Mọi người thường phải bỏ ra rất nhiều tiền để mua được những thứ trang sức quý báu như kim cương hay vàng... Thế nhưng với "
hội con nhà giàu", những trang sức, đá quý ấy cũng chỉ là các món đồ không quá đặc biệt.
Đặc biệt, với những thành viên học siêu giỏi của "hội con nhà giàu", việc lấy các thứ trang sức này làm thí nghiệm chỉ là... chuyện nhỏ.
Hãy cùng thưởng thức những
thí nghiệm "điên rồ" dưới đây, để xem họ có thể làm gì nếu trong tay là các thứ đồ quý giá như kim cương, ngọc trai...
Thí nghiệm 1: Đốt cháy kim cương
Kim cương từ lâu đã được con người vô cùng xem trọng, giá trị của nó vượt xa hơn cả vàng.
Kim cương tự nhiên phải mất từ 1 đến 3,3 tỉ năm ở điều kiện nhiệt độ, áp suất cực cao, dưới độ sâu 140-190 km của lớp vỏ Trái đất để hình thành.
Thành phần chính của kim cương là carbon tinh khiết được sắp xếp theo cấu trúc tứ diện, khiến nó trở thành loại vật liệu cứng nhất trong tự nhiên, có thể cắt tất cả mọi vật liệu khác. Về mặt hóa học, kim cương không phản ứng với hầu hết chất, kể cả những axit và bazơ mạnh nhất.
Trên khắp thế giới, nhiều quốc gia đã tôn sùng và thần thánh hóa kim cương. Người Hy Lạp và La Mã xem thứ đá này như là nước mắt của các vị thần hoặc mảnh vỡ từ những vì sao, còn người Ấn Độ cho rằng chúng đến từ những tia sét…
Tuy nhiên, vì có cấu tạo là carbon nên nếu nhà có điều kiện, bạn có thể thử thí nghiệm đốt kim cương trong oxy tinh khiết. Khi đó, dù quý giá tới đâu thì trong khoảng vài phút, kim cương sẽ hóa thân hoàn toàn thành khí CO2 mà thôi.
Hãy cùng thưởng thức video dưới đây để cùng xem kim cương cháy ra sao nhé!
2. Hòa tan vàng trong "nước"
Từ xưa đến nay, vàng đã được con người sử dụng như là một thứ trang sức để thể hiện sự quý phái cũng như là sang trọng. Dưới góc nhìn khoa học, vàng có được sự “sủng ái” như vậy là bởi khác với cả các kim loại khác như đồng hay sắt, vàng có đặc tính trơ về hóa học.
Vàng không bị gỉ sét bởi oxy trong không khí cũng không phản ứng với hầu như tất cả axit hay bazơ. Điều này khiến cho vàng có thể lưu trữ trong thời gian dài mà vẫn duy trì độ sáng bóng cao và vẻ đẹp ban đầu của nó.
Tuy nhiên vẫn có một số ngoại lệ. Một chất nổi tiếng có thể hòa tan vàng là nước cường toan. Đây là thứ nước hỗn hợp của acid clohidric HCl đặc và acid nitric HNO3 đặc. Hai chất trên đều là những axit cực mạnh, nhưng nếu cho phản ứng riêng rẽ thì không thể hòa tan vàng. Và chỉ dưới dạng hỗn hợp theo tỉ lệ 3:1, chúng mới hợp thành nước cường toan và biến vàng thành nước trong nháy mắt.
Toàn bộ quá trình phản ứng này các bạn có thể xem trong video dưới đây!
3. Phân giải ngọc trai bằng acid
Ngọc trai được hình thành khi một dị vật nhỏ lọt và mắc kẹt bên trong lớp vỏ áo của loài trai. Dị vật được xem như một tác nhân gây hại và kích thích trai tiết ra từng lớp xà cừ bao bọc lại. Theo thời gian, lớp xà cừ cứ dày thêm lên và cuối cùng tạo ra hình dáng một viên ngọc.
