Loài cây "ăn thịt", siêu quái dị ở Việt Nam |
Không chỉ có một ngoại hình "hổng giống ai", loài cây này còn là một kẻ săn mồi đáng sợ của thế giới tự nhiên. Đó là loài cây có tên là bắt ruồi muỗng, hay còn gọi là cây bèo đất, mọc ven suối, vách đá và các vùng đất ngập nước ở một số vùng ở Việt Nam.
Dưới đây là những hình ảnh mới nhất về loài cây rực rỡ và đáng sợ này:
Thoạt nhìn, loài cây này gây ấn tượng rất mạnh mẽ bởi những chiếc lá đặc biệt tua tủa những sợi lông màu đỏ tươi.
Đầu mỗi sợi lông là một “giọt sương” long lanh, trong suốt, trông khá đẹp mắt.
Những "giọt sương” ấy thực chất là một thứ dung dịch có tính kết dính - thứ vũ khí chết chóc của loài cây này.
Những con côn trùng nhỏ rơi vào lá cây sẽ bị dính chặt, càng vùng vẫy càng không thể thoát ra được. Chúng sẽ bị tiêu hóa bởi dung dịch keo và trở thành nguồn dinh dưỡng nuôi sống cây…Sở dĩ bắt ruồi muỗng có khả năng "săn mồi" vì chúng sống trong một môi trường rất thiếu dinh dưỡng, phải tìm cách thích nghi, tiến hóa để có thể tồn tại.
(Nguồn tham khảo: Đất Việt)
Hồi sinh vi khuẩn 500 triệu năm tuổi |
Trong một phòng thí nghiệm tại George Tech (Mỹ), các nhà nghiên cứu vừa phục dựng một gene cổ đại có tuổi đời lên tới 500 triệu năm và cấy nó vào cơ thể vi khuẩn E Coli hiện đại. Họ hy vọng sẽ xác minh được liệu vi khuẩn “cổ đại” tiến hóa từng bước trên cơ thể cũ hay sẽ “đột biến” thành một cơ thể mới, hoàn toàn khác.
Sau 500 thế hệ tiến hóa, các nhà khoa học đã xâu chuỗi hệ gene của tất cả 8 dòng vi khuẩn thu được và phân tích cơ chế thích nghi của chúng.
Kết quả cho thấy, không những độ khỏe của vi khuẩn cấy gene tăng lên xấp xỉ vi khuẩn hiện đại mà một số dòng vi khuẩn còn tỏ ra mạnh hơn. Điều bất ngờ là gene cổ đại không hề đột biến.
Nói cách khác, gene cổ đại không biến đổi để trở nên giống với hình thái hiện đại mà thay vào đó, nó tìm ra một quỹ đạo tiến hóa mới để thích nghi.
(Nguồn tham khảo: Dailymail)
Khai quật mộ quý tộc thời tiền Inca |
Các nhà khảo cổ học tuyên bố đã khai quật được một ngôi mộ có niên đại khoảng 1.200 năm tuổi, từ thời tiền Inca, ở phía Bắc Peru.
Theo các nhà khoa học, di cốt người và đồ trang sức đã được tìm thấy trong ngôi mộ trên nhiều khả năng là nơi an nghỉ của một thành viên thuộc tầng lớp quý tộc từ thời văn hóa Sican hoặc còn gọi là văn hóa Lambayeque.
Đồ trang sức và vật dụng bên trong mộ.
Các chuyên gia đã tìm thấy một cái che tai bằng vàng, vương miện bằng bạc và khoảng 120 đồ trang sức bằng bạc hoặc đồng cùng với 116 mảnh sứ và sò.
(Nguồn tham khảo: Khoahoc)
Vượn cáo đối mặt nguy cơ tuyệt chủng cao nhất |
Theo một báo cáo mới, loài vượn cáo ở Madagascar đã trở thành sinh vật đầu tiên trong danh sách sắp tuyệt chủng.
Theo chuyên gia nghiên cứu về linh trưởng Christoph Schwitzer - người đứng đầu nhóm nghiên cứu tại Vườn thú Bristol (Anh) cho biết, tổng cộng có đến 91% trong số 103 loài vượn cáo đang bị đe dọa.
Vượn cáo hoang dã chỉ sống tại Madagascar, tổ tiên của chúng nhiều khả năng đã đến được nơi này cách đây hơn 60 triệu năm trước. Tình trạng thê thảm như hiện tại của vượn cáo phần lớn là do hành động phá rừng ở Madagascar.
(Nguồn tham khảo: Nature)