Tái dựng khuôn mặt xác ướp 2.600 tuổi

Lê Giang, Theo Mask Online 10:24 31/03/2012
Chia sẻ

Cùng các cập nhật: Phát hiện 9 "siêu Trái đất", Vịnh Hạ Long chính thức là kỳ quan thiên nhiên mới, thư điện tử khiến Trái đất ấm hơn...


Tái dựng khuôn mặt xác ướp 2.600 tuổi


Các chuyên gia đang nghiên cứu về việc tái tạo khuôn mặt của một xác ướp Ai Cập cổ 2.600 năm tuổi. Và đây là lần đầu tiên các nghệ sĩ y khoa tái dựng khuôn mặt của một xác chết lâu năm. Xác ướp cổ này là một vị thầy cúng Ai Cập tên Iset Tayef Nakht, cao 1,5m, chết ở độ tuổi 65 và mang trong người bệnh viêm khớp.

Quan tài của xác ướp Ai Cập cổ được trưng bày tại viện bảo tàng hoàng gia Cornwall. 

Xác ướp đã được đưa đến Cornwall vào thế kỷ thứ 19 và được chụp lại hộp sọ cũng như kiểm tra pháp lý bởi bác sĩ phẫu thuật Stephen Lovehammick, thuộc Viện Hải quân Hoàng gia Anh năm 1828. Căn cứ vào những dữ liệu này, các chuyên gia thuộc Viện Nghệ thuật Hoàng gia Anh sẽ tạo ra hình dạng hộp sọ như người hiện đại.

Các nhà khoa học sử dụng hình ảnh hộp sọ của xác ướp Ai Cập cổ để đem “xác ướp về với cuộc sống”.

Sau đó, nó tiếp tục được chuyển đến Manchester. Tại đây, hai nghệ sĩ y khoa sẽ sử dụng những tế bào thần kinh mỏng và thuật toán trong giải phẫu để tạo hình khuôn mặt cho xác ướp này. Sản phẩm cuối cùng là một khuôn mặt người Ai Cập cổ bằng chất liệu nhựa đồng, nó sẽ sớm được trưng bày tại Viện Bảo tàng Hoàng gia Anh.

(Nguồn tham khảo: Dailymail)

Phát hiện ra 9 “siêu Trái đất” có thể hỗ trợ sự sống


Ngày 23/3, đài quan sát Nam Âu (ESO) thông tin rằng, họ đã tìm thấy 9 "siêu Trái đất" trong một nghiên cứu trên 120 ngôi sao lùn đỏ. Những ngôi sao tỏa nhiệt ít hơn trong dải ngân hà cho thấy, thiên hà của chúng ta có hàng tỷ hành tinh lõi đá nằm ở những vùng hỗ trợ sự sống như Trái đất.

"Siêu Trái đất" là các hành tinh lõi đá, không giống như các hành tinh khí khổng lồ, liên tục xoay vòng quanh ngôi sao của nó tại một quỹ đạo gọi là vùng Goldilock - nơi nhiệt độ nó nhận được không quá nóng hoặc quá lạnh, chỉ vừa đủ để hỗ trợ sự sống.

Tại khu vực này, nước có thể tồn tại dưới dạng lỏng.

ESO đã sử dụng kính thiên văn HARPS có đường kính 3,6m, đặt ở sa mạc Atacama của Chile. Xavier Bonfils thuộc Đại học Grenoble (Pháp) cho biết: “Các quan sát mới của chúng tôi với HARPS cho thấy, khoảng 40% các sao lùn đỏ đều có một siêu Trái đất đang bay vòng quanh vùng Goldilock, nơi nước lỏng có thể tồn tại trên bề mặt hành tinh. Bởi sao lùn đỏ có rất nhiều, với khoảng 160 tỷ ngôi sao trong dải ngân hà, kết quả là sẽ có hàng chục tỷ hành tinh siêu Trái đất riêng tại thiên hà của chúng ta".

Theo ước tính của EOS, có khoảng 100 siêu Trái đất nằm tại các ngôi sao cách chúng ta chưa đầy 30 năm ánh sáng. Trên phương diện vũ trụ học, khoảng cách này vô cùng nhỏ nhoi. Nhưng với công nghệ hiện nay, nhân loại hoàn toàn không thể tới những hành tinh này.

(Nguồn tham khảo: Khoahoc)

Vịnh Hạ Long chính thức là kỳ quan thiên nhiên mới


Sáng 30/3 tại Hà Nội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT & DL), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Ninh và tổ chức New7Wonders (N7W) đã tổ chức cuộc họp báo chính thức công bố Vịnh Hạ Long của Việt Nam là kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới bên cạnh Rừng Amazon (Nam Mỹ), Thác Iguazu (Achentina, Brazil), Đảo Jeju (Hàn Quốc), Công viên Komodo (Indonesia), Sông ngầm Puerto Princesa (Philippines) và Núi Bàn (Nam Phi).