Ngọc trai có nhiều loại và màu sắc khác nhau từ trắng, hồng, vàng, đến đen. Những viên ngọc trai tự nhiên chất lượng cao có giá đắt ngang với các loại đá quý khác. Vẻ đẹp, sự óng ánh của loại ngọc này khiến chúng trở thành một trong những trang sức biểu tượng cho sự quý phái và giàu có.
Viên ngọc trai lớn nhất và cũng là “mắc” nhất thế giới được tạo ra bởi một con trai khổng lồ thuộc họ Tridacna ở vùng biển quanh đảo Palawan, Philippines.
Viên ngọc được đặt tên “Ngọc của Lão tử” và do một thợ lặn vớt lên. Qua phân tích, người ta thấy "Ngọc của Lão tử" nặng tới 6,4 kg và được định giá 93 triệu USD (khoảng 2.000 tỉ đồng) vào năm 2007.
Cận cảnh viên "Ngọc của Lão tử"
Nhưng như đã nói ở trên, ngọc trai được cấu tạo từ xà cừ với thành phần chính là CaCO3. Do đó, cho dù có to thì “Ngọc của Lão tử” hay mọi loại ngọc trai khác đều bị hòa tan dễ dàng trong một dung dịch như acid clohydric HCl.
Khi cho ngọc trai vào dung dịch này, CaCO3 trong xà cừ sẽ tan ra, làm xuất hiện sủi bọt khí CO2. Chỉ trong phút chốc, bạn sẽ thấy ngọc trai quý giá tan biến ngay trước mắt mình.
Và bây giờ hãy cùng xem phản ứng giữa CaCO3 và HCl để hiểu hơn về cơ chế hòa tan ngọc trai.
4. Làm mã não “biến mất” trong kiềm
Đá mã não là một dạng kết tinh của thạch anh với thành phần chính là SiO2. Loại đá quý này được hình thành trong quá trình núi lửa phun trào khi khí nóng bay hơi tạo ra các bong bóng trong lớp dung nham. Khi lớp này nguội lại, những bong bóng sẽ được bao trọn và phủ kín một phần hay hoàn toàn bởi SiO2 kết tinh.
Mã não có nhiều màu sắc khác nhau như đỏ, xanh lá cây, vàng, đen và được người cổ đại đánh giá rất cao.
Chúng được gán cho nhiều tác dụng thần thánh như bảo vệ binh sĩ trong trận chiến, chữa bệnh, cân bằng âm dương, cải thiện giấc ngủ và xoa dịu lo lắng.
Vì được xem là có sức mạnh huyền bí nên mã não từ lâu đã được sử dụng rất phổ biến. Nền văn minh Sumer ở Lưỡng Hà đã dùng mã não để chế tạo vòng đeo tay, con dấu và đồ trang sức. Truyền thuyết kể rằng, vua Mithridates của Pontus thậm chí đã sở hữu hơn 2,000 chiếc bát làm từ mã não.
Đế chế Byzantine và các hoàng gia châu Âu thời Phục Hưng cũng rất chuộng dùng loại đá này và có hẳn những bộ sưu tập với số lượng khổng lồ.
Song, mã não cũng như bao loại đá hay kim loại quý khác, dù rất bền hay trơ về hóa học thì vẫn có một số chất nhất định có thể phá hủy chúng.
Với thành phần chính là SiO2, mã não sẽ biết mất hoàn toàn nếu đun trong dung dịch kiềm NaOH đặc nóng. Khi đó, phản ứng hóa học xảy ra, mã não bị hòa tan hoàn toàn thành Na2SiO3 (tên gọi của thủy tinh lỏng).
Tất nhiên, với độ quý giá của mình nên hầu như không ai từng thực hiện thí nghiệm tiêu hủy chúng. Vì vậy, chúng ta hãy cùng thưởng thức một video minh họa quá trình tương tự khi SiO2 bị hòa tan bởi dung dịch kiềm nóng.
Nguồn: Gemsociety, Wikipedia, Youtube