Những loài động vật "sợ vợ hạng nhất" trong tự nhiên

, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 14/06/2015

Con đực mang thai hộ, luôn phải im lặng khi con cái thể hiện quyền uy... là những sự thật không ngờ xảy ra trong thế giới động vật.

Với hầu hết các loài động vật trên thế giới, những con đực mới thực sự là "bá chủ thế giới" khi nắm trong tay toàn quyền chỉ huy, ra lệnh để các con cái hay "thần dân" của mình phải nghe theo.

Tuy nhiên, thế giới động vật vô cùng phong phú và đã chứng minh cho chúng ta thấy, ở một số loài, tính "gia trưởng" của những anh chàng hoàn toàn không tồn tại.

1. Vượn cáo cái luôn coi "mình là nhất"

Ít ai ngờ, dù nhỏ bé nhưng loài vượn cáo cái ở Madagascar luôn thích thể hiện sự thống trị, độc tài của mình. Theo đó, vượn cáo cái luôn tuyển chọn và đưa ra tiêu chuẩn khắt khe cho việc giao phối của mình mỗi khi đến mùa sinh sản. 



Những anh chàng vượn cáo không may đứng ở vị trí thứ hai chắc chắn sẽ bị các nàng "thất sủng" bởi cô nàng chỉ thích và chọn những con đực đầu đàn.

Một điều khó khăn cho vượn cáo đực nữa là những cô nàng này khá hung hăng và kiêu kỳ. Muốn tiếp cận các nàng, đòi hỏi các chàng vượn cáo phải dũng cảm và cảnh giác cao độ. Các chàng phải luôn tỏ ra duyên dáng, "múa" đuôi và không ngừng tiết mùi hương để quyến rũ nàng. 


Tuy nhiên, mỗi cô nàng chỉ kết bạn trong một ngày nên cơ hội của các chàng rất mong manh. Không ít anh chàng đã phải ngậm ngùi đi tìm bóng mát nghỉ để giảm lượng hormone sinh dục đang dâng trào mà không thể giải tỏa của mình. 

2. Cá ngựa mẹ "rung đùi" chờ trứng nở trong bụng cá bố

Chúng ta biết rằng, phần lớn con cái sẽ phải chịu trách nhiệm từ A-Z trong quá trình sinh con, song ở loài cá ngựa, trách nhiệm đó lại do cá ngựa đực đảm nhận.



Từ đây, cá ngựa đực sẽ đảm nhận vai trò mang thai trong khoảng 2 - 3 tuần. Chúng khéo léo điều khiển môi trường sống trong túi ấp để phù hợp với điều kiện phát triển của phôi. 

Khi đủ thời gian mang thai - khoảng 15 - 20 ngày - cá ngựa con sẽ được đẩy ra ngoài bằng các cơn co thắt từ cơ bụng của cá ngựa đực. Cá ngựa bố sẽ phải bảo vệ con tới khi chúng có thể tự tìm thức ăn.

3. Linh cẩu cái có "dương vật" và cực hung hăng

Theo các nhà nghiên cứu, loài linh cẩu cái có tính tập thể rất cao và linh cẩu con thừa hưởng tập tính này từ mẹ. Các nhà khoa học thuộc ĐH Michigan đã khám phá ra rằng, linh cẩu mẹ đã truyền cho con những hormone kích thích tính hung hăng. 


Đó là điều kiện tiên quyết để giúp chúng thắng trong các cuộc đấu tranh sinh tồn. Vì thế, loài linh cẩu thường sống theo chế độ mẫu hệ. Con cái bao giờ cũng hung hăng, tàn ác, mạnh mẽ hơn con đực. Tất nhiên là linh cẩu cái cũng lãnh đạo luôn bầy linh cẩu đực.



Một điểm đặc biệt nữa là âm vật của linh cẩu cái có kích thước và hình dạng tương tự như dương vật của con đực, đôi khi dài đến 17cm. Khi giao phối, con đực phải thật khéo léo đưa dương vật của mình vào “dương vật” của con cái nếu không muốn bị linh cẩu cái bỏ rơi.

4. Con đực sống ký sinh trên lưng cá Angler cái 

Trong nhiều năm, các nhà khoa học không thể tìm ra lý do tại sao chỉ có loài cá Angler - loài cá ăn thịt sống tại những vùng biển sâu ở Đại Tây Dương và Nam Cực mà không phát hiện ra cá đực.


Loài cá này là phần nhô ra phía trên đầu có thể phát sáng để thu hút được các con mồi bên dưới đại dương tối tăm.


Cuối cùng, các chuyên gia cũng khám phá ra rằng, những cá thể angler đực sống rất gần, dường như ký sinh trên cơ thể cá cái. Cá angler đực có nhiệm vụ là cung cấp tinh trùng trong mỗi cuộc giao phối và sống phụ thuộc hoàn toàn vào cá cái.


Được tiến hóa từ một loài cá cổ từ 130 triệu năm trước, ngày nay những con cá Angler lớn có thể dài đến 1m và nặng 50kg. Sở hữu một bộ hàm to cùng với những cái răng sắc nhọn, cá Angler có thể dễ dàng giết chết con mồi khi bắt được.

5. Khỉ cái thích hăm dọa và khóc to để chứng tỏ mình "lên đỉnh"

Khỉ Bonobo có địa bàn sinh sống ở lưu vực sông Congo, Trung Phi. Tập tính của chúng khá ngược đời: khỉ cái thường thống trị và hung hãn, thích hăm dọa, tấn công khỉ đực. Khi con con gặp rắc rối, nó thường trông cậy vào khỉ mẹ hơn là trông chờ vào sự bảo vệ của người cha.



Ngoài ra, các nhà khoa học Scotland còn phát hiện, sex đối với loài khỉ bonobo không đơn giản chỉ vì mục đích sinh sản, mà còn là công cụ để thể hiện địa vị xã hội của mình.

Khi giao phối, khỉ bonobo cái khóc rất lớn. Tiếng khóc này không phải vì chúng đau mà nhằm khoe khoang cuộc giao hoan của chúng thành công mức nào và cũng để thu hút những con đực khác nhằm tìm kiếm thêm cơ hội sinh sản. 


Đặc biệt hơn, khỉ bonobo cái kêu lên khi chúng giao phối với ngay cả những con khỉ cái khác mà không nhằm mục đích duy trì nòi giống.

Nguồn: BuzzFeed, NationalGeographic, Wikipedia