Giật mình về nạn săn bắt tê tê ở Việt Nam và châu Á

Quốc Trung, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 21/04/2014
Chia sẻ

Hiểu hơn về sự tuyệt chủng thầm lặng của loài động vật quý hiếm - tê tê.

Thời gian gần đây, dư luận Việt Nam và quốc tế ngày càng lên án gay gắt nạn săn bắt các loài động vật quý hiếm như voi, hổ, tê giác. Nhưng ít người chú ý rằng, tê tê - một loài thú hiền lành cũng đang đứng trước bờ vực tuyệt chủng vì lòng tham của con người.
 
Tê tê đang bị tận diệt với một tốc độ hết sức đáng báo động. Tuy nhiên đáng buồn hơn nữa, những nỗ lực nhằm cứu loài động vật hiền lành này nhận được rất ít sự chú ý từ công chúng. Nếu tình hình cứ tiếp tục như hiện nay, tê tê sẽ âm thầm biến mất vĩnh viễn trước khi loài người chúng ta kịp nhận thức được vấn đề.


Nhà báo John D. Sutter của hãng tin CNN đã lên đường đến Việt Nam và Indonesia để tìm hiểu về thực trạng của nạn săn bắt tê tê. Ông cho biết, ở nhiều nước trên thế giới, người dân có thông tin rất ít về tê tê. Tê tê là một loài thú (động vật có vú) chứ không phải là cá sấu hay một loài bò sát nào đó.



Theo các nhà khoa học, thức ăn chủ yếu của tê tê là kiến và mối. Chúng có lưỡi rất dài, thậm chí dài hơn cả chiều dài cơ thể của mình để luồn sâu vào những tổ kiến hoặc mối dưới lòng đất và bắt mồi.



Tê tê có đuôi rất khỏe, chúng có thể dùng đuôi để chuyền từ cây này sang cây khác. Khi ngủ, tê tê cuộn lại thành một khối tròn nên được người dân các nước phương Tây đặt biệt hiệu là những “quả thông biết đi”. 



Nhiều người dân ở Trung Quốc, Việt Nam và một số nước châu Á tin rằng, vảy tê tê là một loại dược liệu quý, giúp bổ tuần hoàn, tăng tiết sữa cho phụ nữ sau sinh hay chữa được ung thư. Trên thực tế, vảy tê tê có bản chất là keratine - chất cấu tạo nên tóc, móng tay móng chân của các loài động vật nói chung, kể cả con người.


Bào thai tê tê được cho là có công dụng tăng cường sinh lực phái mạnh.

Bình rượu gạo ngâm tê tê tại một nhà hàng ở Hà Nội (ảnh của phóng viên John Sutter, CNN).

Bên cạnh đó, thịt tê tê còn được coi là một món ăn sang trọng vào hàng bậc nhất. Máu tê tê cũng được coi là một loại thuốc bổ. Tuy nhiên, sự thật về công dụng thải độc, trị ung thư, giúp tráng dương bổ thận...  qua việc uống tiết, ăn thịt của những chú tê tê thì chưa được một cơ sở y tế nào chứng thực. 


Hàng trăm kg tê tê đông lạnh bị bắt giữ trên một xe tải.

Theo tổ chức IUCN, số lượng tê tê vận chuyển bất hợp pháp hàng năm lên tới 10.000 con. Đây là một con số rất lớn, nếu so sánh với 200 con hổ và 1.000 con tê giác bị giết hại mỗi năm. 

Còn theo tổ chức Annamiticus, con số trên chỉ phản ánh được 10 - 20% số lượng tê tê buôn lậu trên thực tế. Họ ước tính rằng, mỗi năm số lượng tê tê bị săn bắt lên tới 116.990 - 233.980 con.

Hiện nay, rất nhiều tê tê bị săn bắt có nguồn gốc ở Indonesia. Theo ghi nhận của CNN, số lượng tê tê này được vận chuyển qua đường biển và đường bộ đến Việt Nam, và sau đó là Trung Quốc. Do số lượng tê tê ở Đông Nam Á dần cạn kiệt, tê tê châu Phi trở thành mục tiêu tiếp theo của ngành kinh doanh béo bở này.



