Hãy thử nhìn vào bàn tay của bạn rồi trả lời: Bạn thấy gì?
Có lẽ câu trả lời đã quá rõ ràng: thấy... bàn tay chứ thấy gì nữa. Nhưng bạn biết không, có một loại ảo giác giúp bạn nhìn xuyên thấu qua lòng bàn tay. Và nếu bạn muốn thử cảm giác đó, hãy làm thử một màn "ảo thuật" theo hướng dẫn sau đây.
Đầu tiên, lấy một tờ giấy cuộn lại thành ống tròn rồi nhìn một mắt qua ống. Sau đó, đặt tay còn lại lên che mắt, cách mắt khoảng 6cm như trong hình dưới đây.
Bước cuối cùng, hãy nhìn tập trung về phía xa, đừng nhìn vào bàn tay. Sau khoảng 10s, bạn sẽ thấy bàn tay của bạn đột nhiên... có lỗ và có thể nhìn xuyên qua được.
Kiểu như thế này...
Kỳ lạ đúng không? Ảo giác này được Vanessa Hill - một nhà khoa học người Úc đăng trên kênh Youtube của cô. Và bí kíp của trò này dựa vào một hiện tượng rất cơ bản của mắt mang tên: sự tương tranh hai mắt (Binocular rivalry).
Có thể hiểu đơn giản như sau. Chúng ta không chỉ đơn giản là nhìn, mà còn là tiếp nhận các thông tin hình ảnh qua mắt, gửi đến não bộ để xử lý. Trong điều kiện bình thường, não bộ kết hợp các thông hình ảnh từ cả hai bên mắt để tạo nên các góc độ khác nhau của hình ảnh, cho phép chúng ta cảm nhận chiều dài, chiều rộng và chiều sâu.
Tuy nhiên, trong trường hợp thông tin thị giác từ hai bên mắt có sự chênh lệch, não sẽ ưu tiên lựa chọn bên mắt có thông tin mạnh và rõ ràng hơn. Đó chính là hiện tượng tương tranh hai mắt, và điều này cũng giải thích vì sao những người chỉ bị cận một bên mắt vẫn có thể nhìn được rõ mọi vật.
Tiếp tục trở lại với màn ảo thuật của chúng ta. Khi nhìn một mắt qua ống, những hình ảnh đó sẽ được não bộ ghi nhận là hình ảnh tập trung với cường độ mạnh, trong khi mắt nhìn vào tay sẽ được hiểu là hình ảnh có tín hiệu khá yếu. Và thế là bạn sẽ có cảm giác lòng bàn tay mờ đi và như nhìn xuyên qua được vậy.
Hiện tượng tương tranh hai mắt được phát hiện lần đầu tiên vào thế kỷ 16 bởi Giambattista della Porta - học giả người Ý. Qua thời gian, khoa học kỹ thuật đã giúp các nhà nghiên cứu xác định được điều gì đã xảy ra với não bộ lúc này.
Cụ thể, các tín hiệu thông tin từ hai mắt lúc đầu sẽ do các khu vực não bộ khác nhau đảm nhiệm. Nhưng đến giai đoạn sau, các neuron thần kinh có thể tắt hoặc bật các tín hiệu này tùy theo độ mạnh yếu của thông tin, dẫn đến chuyện hình ảnh kết quả có thể trở nên khác biệt.