tăng nhiệt độ. Thứ khiến chúng diệt vong là lượng CO2 trong không khí.

Dù lượng khí CO2 tăng khiến các loài cây mọc nhanh hơn, tức là có nhiều thức ăn hơn cho loài gấu này. Tuy nhiên, những cây bạch đàn - thức ăn chủ yếu của gấu Koala - đang ngày càng ít dưỡng chất, tức là số lượng gấu bị.... suy dinh dưỡng sẽ tăng lên.

Ngoài ra, khí hậu nóng lên sẽ khiến loài gấu này phải dành nhiều thời gian ở dưới đất tìm kiếm nguồn nước, do đó dễ bị các loài săn mồi tấn công.

Nguồn: Business Insider

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày