Trong truyện "Aladin và cây đèn thần", thần đèn có thể di chuyển cả một tòa lâu đài dễ dàng. Nhưng chính con người cũng không mấy thua kém vì đã có những công trình nặng hàng ngàn tấn được di chuyển vị trí một cách gọn gàng.
Nhà hát Shubert (2.980 tấn)
Đó là nhà hát cổ nhất tại thành phố Minneapolis, Mỹ. Nó xuất hiện từ năm 1910 và từng là một điểm đến ưa thích của các nghệ sĩ. Tuy nhiên, tới những năm 90 của thế kỷ trước, chính quyền quyết định đóng cửa nó trong kế hoạch tu sửa toàn bộ khu phố.
Một tổ chức phi lợi nhuận đã quyết định mua lại tòa nhà và lên kế hoạch dịch chuyển nó sang khu phố bên cạnh. Dù quãng đường chỉ dài khoảng 400m nhưng người ta đã phải dùng 5 chiếc xe ủi lớn để hoàn thành công việc trong 12 ngày. Ngoài ra, 100 đòn bẩy thủy lực đã nâng tòa nhà lên và một hệ thống đế tạm đã được hoàn thiện để tòa nhà có thể di chuyển qua con phố rất tấp nập.
Nhà hát sau khi chuyển tới vị trí mới vào năm 1999 đã được tu sửa và giờ đây vẫn phục vụ cho mục đích nghệ thuật.
Khách sạn Montgomery (4.816 tấn)
Khi được mở cửa tại thành phố San Jose, Mỹ vào năm 1911, khách sạn này tượng trưng cho sự sang trọng. Nhưng tới đầu những năm 1990, nó trở thành một tòa nhà bỏ không. Không gian nơi khách sạn tọa lạc cũng được lên kế hoạch dùng để xây một tòa nhà mới, hiện đại hơn.
Tuy nhiên, người ta đã quyết định thay vì phá hủy tòa nhà theo cách thông thường, các kỹ sư sẽ di chuyển nó khoảng hơn 50m để lấy chỗ cho công trình mới trong khi vẫn giữ lại tòa nhà cũ. Dù một số phòng ốc sẽ bị phá và toàn bộ tầng 1 cũng không giữ được như cũ nhưng ít ra thì những người hoài cổ vẫn sẽ có thứ để chiêm ngưỡng.
Hiện giờ, khách sạn Montgomery vẫn mang dáng vẻ cổ điển bên ngoài và nội thất của nó đã trở nên hiện đại, sẵn sàng phục vụ khách tới thăm.
Hải đăng Cape Hatteras (4.830 tấn)
Việc di chuyển ngọn hải đăng này được ví như “Màn dịch chuyển của Thiên niên kỷ”. Nó vốn nằm tại bờ biển của bang Bắc Carolina nhưng khi biển ngày càng xâm chiếm sâu hơn vào đất liền, người ta lo ngại cho sự tồn vong của ngọn hải đăng cao nhất nước Mỹ. Thế là một dự án trị giá 12 triệu USD đã được tiến hành.
Việc di chuyển hải đăng khó hơn di chuyển các tòa nhà bình thường rất nhiều vì nó không có các cấu trúc bên trong để hỗ trợ giữ cả công trình trong khi được chuyển rời. Ngọn hải đăng đã 129 tuổi này cuối cùng đã được một hệ thống máy móc nặng hơn 400 tấn nâng lên, đặt xuống đường chạy bằng kim loại và chuyển tới nơi ở mới trong thời gian 23 ngày.
Các kỹ sư thực hiện công việc này đã được trao giải thưởng Opal. Để dễ hình dung, Opal được coi như giải Oscar của các kỹ sư.
Tòa nhà 51 thuộc sân bay quốc tế Newark (7.400 tấn)
Thường thì sân bay là nơi giúp chúng ta di chuyển nhưng vào cuối năm 2000, đầu năm 2001, một tòa nhà ở sân bay Newark đã được chuyển tới nơi ở mới với tấm vé một chiều có giá 6 triệu USD.
Tòa nhà 51 này từng là một trong những nơi đón tiếp nhiều khách nhất trong các sân bay ở Mỹ và cũng là một trong những công trình cổ nhất. Tuy nhiên, khi sân bay Newark ngày càng mở rộng, vị trí của tòa nhà lại cản trở việc xây thêm đường băng mới.
Người ta đã quyết định di chuyển tòa nhà thay vì phá hủy và xây một công trình mới. Để làm điều đó, các kỹ sư đã cắt công trình thành 3 phần trước khi cho tất cả đi “du lịch” hơn 500m. Đây cũng là tòa nhà duy nhất phải bị "cắt" trong khi di chuyển do có kích thước quá cồng kềnh. Cho đến giờ, tòa nhà vẫn hoạt động tốt và trở thành một khu văn phòng của sân bay.
Tòa nhà Fu Gang (15.140 tấn)
Kỷ lục thế giới về di chuyển nhà đang thuộc về người Trung Quốc. Đó là một tòa nhà lớn ở tỉnh Quảng Tây. Vào năm 2004, người ta đã kéo tòa nhà cao tới 34m này ra khỏi vị trí cũ và thật đáng ngạc nhiên khi cho tới nay, nó vẫn đứng vững. Việc di dời toàn nhà này tới một vị trí mới cách đó 35,62m mất 11 ngày với đầy đủ các thiết bị như cần cẩu, máy kéo, trục đỡ rất hoành tráng.