Vịnh Hạ Long (Việt Nam) được công nhận là một trong những kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.

Tại cuộc họp, Chủ tịch N7W đã công bố kết quả chính thức của cuộc bầu chọn toàn cầu sau 3 tháng đối soát. Vào tháng 4 và 5 tới sẽ có 5 địa danh tổ chức đón nhận danh hiệu trên, trong đó Vịnh Hạ Long (Việt Nam) sẽ tổ chức lễ đón nhận biểu trưng và danh hiệu kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội vào ngày 27/4 và tại Hạ Long, Quảng Ninh ngày 1/5.

Cũng trong thời gian diễn ra Lễ công nhận danh hiệu, tổ chức N7W sẽ mang đến Việt Nam 2 tấm bia khắc bằng đồng chính thức công nhận Vịnh Hạ Long trở thành 1 trong 7 kỳ quan thế giới mới. Hiện Bộ VHTT&DL đang tiến hành khảo sát địa điểm để đặt 2 tấm bia này tại Hà Nội và Quảng Ninh. Ông Nguyễn Văn Tình - Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế nói: “Chúng tôi sẽ đặt hai tấm bia công nhận này ở vị trí công cộng, trang trọng để mọi người dễ quan sát và chụp ảnh. Bên cạnh đó, kinh phí tổ chức 2 sự kiện này hoàn toàn được huy động từ nguồn xã hội hóa và hiện vẫn chưa thể xác định con số cụ thể là bao nhiêu".

(Nguồn tham khảo: Dantri)

Thư điện tử khiến Trái đất ấm hơn


Mỗi khi con người gửi thư điện tử, chúng ta phải bật máy tính và truy cập mạng Internet. Sau đó nội dung thư điện tử sẽ được lưu trữ trong các máy chủ và kho dữ liệu - những thứ cũng cần điện để hoạt động. Phần lớn điện phục vụ máy tính và máy chủ được sản xuất từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch như dầu, than đá.


Theo một báo cáo của Cơ quan Quản lý Môi trường và Năng lượng Pháp (ADEME), chỉ riêng với việc gửi và nhận thư điện tử, mỗi nhân viên văn phòng gián tiếp tạo ra trung bình 13,6 tấn CO2 mỗi năm, tức là gấp hơn 2 lần lượng khí CO2 trung bình mà một người Pháp tạo ra hàng năm. ADEME đưa ra con số trên sau khi nghiên cứu một công ty Pháp. 100 người trong công ty làm việc 220 ngày mỗi năm. Mỗi người nhận 58 và gửi 33 thư điện tử mỗi ngày. Dung lượng trung bình của mỗi thư điện tử là 1MB.

Số lượng người nhận thư điện tử càng nhiều và dung lượng thư điện tử càng lớn thì lượng khí CO2 phát thải càng cao. Facebook và Twitter - 2 trong số những mạng xã hội lớn nhất thế giới tuyên bố, họ đang nỗ lực giảm thiểu lượng CO2 phát thải tới mức thấp nhất. Raffi Krikorian - giám đốc phụ trách cơ sở hạ tầng của Twitter từng nói, công ty sẽ phấn đấu giảm 1 tấn trong lượng khí CO2 mà người sử dụng Twitter gián tiếp tạo ra mỗi ngày.

(Nguồn tham khảo: Khoahoc)

Tại sao loài nhện lại không bị mắc vào lưới của chính chúng?


Qua nhiều năm, nhiều giả thuyết được đưa ra để lý giải tại sao loài nhện lại không bị mắc phải lưới của chính chúng. Nhưng cho đến gần đây lời giải đáp cho vấn đề này mới được tìm ra, nguyên nhân cho việc đó chính là sự kết hợp tuyệt vời của giải phẫu và kĩ thuật.

Các giả thuyết trước đây cho rằng, chân loài nhện được bao phủ bởi một loại màng không dính và chúng chỉ đi bằng đầu các ngón chân trên bẫy của mình. Nhưng trong đoạn băng ghi hình việc chúng di chuyển thông qua kính hiển vi, tiến sĩ William Elberhard và tiến sĩ Daniel Briceno đã khám phá ra rằng loài nhện sử dụng kiểu di chuyển 3 bước.


Đầu tiên, các chân được bao phủ bởi hàng trăm sợi lông nhỏ để giảm diện tích bề mặt mà lưới có thể dính vào. Thứ hai, loài nhện sử dụng các kĩ thuật di chuyển rất khéo léo khiến cho chỗ mạng bị mắc có thể trượt ra một cách dễ dàng. Thứ ba, các sợi lông ở chân của chúng được bao phủ bởi một lớp hóa chất đặc biệt để lớp dính trên lưới không bị bám vào.

Việc nghiên cứu kĩ các hóa chất bao phủ trên lông ở chân loài nhện sẽ giúp con người phát triển được các chất chống dính tốt hơn.

(Nguồn tham khảo: Gizmodo)
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày