Người băng 5.300 tuổi mắc bệnh, mũ dát vàng 2.600 năm

A, Theo Mask Online 10:34 02/03/2012
Chia sẻ

Cùng các cập nhật: Giải mã chùm sáng bí ẩn ở kim tự tháp người Maya, phát hiện lạc đà tuyệt chủng có mõm giống cá sấu.

Phát hiện mũ dát vàng cổ 2.600 năm tuổi


Chiếc mũ bảo vệ bằng đồng có niên đại 2.600 năm tuổi, bao phủ bằng các lá vàng ròng, vừa được tìm thấy tại vùng vịnh Haifa, Israel. Theo suy đoán của các nhà khảo cổ học, chủ nhân chiếc mũ là một vị thủ lĩnh giàu có của đoàn lính đánh thuê Hy Lạp.

Chiếc mũ bằng đồng, khảm những lá nhỏ bằng vàng và trang trí cầu kỳ hình rắn, sư tử, đuôi công.

Bên cạnh việc dát vàng, chiếc mũ còn thu hút nhờ họa tiết trang trí hình rắn, sư tử và đuôi công cầu kỳ. Tuy nhiên, điều khiến các nhà khoa học thắc mắc hơn là việc bằng cách nào, chiếc mũ này lại trôi dạt đến tận đáy vịnh.

Theo LiveScience, chủ nhân chiếc mũ có thể đã tham gia vào một loạt cuộc chiến từng được mô tả trong Kinh Thánh, trong đó có giai đoạn ông ta đã “đánh thuê” cho vị Pharaoh Necho II của Ai Cập.

Vào thời điểm chiếc mũ này được đúc, tức khoảng năm 600 TCN, đế chế Hy Lạp đã xâm lược toàn vùng biển Địa Trung Hải, trải dài từ Hắc Hải xuống tận miền Nam nước Pháp. Mặc dù vậy, chưa có bất cứ bằng chứng nào cho thấy sự hiện diện của quân đội Hy Lạp tại Israel. Vì thế, nhóm nghiên cứu đi đến giả thuyết rằng chiến binh này tới Haifa với tư cách thủ lĩnh một đội lính đánh thuê.

Có khá nhiều giả thuyết xung quanh lý do chiếc mũ này nằm dưới đáy biển. Đơn giản nhất là vì chủ nhân của nó đã đánh rơi trong lúc tàu cập cảng. Một khả năng khác là con tàu chở ông ta bị đắm, cũng có nghĩa là nếu tiếp tục tìm kiếm, đoàn nghiên cứu có thể tìm thấy cả xác tàu đắm. Thế nhưng cũng có khả năng khác là chiếc mũ đã bị thất lạc trong khi quân đội của Pharaoh Necho II bị người Babylon đánh bại.

(Nguồn tham khảo: Vietnamnet)

Người băng 5.300 tuổi mắc bệnh Lyme


Tiến hành phân tích di truyền trên xác ướp người băng Otzi 5.300 tuổi cho thấy, đây là trường hợp mắc bệnh Lyme lâu đời nhất từng được biết đến trong lịch sử loài người.

Trong quá trình tìm hiểu bộ gene người băng, các nhà khoa học đã phát hiện ra dấu hiệu của những vi khuẩn gây nên loại bệnh với triệu chứng nhức đầu, sốt, phát ban, viêm khớp, để lâu có thể bị rối loạn thần kinh kinh niên, gọi chung là bệnh Lyme.

Kết quả từ nghiên cứu được thực hiện trên một mẫu xương hông Otzi cho thấy sự hiện diện của xoắn khuẩn Borrelia burgdoferi - nguồn gốc gây ra bệnh Lyme, Tiến sĩ Albert Zink, Giám đốc Viện Xác ướp và Người băng ở Bolzano, Italy cho biết.


Tiến sĩ Albert Zink (phải) và đồng nghiệp đang tiến hành lấy một mẫu xương hông từ người băng. 

Loài bọ ve hút máu sống tại châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ được coi là nhân tố đóng vai trò lây truyền bệnh Lyme. Căn bệnh lần đầu tiên được phát hiện tại Connecticut, Mỹ vào giữa những năm 1970. Đến thế kỷ 20, một loại rối loạn tương tự cũng xuất hiện ở châu Âu. Trước đó, trong nhiều nghiên cứu nhằm kiểm tra ADN ty thể được di truyền theo dòng mẹ, các nhà khoa học không hề tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào giúp chứng minh nguồn gốc của người băng.

Ngoài ra, phân tích cũng tiết lộ các đặc điểm khác ở người băng, trong đó nhiều khả năng Otzi là một người có đôi mắt màu nâu, nhóm máu O và có nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Mặc dù với những phân tích về tình trạng sức khỏe của người băng có những biểu hiện của bệnh tật và có khuynh hướng di truyền bệnh tim, song các nhà nghiên cứu vẫn tin người băng chết do bị bắn tên vào vai trái.