Sutter phỏng vấn một người dân sống ven rìa Rừng quốc gia Cúc Phương thì được biết, trước đây Việt Nam từng là nơi có nhiều tê tê sinh sống. Người này nhớ rằng hồi nhỏ, cư dân xung quanh khu vực Rừng quốc gia Cúc Phương thường hay gặp tê tê đi lại quanh bìa rừng. Ngày nay, rất khó để có thể bắt gặp tê tê sống tự nhiên trên lãnh thổ nước ta.


Phóng viên Sutter cũng đến Indonesia - nguồn cung cấp chủ yếu tê tê cho thị trường châu Á.

Sự nghèo đói đã buộc nhiều người dân ở khu vực Đông Nam Á làm nghề săn bắt tê tê mà không ý thức được tác động của hành động này. Tại Indonesia, người thợ săn sẽ được trả khoảng 22,5 đô la Mỹ (tương ứng 480.000 VND) cho 1kg tê tê săn được.

 
Một gia đình người Indonesia có thu nhập phụ thuộc vào việc săn bắt tê tê.
 
Đây là khoản thu nhập đáng mơ ước đối với nhiều người dân nghèo tại Indonesia. Đối với họ, săn tê tê chỉ đơn thuần là một cách tăng thu nhập, đảm bảo cuộc sống tốt hơn cho con cái chứ không phải để làm giàu nhanh chóng. Thực tế, số tiền các thợ săn nhận được chỉ bằng một phần rất nhỏ so với giá bán tại các nhà hàng. 

 
Món tê tê xuất hiện trong một nhà hàng tại Việt Nam.

Qua mạng lưới thương nhân, những con tê tê sẽ kết thúc hành trình của chúng trên các bàn nhậu. Theo tìm hiểu của nhà báo Sutter, giá 1kg tê tê tại một nhà hàng Việt Nam có thể lên đến 350 đô la Mỹ (khoảng 7,4 triệu VND). 

Thông thường khách ăn sẽ phải mua nguyên con, mỗi con nặng khoảng 5 kg và hóa đơn thanh toán sẽ là 1.750 đô la Mỹ (khoảng 36,7 triệu VND). Còn giá của một kg vảy tê tê ít nhất là 600 đô la Mỹ (khoảng hơn 12 triệu VND).

 
Cận cảnh quá trình chế biến thịt tê tê.
 
Tại Việt Nam, việc săn bắt hay vận chuyển trái phép tê tê có thể bị phạt tối đa 7 năm tù và nộp phạt 450 triệu đồng. Tuy nhiên, việc xử lí vi phạm được đánh giá chưa đủ sức răn đe, khiến công tác bảo vệ tê tê còn gặp rất nhiều khó khăn.


Nhân viên rừng quốc gia Cúc Phương chăm sóc cho một con tê tê được bảo vệ tại đây
 
Một vấn đề khác là các chính phủ và tổ chức quốc tế thường chú ý tới những dự án bảo vệ những loài động vật “nổi bật”, quen thuộc với công chúng như voi, gấu, hổ hay tê giác. Trong khi đó, tê tê chưa nhận được nhiều sự quan tâm từ phía cộng đồng.

 
Mẹ con tê tê được cứu khỏi một xe tải buôn lậu ở Thái Lan. Tê tê con thường bám vào đuôi mẹ.
 
Song song với nỗ lực bảo tồn, mỗi chúng ta hãy nâng cao nhận thức về loài tê tê. Chưa có bất cứ một chứng minh khoa học nào khẳng định những lợi ích của việc ăn hay sử dụng các bộ phận từ tê tê. Bởi vậy, đừng để sự thiếu hiểu biết của chúng ta tận diệt loài động vật đáng thương này.  

* Mỗi chúng ta, hãy bảo vệ loài tê tê bằng cách không săn bắt, ăn thịt, bao che cho những người buôn bán tê tê... Trong trường hợp phát hiện các thông tin, hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới động vật hoang dã, hãy gọi về dường dây nóng miễn phí 1800 1522 để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: CNN, National Geographic, Wikipedia...

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày