Phát hiện ký sinh trùng khủng khiếp "ăn lưỡi"

Lê Giang, Theo Mask Online 10:59 03/03/2012
Chia sẻ

Cùng các cập nhật: Phát hiện hầm mộ của Chúa Jesus, kỳ lạ "tôm hùm cây".


Kỳ lạ "tôm hùm" sống… trên cây


Người ta vừa phát hiện một loài côn trùng tưởng như đã tuyệt chủng suốt 80 năm nay tại một hòn đảo đá hẹp, dốc, mọc lên trơ trọi giữa biển, khu vực gần đảo Lord Howe ngoài khơi nước Úc. Về hình dáng, nó gần giống con tôm hùm nên có thể gọi là loài “tôm hùm cây”. Với tên gọi khoa học Dryococelus australis, dài 12cm, có 6 chân, nó là côn trùng không biết bay nặng nhất thế giới.


Theo Npr, các nhà khoa học đã tìm được 24 cá thể "tôm" sống ở độ cao 500feet (khoảng 152m) so với mặt biển Nam Thái Bình Dương, trên một cái cây duy nhất sống sót được ở đảo đá khô cằn này.

Tại sao chúng lên được tới đỉnh của hòn đảo vẫn còn là một bí ẩn nhưng các nhà khoa học đã bắt về 4 con và gây giống để tạo ra hàng ngàn cá thể mới, tránh cho chúng khỏi thảm họa tuyệt chủng. Họ đặt tên cho cá thể gốc là “Adam” và “Eva”, theo một tập quán yêu đương khá lạ thường ở côn trùng, “tôm hùm cây” có sự ghép đôi rõ rệt. Ban đêm, khi đi ngủ, con đực sẽ dùng ba chân cuốn lấy con cái để bảo vệ.

Mới đây, các nhà khoa học đã làm một đoạn phim ngắn với những cảnh quay rất lý thú về quá trình nở trứng của loài “tôm hùm cây” này. Đoạn phim đã ghi lại hình ảnh chúng mới nở, có màu xanh lục, hơi xoắn và khá dài. Quan sát cảnh một con non cứ chui dần ra mãi từ một chiếc vỏ nhỏ xíu là một điều rất tuyệt diệu. Chúng mình cùng xem những hình ảnh đó qua clip dưới đây nhé!


(Nguồn tham khảo: Npr)

Phát hiện hầm mộ của Chúa Jesus


Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những bằng chứng mới trong một hầm mộ ước tính có từ thế kỷ thứ 1 tại Jerusalem và tin rằng nó có thể chính là nơi an nghỉ cuối cùng của Chúa Jesus. Hầm mộ này được khám phá từ xa nhờ một cánh tay robot thăm dò. Nó nằm bên dưới một tòa tháp trong thành phố.

Hình con cá được vẽ trên chiếc quan tài được cho là của chúa Jesus.

Nắp chiếc quan tài khắc một dòng chữ Hy Lạp cổ dịch ra có nghĩa là "Divine Jehovah, raise up, raise up". Bên cạnh đó, trên nắp quan tài còn có hình vẽ của một con cá với một vật ngậm ở miệng. Theo các nhà khảo cổ học, hình ảnh này có thể là hình ảnh kể lại câu chuyện Jonah và cá voi - một trong những câu chuyện Kitô giáo đầu tiên.

Dòng chữ tiếng Hy Lạp cổ dịch ra có nghĩa là "Divine Jehovah, raise up, raise up".

Chiếc quan tài được tìm thấy ở độ sâu 60m trong một lăng mộ được gọi là lăng mộ của gia đình Chúa Jesus. Theo một số giả thuyết, Chúa Jesus đã được chôn cất tại đây cùng với Mary Magdalene, người ông đã kết hôn và lớn lên trong cùng một mái nhà. Tuy nhiên, nhiều nhà thần học và các nhà khảo cổ học hàng đầu lại cho rằng tuyên bố này hoàn toàn vô căn cứ.

Tuy nhiên, James Tabor - một học giả Kinh Thánh tại Đại học North Carolina (Mỹ) và nhà làm phim tài liệu Simcha Jacobovic đã quyết tiếp tục công trình nghiên cứu này. Họ đã dùng cánh tay robot với sự cho phép của chính phủ Israel trong năm 2010 để khám phá các khu vực xung quanh hầm mộ.


Trong quá trình này, họ đã phát hiện ra một căn phòng riêng biệt khác và đặt tên cho nó là "mộ Patio" vì nó nằm trực tiếp dưới sân của tòa nhà Patio. Tại đây, họ tìm thấy những dòng chữ cổ khắc bên trên mà họ tin rằng đó có thể là bằng chứng chứng minh rằng đó là mộ của Chúa Jesus.

Hai nhà nghiên cứu cũng cho rằng, ngôi mộ nằm trên phần tài sản do Joseph xứ Arimathea hiến tặng, người mà theo kinh Phúc âm chính là người đã chôn cất Chúa Jesus. Ngoài ra, theo ông Tabor, biểu tượng con cá, biểu tượng của Jonah với dòng chữ cổ có nghĩa là "có một cái gì đó có thể làm sống lại người đã chết hoặc biểu thị niềm tin vào sự sống lại của Chúa Jesus".

(Nguồn tham khảo: Dailymail)

Phát hiện ký sinh trùng khủng khiếp “ăn lưỡi” các loài động vật


Tại khu vực Địa Trung Hải, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rất nhiều cá ở một số vùng bị nhiễm bệnh bởi một loài ký sinh trùng lạ, có tên khoa học là Betty. Chúng len lỏi qua mang, hút máu và cuối cùng là ăn lưỡi động vật.


Mặc dù ký sinh trùng không gây ra rủi ro cho con người nhưng nó lại là “khắc tinh” với sự tăng trưởng của cá, làm sụt giảm tuổi thọ một cách nhanh chóng.

Các nhà nghiên cứu thấy rằng, ký sinh trùng Betty phát triển mạnh trong khu vực bị đánh bắt quá mức. Trong một khu vực được bảo vệ gần Tây Ban Nha, chỉ có 30% cá bị nhiễm bệnh, trong vùng nước Ý đánh bắt nhiều cá hơn, kết quả là, 47% cá đã trở thành nạn nhân của ký sinh trùng.

Ký sinh trùng Betty đang ăn lưỡi con cá vền sọc.

Tiến sĩ Stefano Mariani của Đại học Salford cho biết: "Đây là bằng chứng cho thấy, sự khai thác quá mức của con người sẽ làm rối loạn sự cân bằng của ký sinh trùng và ảnh hưởng toàn bộ hệ thống sinh thái”.
(Nguồn tham khảo: Dailymail)

Thiết bị "chặn họng" người thích "ba hoa phét lác"


Một nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng con người gần như không thể phát ngôn nếu những từ mà chúng ta nói "dội lại" tai của chúng ta trong khoảng thời gian nhỏ hơn một giây.

Từ kết quả nghiên cứu đó, Kazutaka Kurihara, một nhà khoa học của Viện Khoa học và Công nghệ cao cấp Nhật Bản, cùng giáo sư Koji Tsukada của Đại học Ochanomizu tại Tokyo, nảy ra ý tưởng chế tạo thiết bị ngăn chặn những “diễn giả” gây phiền toái cho người khác.

SpeechJammer là thiết bị chứa một microphone hướng về phía người nói để ghi âm. Nó truyền âm thanh sang một loa để phát về phía người nói. Độ trễ thời gian từ lúc người nói phát ngôn tới khi âm thanh được phát lại là 0,2 giây. Việc "dội lại" tai những lời mình vừa nói sẽ làm người thích "ba hoa phét lác" cuống lên, bối rối và "cứng họng".

“Thiết bị của chúng tôi có thể ngăn chặn hành vi phát ngôn của con người mà không gây nên bất kỳ phiền toái nào về mặt thể chất”, hai nhà sáng chế khẳng định.

Trong quá trình thử nghiệm thiết bị, Kurihara và Tsukada cũng phát hiện nhiều điều thú vị. Chẳng hạn, SpeechJammer hoạt động hiệu quả hơn đối với người nói to, chứ không phải người nói nhiều. Việc thay đổi thường xuyên độ trễ thời gian cũng khiến thiết bị hoạt động hiệu quả hơn. SpeechJammer tỏ ra “bất lực” nếu người nói phát ngôn những âm thanh vô nghĩa, như "Aaaargh!!!”.



Trong ứng dụng thực tế, người ta có thể đặt SpeechJammer trong thư viện công cộng để duy trì sự im lặng, hay đặt nó trong phòng họp để rút ngắn thời gian của những người nói quá nhiều, nhờ đó những người nói ít có cơ hội đóng góp ý kiến. Theo hai nhà sáng chế, những người nói nhiều và nói to trong cuộc họp có thể vô tình tước đoạt cơ hội đóng góp ý kiến của những người khác, làm tăng mức độ căng thẳng hoặc nhàm chán trong cuộc họp.

(Nguồn tham khảo: Telegraph)
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày