NASA đã từng ghi nhận năm 2014 là năm có nhiệt độ trung bình cao nhất trong lịch sử loài người. Tuy nhiên điều đó sẽ không còn đúng vào thời điểm hiện tại nữa khi mà các nhà khoa học xác nhận rằng nửa đầu năm 2015 đã cho thấy dấu hiệu nhiệt độ tăng cao kỷ lục.
Theo một báo cáo vừa mới được công bố của Climate.gov, tháng 6 năm 2015 là thời điểm nóng nhất kể từ khi các dữ liệu này được thu thập từ năm 1880 đến nay.
Cũng theo dữ liệu về nhiệt độ trên thế giới của Cục quản lý đại dương và khí quyển NOAA, tháng 6 năm 2015 là tháng nóng nhất, cao hơn khoảng 1,6 độ F (khoảng 0,9 độ C) so với nhiệt độ trung bình của các tháng 6 trong thế kỷ 20. Nó cũng cao hơn 0,22 độ F so với nhiệt độ kỷ lục của tháng 6 năm ngoái.
Những lời cảnh báo về sự
biến đổi khí hậu dần trở thành hiện thực và tác động đến hệ sinh thái trên Trái đất cũng như ảnh hưởng trực tiếp lên đời sống hàng ngày của con người.
Cùng điểm lại một vài thảm họa cho thấy, biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn ra một cách nghiêm trọng và đe dọa cuộc sống chúng ta như thế nào.
1. Trái đất đang biến thành chảo lửaThế giới đang phải hứng chịu những hậu quả nặng nề từ những đợt sóng nhiệt bất thường trong thời gian qua.
Sóng nhiệt (heat wave) - hay đợt nóng - là giai đoạn hiện tượng thời tiết nóng bất thường, kéo dài từ vài ngày đến hơn một tuần. Hiện tượng này thường đi kèm với độ ẩm cao trong không khí, nhất là ở những nước gần biển, gây cảm giác khó chịu cho người dân.
Nắng nóng làm chảy cả nhựa đường tại Ấn Độ
Những đợt sóng nhiệt quét qua Pakistan, Iran, Ấn Độ, châu Âu, và Nhật Bản trong mùa hè 2015 đã làm nóng chảy cả nhựa đường, khiến hàng ngàn người thiệt mạng vì nắng nóng.
Ấn Độ là một trong những nước chịu hậu quả nặng nề từ biến đổi khí hậu
Cụ thể, đợt nắng nóng kinh hoàng với mức nhiệt lên tới 44 độ C - cao nhất trong lịch sử Pakistan kể từ năm 1981 đã cướp đi mạng sống của 1.300 người ở Pakistan.
2. Hạn hán ở khắp nơi trên thế giới
Rất nhiều nơi trên thế giới đang phải hứng chịu những đợt hạn hán khốc liệt kéo dài. Hạn hán làm cạn kiệt nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền nông nghiệp của nhiều nước.
Đợt hạn hán lần này được xem là tồi tệ nhất trong lịch sử bang California trong vòng 1.200 năm trở lại đây.
Chính quyền bang California thậm chí đã phải thả đến
96 triệu trái bóng “cứu hạn” vào các hồ nước nhằm đối phó với tình trạng mực nước thấp kỷ lục ở Mỹ.
Những trái bóng cứu hạn được thả tại Los Angeles, California, Mỹ
Tại Đức, các đợt hạn hán kéo dài đã khiến mực nước sông Danube xuống đến mức thấp kỷ lục, tàu thuyền bị mắc cạn, hoạt động giao thông đường thủy trên sông Danube bị ngưng trệ.
Một con tàu bị mắc cạn ngay tại sông Danube
Các vùng ở Brazil, Nam Phi và Bắc Triều Tiên cũng hứng chịu những đợt hạn hán do lượng mưa ở các khu vực này ngày càng thấp. Hậu quả là lượng nước tại hồ chứa và nguồn cung cấp lương thực bị đe dọa, có khả năng gây ra nạn đói trên diện rộng.
Hạn hán kéo dài khiến người dân châu Phi lâm vào tình trạng khan hiếm nước trầm trọng.
3. Đại dương đang bị axit hóa
Với tình trạng hạn hán kéo dài, những khu rừng trên thế giới sẽ không thể hấp thụ được khí CO2. Lượng CO2 tăng cao sẽ gây ảnh hưởng rất xấu đến hệ sinh thái của chúng ta.
Tuy nhiên, không chỉ bầu khí quyển Trái đất mà các đại dương cũng đang đối mặt với một mối đe dọa nghiêm trọng này.
Các đại dương đang dần bị axit hóa.
Khoảng 50% tổng lượng khí CO2 do con người thải ra kể từ cuộc cách mạng công nghiệp đã "hòa" vào các đại dương khiến cho nhiều loài sinh vật tuyệt chủng.
Rạn san hô tại phía Tây Thái Bình Dương bị “tẩy trắng” hoàn toàn do hiện tượng axit hóa đại dương
CO2 là một loại khí có tính axit, do đó, khi hòa tan vào nước biển, biển sẽ bị axit hóa, đồng thời nhiệt độ tăng lên. Điều này sẽ khiến lượng oxygen trong nước biển giảm đi, gây ảnh hưởng tới sự phát triển của sinh vật biển, đặc biệt là các sinh vật có lớp vỏ cứng.
4. Nước biển đang ấm lên
Vài tháng trước, hình ảnh hàng chục nghìn con hải tượng chạy nạn vào bờ biển Alaska vì băng tan đã phần nào báo hiệu tình trạng nghiêm trọng của hiện tượng nước biển đang ấm lên.
35.000 cá thể hải tượng đã phải chạy nạn vì hiện tượng băng tan. Ở miền Bắc Thái Bình Dương, một khối nước mới với nhiệt độ cao bất thường ở ngoài khơi Hawaii, Baja California và Alaska đã tàn phá trên hệ sinh thái biển, làm cho nhiều loài sinh vật biển đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Ngoài ra, các nhà sinh vật học nhận thấy đã có một số loài động vật di cư đến vùng cực để tìm môi trường sống có nhiệt độ phù hợp hơn.
Nếu như đại dương tiếp tục ấm và băng tiếp tục tan chảy, sự di chuyển của dòng nước lạnh và ấm không còn cân bằng. Do vậy, chỉ cần một sự thay đổi nhỏ những dòng hải lưu cũng có thể tác động lớn đến sự thay đổi khí hậu toàn cầu.
Cua dạt bờ hàng loạt các bãi biển ở California (Mỹ) vì hiện tượng nước biển ấm lên
Các chuyên gia cho rằng, El Nino là nguyên nhân khiến nhiệt độ mặt nước biển ở Thái Bình Dương ấm lên, gây ra thời tiết nóng nực khắp châu Á.
Nghiêm trọng hơn, El Nino còn làm nóng bầu khí quyển và thay đổi dòng đối lưu trên toàn cầu, cụ thể là luồng khí áp trên Thái Bình Dương sẽ mạnh hơn và khiến nhiều cơn bão lớn xảy ra.
Theo một số nhà khoa học, điều này là một trong những nguyên nhân gây hạn hán kéo dài tại nhiều nơi trên thế giới.
5. Cá hồi đang dần tuyệt chủng
Với việc nước biển ngày càng dâng cao, xâm lấn nguồn nước ngọt cùng với việc nhiệt độ nước tăng lên làm giảm nồng độ oxy trong nước, ô nhiễm nguồn nước... đã khiến sự tồn tại của loài cá hồi đang bị đe dọa trầm trọng.
Cá hồi đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng
Sự đe doạ này không chỉ khiến loài sinh vật này dần tới con đường tuyệt chủng mà còn kéo theo nhiều hệ lụy đến toàn bộ hệ sinh thái biển. Bởi cá hồi là nguồn cung cấp thức ăn cho một lượng lớn loài cá trên Trái đất.
Gấu xám sẽ phải chịu ảnh hưởng lớn nếu như thức ăn ưa thích của chúng - cá hồi biến mất.
NGAY BÂY GIỜ, CHỈ CẦN BẠN QUAN TÂM HƠN ĐẾN MÔI TRƯỜNG MÀ THÔI!
Nguồn:Matador Network, CNN