(Nguồn tham khảo: Live science, Đất Việt)

Phát hiện lạc đà tuyệt chủng có mõm giống cá sấu


Các nhà khoa học trường Đại học Florida (Mỹ) cho biết, họ đã phát hiện ra hóa thạch của hai loài lạc đà tuyệt chủng ở vùng kênh đào Panama. Hai loài lạc đà cổ đại này (tên khoa học: Aguascalietia panamaensis và Aguascalientia minuta) được cho là những động vật có vú cổ xưa nhất được tìm thấy ở Panama.

Lạc đà cổ đại có mõm dài giống cá sấu.

Theo tác giả chính của nghiên cứu - Aldo Rincon cho biết, loài lạc đà cổ đại trên có mõm dài giống cá sấu. Có thể chúng đã sống trong các khu rừng nhiệt đới cổ đại.

Khám phá của các nhà khoa học đã cho thấy sự phân bố rộng của loài động vật có vú này đến điểm cực Nam thuộc vùng nhiệt đới Trung Mỹ thời kỳ cổ đại. Chúng sinh sống khoảng 30 triệu năm trước đây. 

(Nguồn tham khảo: Khoahoc)

Giải mã bí ẩn chùm sáng trên đỉnh kim tự tháp của người Maya


Năm 2009, khi gia đình Hector Siliezar đến thăm thành phố Maya cổ đại Chichen Itza, với chiếc iPhone mang theo, ông đã chụp được 3 bức ảnh kim tự tháp El Castillo (Mexico) - nơi từng là một trong những ngôi đền linh thiêng nhất của người Maya thờ vị thần đầu người mình rắn Kukulkan.

Tại thời điểm này, trời đang bắt đầu có bão và Siliezar đã nhanh chóng trở về sau khi chụp xong 3 tấm ảnh. Sau đó, xem lại các bức hình vừa chụp, Siliezar không khỏi ngạc nhiên khi thấy trong 2 bức ảnh đầu tiên chỉ có những đám mây đen bay trên đỉnh kim tự tháp nhưng bức thứ 3 thì lại có điều không bình thường.


Bức ảnh với chùm ánh sáng bí ẩn gây nhiều tranh cãi.

Theo đó, một chùm ánh sáng bí ẩn bỗng xuất hiện ngay trên đỉnh kim tự tháp, hướng thẳng phía bầu trời khi tiếng sét vang lên.

Siliezar gần đây đã chia sẻ bức ảnh của mình với các chuyên gia nghiên cứu về những điều huyền bí. Ông cho biết các thành viên trong gia đình mình đều không nhìn thấy chùm ánh sáng đó, nó chỉ xuất hiện trên máy ảnh.

Ngay lập tức, bức ảnh đã trở thành đề tài nóng bỏng trên một số diễn đàn với 2 luồng ý kiến trái ngược nhau. Người thì cho rằng tia sáng đó là dấu hiệu ám chỉ ngày tận thế 21/12/2012 - ngày đánh dấu sự kết thúc một chu kỳ trong lịch của người Maya, người lại nghĩ đó đơn giản chỉ là kết quả từ một lỗi trục trặc của chiếc iPhone.

Kỹ sư Jonathon Hill đến từ Đại học bang Arizona (Mỹ), người chuyên nghiên cứu về các loại máy ảnh được sử dụng trong các sứ mệnh sao Hỏa của NASA, nói rằng “chùm ánh sáng” trong bức ảnh chụp kim tự tháp El Castillo là một trường hợp điển hình của sự biến dạng hình ảnh. Không phải ngẫu nhiên khi mà trong ba bức hình, chùm sáng lại chỉ xuất hiện ở bức được chụp khi có tiếng sét vang lên trên bầu trời...

Cường độ tia chớp có thể gây ra sự bất thường trong bộ cảm biến CCD của máy ảnh: hoặc tạo ra một cột gồm các điểm ảnh, hoặc tạo ra một ánh phản xạ bên trong ống kính máy ảnh - thứ vật thể được ghi nhận bởi thiết bị cảm biến. Trong cả hai trường hợp này, độ sáng vượt quá mức bình thường sẽ được bổ sung vào các điểm ảnh trong cột đó ngoài ánh sáng thu được trực tiếp từ hiện trường.

Ngoài ra, trên thực tế, khi được tách ra bởi phần mềm photoshop hoặc phần mềm phân tích hình ảnh khác, các chùm sáng đi theo hướng thẳng đứng trong hình ảnh.

(Nguồn tham khảo: Live science)
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày