Nhật thực làm thay đổi thời tiết, lý do muỗi "khát" máu hơn

Lê Giang, Theo Mask Online 10:49 01/04/2012
Chia sẻ

Cùng các cập nhật: Sữa chua vị... cá tốt cho sức khỏe, phát hiện biến thể di truyền tăng nhiễm bệnh chân voi...


Nhật thực làm thay đổi thời tiết


Các nhà thiên văn học đã chỉ ra rằng, nhật thực có thể làm giảm nhiệt độ ở những vùng bị che khuất trên Trái đất xuống khoảng 3 độ C. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học thuộc Đại học Reading (Anh) đã phát hiện, hiện tượng nhật thực thậm chí có thể làm thay đổi thời tiết, như tốc độ và hướng gió cũng như liên quan tới các hiện tượng thiên văn lạ khác.

Hiện tượng nhật thực có thể làm thay đổi tốc độ và hướng gió.

Tiến sĩ Giles Harrison và cộng sự đã thu thập dữ liệu về thời tiết liên quan tới hiện tượng nhật thực toàn phần xảy ra vào tháng 8/1999. Nhật thực khi đó đã che khuất các vùng dọc châu Âu, bao gồm cả Devon và Cornwall ở Anh. Từ những dữ liệu thu được, nhóm nghiên cứu xây dựng mô hình trên máy tính các hình thái thời tiết vào thời điểm trước, trong và sau khi xảy ra nhật thực. Sau đó, họ so sánh các hình thái thời tiết này với nhau. 

Kết quả cho thấy, tốc độ gió giảm 2,5km/h và hướng gió cũng thay đổi khoảng 20 độ về phía Nam khi xảy ra hiện tượng nhật thực. Trên thực tế, nhiều người ở những vùng ảnh hưởng của nhật thực cho biết, họ cảm thấy hướng gió thay đổi khi hiện tượng này xảy ra. Tiến sĩ Harrison cho biết, “Khi hiện tượng nhật thực làm thay đổi nhiệt độ, nó dường như cũng khiến gió thổi chậm hơn và chệch hướng. Điều này có thể giúp giải thích tại sao mọi người cảm thấy gió thay đổi hướng khi xảy ra nhật thực”. 

(Nguồn tham khảo: National Geographic)

Sữa chua vị... cá tốt cho sức khỏe


Các nhà khoa học Mỹ đang thử nghiệm một loại siêu thực phẩm: sữa chua chứa dầu cá. Acid béo omega-3 trong dầu cá tốt cho tim mạch nhưng một số người không có thói quen cung cấp đủ lượng acid này trong bữa ăn hàng ngày. Bên cạnh đó, họ không dám ăn dầu cá trực tiếp bởi thực sự nó không dễ ăn. Vì thế, các nhà khoa học công tác tại Đại học Virginia Tech đang thử nghiệm bổ sung omega-3 vào sữa chua có vị chanh.

Dù những người nếm thử phát hiện vị tanh của cá trong sữa chua, 50% trong số họ đánh giá loại thực phẩm mới là ổn và 39% nói rằng họ sẽ thường xuyên ăn sữa chua cá.

Sữa chua dầu cá sẽ bổ sung một lượng acid béo omega-3 tốt cho tim mạch.

Giáo sư Susan Duncan (Đại học Virginia Tech) nói: “Sự phổ biến của sữa chua trên thế giới với các chất tăng cường sức khỏe như men probiotics, khoáng chất, vitamin, protein sữa cho thấy sữa chua có thể là nguồn dẫn tuyệt hảo cho acid béo omega-3”Các nhà khoa học nhận thấy, những người nếm thử không phát hiện nồng độ dầu cá thấp trong sữa chua không mùi. Tuy nhiên, họ phát hiện vị cá khi dầu cá được sử dụng trong sữa chua bổ sung hương vị (vị chanh…). Ông Duncan nói thêm, nếu khiến sữa chua dầu cá có vị ngọt hơn thì có thể tạo ra một thị trường sữa chua rất tiềm năng.

(Nguồn tham khảo: Journal of Dairy Science)

Tìm ra biến thể di truyền tăng nhiễm bệnh chân voi


Căn bệnh chân voi có tên khoa học là podoconiosis, do một loại giun sống trong đất ở vùng nhiệt đới gây nên bằng cách làm viêm hệ thống bạch huyết ở chân dẫn đến sưng chân, ảnh hưởng đến khoảng 4 triệu người trên thế giới hiện nay. Căn bệnh này thường lan truyền trong gia đình. Vì thế có nhiều người cho rằng, căn bệnh liên quan đến yếu tố di truyền nhưng các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được biến thể di truyền nào làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.

Biến thể di truyền thuộc HLA lớp II của bộ gene làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh chân voi.

Đến nay, qua so sánh bộ gene của 194 người mắc bệnh chân voi ở miền Nam Ehtiopia và 203 người không mắc bệnh, các nhà nghiên cứu do Tổ chức Wellcome Trust, Hiệp hội các bác sĩ của Vương quốc Anh và Ireland tài trợ, đã xác định được sự kết hợp của 3 biến thể di truyền làm tăng nguy cơ phát triển bệnh. Cả ba biến thể đều thuộc vào khu vực HLA lớp II của bộ gene - một khu vực có vai trò quan trọng trong hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Với phát hiện trên, các nhà khoa học đã có thể khẳng định, tồn tại một cơ sở miễn dịch với căn bệnh chân voi. Nó hứa hẹn sẽ đưa lại một liệu pháp điều trị mới bằng thuốc tác động vào hệ thống miễn dịch này. Phát hiện cũng giúp lý giải nguồn gốc và lý do căn bệnh chân voi lại phổ biến ở Châu Phi. Hiện, các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để xác định các phân tử chính bị ảnh hưởng bởi biến thể di truyền trong việc tăng nguy cơ nhiễm bệnh chân voi. Đồng thời tiếp tục khuyến cáo người dân nên đi dép, giày để bảo vệ chân.

(Nguồn tham khảo: Medicalxpress)

Virus sốt xuất huyết làm muỗi “khát” máu hơn


Khi muỗi đốt người, nó làm lây lan căn bệnh sốt xuất huyết qua tuyến bọt. Theo thống kế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính mỗi năm có từ 50 -100 triệu ca nhiễm sốt xuất huyết. Gần đây, một nghiên cứu mới chỉ ra rằng, bản thân muỗi là cỗ máy hút máu nhưng khi mang virus sốt xuất huyết muỗi càng trở nên khát máu hơn. 

Muỗi chứa virus sốt xuất huyết sẽ khát máu và có khả năng tìm kiếm thức ăn nhiều hơn.

Qua phân tích muỗi (trước và sau) khi có virus sốt xuất huyết, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy sự thay đổi trong 147 gene liên quan đến việc tạo ra các protein có liên quan đến quá trình truyền virus, hệ thống miễn dịch. Nguy hiểm hơn, nó làm cho muỗi thèm máu và kích hoạt khả năng khứu giác để tìm nguồn thức ăn của muỗi chứa virus sốt xuất huyết. Tuy nhiên, virus sốt xuất huyết không làm tổn hại đến những con muỗi Aedes aegypti mang nó. 

(Nguồn tham khảo: Livescience)
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày