Tục quay chó trên dây để phòng tránh bệnh dại |
Vào ngày 6 tháng 3 hàng năm, để ngăn ngừa bệnh dại và xua đuổi những linh hồn xấu theo tín ngưỡng, người dân làng Brodilov ở phía Đông Nam đất nước Bungari có một nghi lễ mùa xuân vô cùng đặc biệt. Đó là một tập tục hết sức đáng sợ: buộc chó vào dây thừng và quay tròn.
Những con chó sẽ bị treo ngược trên sợi dây thừng vắt ngang một con sông. Mọi người sẽ kéo sợi dây thừng cho đến khi chú chó bị kéo căng, họ sẽ lắc mạnh để nó rơi xuống nước. Khuôn mặt hoảng sợ đến tột độ của chúng khi đang bị treo lơ lửng, bất lực, đối nghịch với sự hò reo, cổ vũ của đám đông ở dưới.
Với người dân nơi đây, những con chó khi rơi xuống nước mà bơi được vào bờ thì mới có thể xua đuổi được những linh hồn xấu. Có những con chó đã bị chết đuối bởi quá sợ hãi và mất phương hướng khi chạm nước.
Mặc dù đã bị cấm từ năm 2006 nhưng đến nay, hủ tục này vẫn đang tiếp diễn. Tuy nhiên, thị trưởng Petko Amaudov đã cố gắng thuyết phục người dân nơi đây hãy ném những con chó vào nước và để nó bơi sang bờ bên kia thay vì treo ngược nó lên như cũ. Theo ông, “Hành động này không phải là lý tưởng nhưng nó sẽ tốt hơn cho những con chó”.
(Nguồn tham khảo: Dailymail)
Phát hiện hóa thạch bọ chét khổng lồ có thể “ăn thịt” khủng long |
Nhà nghiên cứu André Nel và các đồng nghiệp của mình (ở Bảo tàng Quốc gia d'Histoire Naturelle tại Paris) đã phát hiện ra hóa thạch của loài bọ chét khổng lồ. Tên khoa học của nó là Jurassic, có niên đại hơn 100 triệu năm và được tìm thấy tại vách đá ngầm ở Trung Quốc.
Theo các nhà khoa học, những con bọ chét này lớn gấp 5-10 lần so với bọ chét hiện đại. Nghiên cứu hóa thạch tìm được, họ phát hiện ra con cái có thể dài tới 2cm và con đực dài 1,47cm. Chúng có ống hút dài, răng cưa ở chân, móng vuốt sắc nên rất dễ dàng bám chắc vào lông của con mồi. Với lợi thế đó, nó hoàn toàn có thể sống ký sinh trên da của các loài động vật to lớn. Tuy nhiên, chúng không có chân sau để nhảy như các loài bọ chét tiến hóa, bởi vậy, chúng chỉ có thể bám và sống len lỏi trên lông và da của động vật mà thôi.
Bên cạnh khủng long là "món ăn" ưa thích, chúng cũng “nhâm nhi” cả các loài bò sát, các loài động vật có vú sớm. Phát hiện này cho phép các nhà nghiên cứu có cái nhìn rõ hơn về loài bọ chét hiện đại.
(Nguồn tham khảo: Discoverynew, Guardian)
Khủng long bạo chúa có lực cắn gấp vạn lần con người |
Hôm qua, các nhà khoa học tại Đại học Liverpool (Anh) đã công bố công trình nghiên cứu chứng minh rằng, khủng long bạo chúa (tên khoa học Tyrannosaurus Rex) có lực cắn mạnh nhất so với bất kì loài động vật sinh nào sống trên Trái đất từ cổ chí kim.
Khủng long bạo chúa Tyrannosaurus Rex.
Nghiên cứu này được công bố chính thức bởi Hiệp hội Khoa học Hoàng gia Anh thông qua tạp chí Lette. Một con khủng long bạo chúa trưởng thành có lực cắn mạnh gấp 10 lần cá sấu châu Mỹ, tạo ra một lực có trọng lượng lên tới 6 tấn (bằng trọng lượng của một con voi), gấp 35.000 - 57.000 lực Newton, tức là lớn hơn gấp vạn lần so với con người.
Tất cả những thông số này được nhà khảo cổ học Karl Bates đưa ra sau khi tiến hành nghiên cứu thông qua video 3D mô phỏng lại xương, cử động hàm và sức mạnh cơ bắp. Trước đó, nhiều người cho rằng loài khủng long này có một lực cắn khá khiêm tốn. Phát hiện mới này sẽ giúp giải quyết vô số cuộc tranh luận đã kéo dài nhiều năm giữa các nhà khảo cổ học.
(Nguồn tham khảo: Khoahoc)
Lốc xoáy càn quét miền Trung nước Mỹ |
Sáng sớm hôm qua (giờ địa phương), một cơn lốc xoáy tấn công miền Trung nước Mỹ, 9 người đã thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương, gây thiệt hại nặng nề cho các khu vực tại bang Illinois, Missouri và Kansas.
Ảnh chụp từ trên cao cho thấy một khu nhà bị lốc xoáy tàn phá tại thị trấn Branson, bang Missouri.
Cây cối đổ ngổn ngang tại Harveyville, bang Kansas.
Người dân ngồi trên đống đổ nát của một cửa hàng ở Hollister, bang Missouri.
Thống đốc bang Kansas - Sam Brownback và Thống đốc bang Missouri - Jay Nixon đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Hơn 100 ngôi nhà bị phá hủy và các tòa nhà bị thiệt hại nặng nề khi cơn lốc xoáy quét qua; rác rưởi, các biển hiệu bị gió kéo đổ nằm la liệt trên các đường phố. Những nhân viên cứu hộ đang tìm kiếm những người sống sót bị mắc kẹt trong các đống đổ nát.
(Nguồn tham khảo: Dantri)
Cá heo huýt sáo để nhớ đặc điểm đồng loại |
Dựa trên các thiết bị công nghệ hiện đại, hai nhà nghiên cứu Vincent Janik và Nicola Quick thuộc trường Đại học St Andrews (Anh) đã ghi lại được các đoạn âm thanh mà cá heo phát ra khi bơi ở Vịnh St. Andrews, vùng biển phía Đông Bắc của Scotland. Khi những đàn cá heo gặp nhau, chúng thường trao đổi các tiếng huýt sáo.
Theo những nhà phân tích, các tiếng huýt sáo này đều có những âm vực và dấu hiệu riêng nên không có con cá heo nào có thể lặp lại giống nhau. Trong mỗi đàn cá heo, luôn có một tiếng huýt sáo đặc biệt được coi là của nhóm trưởng, vốn được dùng để ra dấu cho những con cá heo khác có thể tới tập hợp. Ngoài ra còn có những âm thanh báo hiệu thời điểm đi kiếm thức ăn.
(Nguồn tham khảo: Khoahoc)