Gánh xiếc lưu diễn được coi là một trong những nét văn hóa đặc trưng thú vị ở châu Âu. Thời xưa, khi những phương tiện giải trí truyền thông vẫn chưa phát triển rực rỡ như bây giờ, hầu hết mọi người ở châu Âu vẫn giữ thói quen đi coi nhạc kịch, xem các trận thi đấu thể thao ngoài trời, hay tới rạp xiếc thưởng thức màn biểu diễn có 1-0-2.
Cùng ngược dòng lịch sử ghé thăm những gánh xiếc lang thang thời xưa qua chùm ảnh dưới đây.
Ít ai biết rằng, tiền thân của gánh xiếc bây giờ chính là các đấu trường đẫm máu thời La Mã. Tại đây, giữa trận chiến của các võ sỹ giác đấu là những màn biểu diễn mạo hiểm nhằm mua vui cho đám đông như phóng dao, phun lửa, đua ngựa, điều khiển sư tử…
Mô hình gánh xiếc rong đi vào hoạt động bài bản là sáng kiến của Philip Astley - một sỹ quan quân đội hoàng gia Anh sống vào thế kỷ XVII. Rạp xiếc này được ông mở ra vào năm 1768 tại Anh. Khi đó, Astley rất thích cưỡi ngựa, đồng thời ông cũng thích biểu diễn những động tác nhào lộn nguy hiểm.
Ông đem tài năng này của mình trình diễn trên đường phố, ban đầu người dân rất thích thú nhưng sau một thời gian ai cũng cảm thấy "nhàm chán". Hình ảnh trên mô tả một người vừa cưỡi ngựa vừa biểu diễn động tác giữ thăng bằng trên lưng ngựa.
Chính vì vậy, vào năm 1770, Astley quyết định "bắt tay" với nhiều nghệ sĩ ở các lĩnh vực khác nhau - từ âm nhạc, thể thao, võ thuật, điều khiển vật nuôi, múa, tung hứng, đạp xe, diễn hài… để tạo thành một rạp xiếc vô cùng quy mô mang tên Amphitheatre.
Vào năm 1782, trên thị trường bỗng xuất hiện một đối thủ cạnh tranh nặng ký với Astley. Đó là gánh xiếc của Charles Huges, một nhân viên cũ của Astley. Rồi không lâu sau, các nhân viên, học trò của Astley đã đi khắp châu Âu để mở rạp xiếc.
Tất cả các gánh xiếc này đều gây được tiếng vang và được khắp nơi chào đón, các rạp xiếc lưu diễn từ số ít đã trở thành phổ biến khắp châu Âu. Các nghệ sĩ dần trở nên giàu có và tạo ra được một cơ sở hạ tầng chất lượng để mưu sinh.
Trong một gánh xiếc lưu diễn không thể thiếu các chú hề diễn kịch câm. Họ luôn kể những câu chuyện hài hước, nhí nhố bằng ngôn ngữ hình thể khiến cho ai cũng thích thú. Ở đây, các nghệ sĩ thân thiện đang tập luyện một vở kịch trong đó những tên ngốc đánh nhau để tranh giành một cô gái vô cùng xấu xí.
Những chú chó nhỏ tỏ ra rất vui vì được làm công việc mình thích là chạy nhảy, quậy phá, mạo hiểm. Ở các gánh xiếc, đa phần động vật được huấn luyện bởi một cặp vợ chồng và tất nhiên họ đều yêu thương những chú chó như con của mình vậy.
Các gánh xiếc khi tới một khu vực nào đó đều dựng lên một căn lều khổng lồ, trong đó có một vòng tròn lớn ngay trung tâm để trình diễn, bao quanh là khán đài gỗ với sức chứa khoảng 500 người. Xung quanh lều chính là hàng loạt các lều nhỏ khác để bán thức ăn, sòng bạc, bói toán giúp tăng thêm thu nhập cho gánh xiếc.
Từ Anh, các gánh xiếc lưu diễn còn tìm đường xuất hiện ở tân thế giới. Vào năm 1792, một người Anh tên là John Bill Ricketts đã mang theo rất nhiều động vật không có ở châu Mỹ như sư tử, voi, hổ… để biểu diễn và thành công ngoài mong đợi.
Sự giàu có nhanh chóng của Ricketts làm các gánh xiếc mọc lên khắp nơi ở Hoa Kỳ. Các ông chủ rạp xiếc ở tân thế giới còn chịu chơi hơn khi tự bỏ tiền xây dựng đường ray tới những nơi xa xôi để phục vụ và mở rộng phạm vi biểu diễn.
Thế nhưng, vào thế kỷ XX, các gánh xiếc lưu diễn chịu nhiều công kích từ xã hội. Họ bị lên án bởi việc hầu như các gánh xiếc mua, bắt cóc những người bị tàn tật, dị dạng để đóng vai những con quái vật nhằm câu khách.
Nhiều ông chủ ác hơn, họ ra lệnh bẻ tay, chân của trẻ sơ sinh nhằm tạo ra những thân hình kì quái. Hoặc không, ông chủ gánh xiếc bắt ép nhân viên của mình xăm mình chằng chịt khắp người với hình thù ma quái nhằm tạo một ấn tượng mạnh lúc ban đầu.
Hầu hết các phụ nữ trong gánh xiếc xuất hiện trong những trang phục màu mè, gợi cảm. Họ thường là tập hợp của rất nhiều thành phần, dân tộc nghèo khổ ở khắp châu Âu như người Digan, người Do Thái… Không ít gánh xiếc lang thang thời bấy giờ đã mua lại nhiều nô lệ rồi ép họ tập luyện những trò biểu diễn vô cùng nguy hiểm để kiếm thật nhiều tiền cho ông chủ.
Không ít các loài động vật quý hiếm bị các gánh xiếc này săn bắt hay mua lại để làm trò mua vui cho con người. Ước tính, khoảng 71% các loài động vật nuôi trong rạp xiếc có vấn đề về y tế, 66% hổ và sư tử bị suy dinh dưỡng, voi bị xích 17 giờ mỗi ngày và mất hoàn toàn khả năng bầy đàn…
Vì không còn nhiều khán giả, các gánh xiếc lang thang tan rã và nhường chỗ cho gánh xiếc hiện đại. Ở đây, các nghệ sĩ làm việc khoa học hơn, ông chủ đoàn xiếc tôn trọng quyền lợi của con người và động vật.
Đồng thời, những thành viên trong đoàn xiếc sáng tạo ra nhiều tiết mục biểu diễn kết hợp với các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng mà khoa học kỹ thuật hiện đại mang lại, đưa nghề xiếc lên một tầm cao mới.
Bạn có thể xem thêm: