Quái vật dạt vào bờ biển Mỹ, chữa béo bằng... phân xác ướp

A, Theo Mask Online 10:56 30/03/2012

Cùng các cập nhật: Phát hiện loài ếch tí hon, sao chổi "dội bom" sự sống lên Trái đất, thú quý hiếm ở dãy Trường Sơn kêu cứu.

Quái vật dạt vào bờ biển Mỹ


Một sinh vật lạ, đã chết dạt vào bờ biển Folly, bang South Carolina, Mỹ hồi tuần trước, làm dấy lên những đồn đoán ở địa phương và cả trên mạng Internet rằng người ta có thể đã tìm thấy xác của một con quái vật biển.



Sinh vật lạ khoác lớp áo màu nâu vàng với các mảng màu xanh dương điểm xuyết trên cơ thể. Tuy nhiên, điều khiến những người đi biển và cư dân địa phương cảm thấy kinh ngạc nhất là kích thước “khủng” cũng như các xương tấm giống khủng long ở hai bên sườn của con vật.

Hiện vẫn chưa có thông tin chính xác về chiều dài của con “quái vật”, nhưng dựa vào ảnh chụp, kênh Discovery phỏng đoán nó phải dài hơn 3m.

Giống như nhiều xác sinh vật bị phân hủy khác, xác con “quái vật” lạ cũng bốc lên mùi hôi thối khó chịu. Người ta đưa ra vô số đồn đoán về nó, từ một con quái vật biển thuộc loài khủng long tới sinh vật bị đột biến vì chất độc hại hay quái thú chupacabra.

Dư luận xôn xao khiến các nhà khoa học phải vào cuộc. Một trong những người đầu tiên tới nhận diện “quái vật” là tiến sĩ Shane Boylan thuộc Công viên nước South Carolina. Hai bằng chứng quan trọng giúp tiến sĩ Boylan quả quyết sinh vật lạ là cá gồm hình dạng và các xương tấm đặc trưng.

“Quái vật” thực tế là một con cá tầm Đại Tây Dương. Lí do khiến người ta khó nhận ra nó là vì cá tầm thông thường có màu nhạt hoặc màu bạc, chứ không phải màu nâu vàng dị thường như trên. Sắc da của con “quái vật” dạt vào bờ biển South Carolina có lẽ đã bị đổi màu dưới sức nóng của ánh mặt trời.

Việc nhận dạng sinh vật lạ là khủng long cũng gần chính xác vì cá tầm nằm trong số những loài cá có xương cao niên nhất từng tồn tại trên Trái đất. Không có gì ngạc nhiên nếu cá tầm khiến con người hoảng sợ vì hình dáng vĩ đại của chúng. Cá tầm Đại Tây Dương từng được ghi nhận có chiều dài lên tới 4,5m và cân nặng tới hơn 226kg.

(Nguồn tham khảo: Vietnamnet)

Phát hiện loài ếch tí hon "từng bị tuyệt chủng"


Một loài ếch tí hon có ngón chân dài, bị coi là tuyệt chủng hàng thập kỷ đã được phát hiện tại khu rừng ở Burundi, một quốc gia bé nhỏ tại Đông Phi. Loài ếch này có tên khoa học Cardioglossa cyaneospila, được nhìn thấy lần cuối cùng vào năm 1949. Các nhà khoa học cho biết, con ếch vừa tìm thấy thuộc giống đực, dài khoảng 3,8cm, có màu đen viền xám xanh.



Nơi sinh sống của loài ếch này là một khu vực rất màu mỡ. Burundi được bao quanh bởi con sông Basin rộng lớn của Congo, thung lũng Great Rift và hồ Tanganyika, hồ nước ngọt lớn thứ hai trên thế giới.

(Nguồn tham khảo: Mongabay)

Chữa béo phì bằng... phân xác ướp


Chìa khóa để khắc phục căn bệnh béo phì có thể ẩn trong một nơi không ai tưởng tượng nổi: ruột của các xác ướp cách đây 3.000 năm.

Một số nhà khoa học tin rằng, một trong những nguyên nhân gây nên căn bệnh béo phì ngày nay có thể là thuốc kháng sinh, khiến “quần thể vi khuẩn” sống trong ruột bị thay đổi. Vì thế, họ tin rằng “phương thuốc” chữa béo phì là phục hồi vi khuẩn trong ruột bằng loại vi khuẩn cổ xưa, ở thời kỳ trước khi thuốc kháng sinh xuất hiện. 


Một trong những nguồn vi khuẩn như thế là... phân của các xác ướp. 

Một nhóm nhà khoa học ở ĐH Oklahoma, Mỹ đang tiến hành chiết xuất phân của người cổ đại từ đất trong các hang động và từ các mẫu tìm thấy trong ruột của các xác ướp ở Bắc và Nam Mỹ. 

Họ nhận thấy rằng ADN của vi khuẩn trong các mẫu đó rất khác so với ngày nay. Chúng giống với ADN của động vật linh trưởng không phải con người, như tinh tinh, hơn là của mẫu vi khuẩn trong ruột người phương tây hiện đại. 

“Giả thuyết đầu tiên của tôi là nước được khử trùng bằng clo và thuốc kháng sinh đã làm thay đổi căn bản hệ vi khuẩn sống trong ruột”, Cecil Lewis nói. 

Mỗi quan hệ giữa thuốc kháng sinh và béo phì là điều cần làm sáng tỏ. Vẫn còn quá sớm để nói bất kỳ điều gì về ý tưởng phục hồi hệ vi khuẩn trong đường ruột, nhưng rõ ràng đây là ý tưởng quan trọng cần được nghiên cứu.

(Nguồn tham khảo: Dailymail)

Sao chổi dội bom sự sống lên Trái đất


Xung chấn từ sao chổi bắn lên Trái đất có thể chính là tác nhân giúp hình thành nên protein và đặt nền móng cho sự sống của hành tinh chúng ta.


Sao chổi cung cấp tất cả nguyên liệu cần thiết cho việc hình thành nên sự sống. 

Trước đây, các nhà khoa học đã biết được rằng, sao chổi chính là tác nhân “chuyên chở” hóa chất hữu cơ và nước đến với Trái đất thời kỳ sơ khai. Tuy nhiên, điều gì đã khiến cho sự sống – vốn không hình thành ở bất cứ đâu khác trên hàng tỷ hành tinh trong vũ trụ - mà lại nảy nở trên Trái đất vẫn luôn là một bí ẩn.

Giờ đây, các nhà nghiên cứu tin rằng, họ đã tìm được một phần của câu trả lời. Các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm đã cho thấy, các acid amio – những tế bào hữu cơ cấu thành nên protein – có thể đã sống sót qua những xung chấn cực mạnh do sao chổi gây ra. Tuyệt vời hơn, chúng còn được cung cấp nguồn năng lượng cần thiết để bắt đầu liên kết với nhau và tạo ra tế bào protein. Đến lượt mình, protein là nguồn vật chất thô tiền đề của mọi sinh vật sống, từ vi khuẩn cho đến con người, có thể tồn tại và hoạt động.

Chính vai trò xúc tác của sao chổi sẽ giải thích vì sao sự sống lại xuất hiện nhanh chóng đến vậy tại giai đoạn cuối của thời kỳ Trái đất bị “bắn phá dữ dội” cách đây 3,8 tỷ năm. Ở giai đoạn này, Trái đất liên tục nằm trong tầm ngắm của cả sao chổi lẫn thiên thạch, mà dấu vết còn lại cho đến ngày nay chính là các hố sâu lồi lõm giống như trên bề mặt của Mặt trăng.

(Nguồn tham khảo: Space)

Thú quý hiếm ở dãy Trường Sơn kêu cứu do biến đổi khí hậu


Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã hiện hữu ở dãy Trường Sơn - lá phổi khổng lồ của Việt Nam. Do vậy, sự thay đổi khí hậu, môi trường sinh thái nơi đây có nguy cơ hủy diệt, xua đuổi các loài thú quý hiếm.

Theo GS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam, khả năng để giảm thiểu và thích ứng với BĐKH đối với các loài động vật hoang dã nói chung và các loài thú bị đe dọa nói riêng hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện môi trường tự nhiên: nơi cư trú, nguồn thức ăn, nguồn nước... và nền văn minh của con người. Chính vì vậy, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm đến các giải pháp, chính sách đầu tư về nguồn tài chính và nhân lực để rà soát, củng cố và quy hoạch mở rộng hệ thống các khu bảo tồn tự nhiên và vườn quốc gia (VQG) trên dãy Trường Sơn. 



Đặc biệt, vấn đề quy hoạch sử dụng đất ở Tây Nguyên trước sự phát triển nhanh diện tích trồng cây cao su, cũng như xây dựng các công trình thủy điện hiện nay ở Tây Nguyên. Nghiên cứu cơ sở khoa học để tiến hành quy hoạch một số hành lang xanh trên dãy Trường Sơn để bảo vệ các sinh cảnh sống ổn định cho các loài động vật hoang dã, các loài thú bị đe dọa trước sự tác động của BĐKH (hành lang bảo tồn các loài thú lớn: voi, hổ Đông Dương, các loài bò rừng, các loài thú linh trưởng...). 

Một giải pháp nữa cũng được các nhà khoa học đề xuất đó là lồng ghép việc quy hoạch trồng rừng với chương trình xóa đói giảm nghèo trên dãy Trường Sơn, bằng cách tạo, nhân giống các loài thực vật, động vật thích hợp với các hệ sinh thái rừng ẩm, rừng khô, rừng thưa để dự phòng khi có thảm họa xảy ra. Xây dựng các điểm giám sát các loài thú bị đe dọa tại một số VQG Pù Mát (Nghệ An), Dak Krông - Bắc Hương Hóa (Quảng Trị), Chư Mom Ray (Kon Tum), Yok Don (Dak Lak), Cát Lộc (Lâm Đồng) nhằm phục vụ cho lập kế hoạch quản lý các loài thú bị đe dọa để ứng phó với bối cảnh BĐKH.

Dãy Trường Sơn được xem như là một bức tường thành vững chắc cho việc bảo tồn nguồn tài nguyên đa dạng sinh học trong đó có các loài thú quý hiếm bị đe dọa, nép ẩn dưới màu xanh của núi rừng Trường Sơn trong bối cảnh khí hậu thay đổi. Khi nhiệt độ Trái đất ngày càng nóng lên cùng với mực nước biển dâng 1 - 2m thì chính con người cũng như các loài động vật, các loài thú sống ở các vùng thấp cũng phải di chuyển lên dãy Trường Sơn để tồn tại và phát triển.

(Nguồn tham khảo: Đất Việt)