Choáng với kiểu "tính tiền" săn bắn động vật quý hiếm ở Châu Phi

Sơn Hải, Theo Pháp luật xã hội 00:00 21/01/2014

Một số vườn quốc gia ở châu Phi đồng ý với việc thợ săn được trả tiền để săn bắn động vật quý hiếm.

Nhiều loài động vật ở châu Phi đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì nạn săn bắt trộm đáng sợ, nhưng càng buồn hơn khi không ít các vườn quốc gia ở đây lại đứng ra tiếp tay cho hành vi giết hại chúng bằng cách đồng ý cho thợ săn trả tiền để săn bắn một vài loài động vật quý hiếm…

1. Tê giác: Đấu giá 7,2 tỷ VND để được quyền săn bắn

Chính bởi niềm tin mù quáng của con người vào khả năng chữa bệnh của sừng tê giác mà số lượng loài này ngày một suy giảm. Tính trong năm 2013, có hơn 1.004 chú tê giác trắng bị săn trộm, ước tính rằng mỗi ngày có hơn 3 chú tê giác vô tội thiệt mạng. 

Choáng với kiểu "tính tiền" săn bắn động vật quý hiếm ở Châu Phi 1

Phần lớn tê giác bị giết hại để lấy sừng phục vụ cho thị trường châu Á- nơi sừng tê giác được tin là phương thức thần kì có thể chữa được vô số các bệnh nan y. Ngoài ra, sừng tê giác còn được coi là biểu tượng của sự giàu sang, phú quý. Chính vì vậy, giá trị trên thị trường của sừng là 65.000 USD/kg (khoảng 1,3 tỷ VND), đắt hơn vàng và cocaine rất nhiều.  

Lóa mắt trước đồng tiền nên ngày một nhiều băng nhóm tội phạm chuyên săn bắn tê giác lấy sừng được hình thành. Chúng săn lùng khắp nơi, truy tìm những con tê giác lâu năm với chiếc sừng "quý hiếm" và rồi đem ra đấu giá, bán lại cho thương nhân. 

Choáng với kiểu "tính tiền" săn bắn động vật quý hiếm ở Châu Phi 2

Mới đây, một vườn quốc gia ở Namibia do không đủ tiền trang trải cho hoạt động bảo tồn đã đứng ra bán đấu giá giấy phép săn bắt tê giác đen châu Phi. Người chiến thắng trong buổi bán đấu giá sẽ được phép săn bắn một tê giác già, giống đực và không còn khả năng sinh sản. 

Buổi đấu giá đã nhận nhiều lời chỉ trích từ các nhà bảo tồn động vật hoang dã. Họ cho rằng, hành động săn bắn tê giác sẽ tạo ra một thông điệp xấu đối với cộng đồng. Thậm chí người chiến thắng phiên đấu giá là Corey Knowlton với số tiền 350.000 USD (khoảng 7,2 tỷ VND) cũng nhận nhiều lời đe dọa đáng sợ. 

2. Voi: 1 tỷ VND/mạng

Hiện nay, nạn săn bắn voi vẫn còn diễn ra phổ biến ở các quốc gia châu Phi. Mặc dù rất nhiều hiệp ước, công ước được đưa ra để ngăn chặn việc buôn bán trái phép, tiêu thụ sản vật của các loài động vật quý hiếm nhưng số lượng voi bị giết vẫn ngày một tăng nhanh.

Choáng với kiểu "tính tiền" săn bắn động vật quý hiếm ở Châu Phi 3

Trong năm 2013, ở châu Phi, hơn 22.000 chú voi vô tội đã thiệt mạng trong các cuộc săn bắn trộm. Voi bị giết chủ yếu để lấy ngà nên sau khi săn trộm, ngà sẽ được chuyển về Trung Quốc và một số nước châu Á để gia công, điêu khắc mỹ nghệ. Một chiếc ngà voi lớn có thể mang lại lợi nhuận cho người bán một khoản tiền hấp dẫn, khoảng 6.000 USD (hơn 120 triệu VND).

 Choáng với kiểu "tính tiền" săn bắn động vật quý hiếm ở Châu Phi 4

Càng lo ngại hơn, đứng trước hiện trạng số lượng loài này không còn nhiều nhưng nhiều vườn quốc gia không hề đưa ra các phương pháp bảo tồn hiệu quả mà còn cấp giấy săn bắn voi cho người giàu có. Tại một số nước như Nam Phi, Kenya, Tanzania, bạn hoàn toàn được phép săn bắn những con voi già, ốm yếu nếu như trả 50.000 USD (hơn 1 tỷ VND).

3. Sư tử: Trả 170 triệu VND, có quyền bắn chết

Ít ai biết rằng, chúa tể rừng xanh đang đứng trước bờ vực tuyệt chủng tại châu Phi, khi hiện chỉ có khoảng vài chục ngàn cá thể còn sống sót. Dân số loài sư tử này đã giảm mạnh từ 200.000 con trong những năm 1980 xuống còn 15.000 con hiện nay. 

Choáng với kiểu "tính tiền" săn bắn động vật quý hiếm ở Châu Phi 5

Phần lớn sư tử giảm mạnh là do quá trình khai hoang của con người làm thu hẹp môi trường sống. Đồng thời, môi trường thay đổi theo hướng bất lợi khiến cho sư tử nhiễm nhiều bệnh nguy hiểm hơn.

Đáng sợ hơn, một số vườn quốc gia ở Nam Phi còn dùng sư tử để kiếm lời bất chính. Để giết một chú sư tử tại Kenya, Tanzania, Nam Phi và một vài nước khác, bạn chỉ cần phải trả một khoản tiền 20.000 USD (tương đương 420 triệu VND). Một số thương nhân ở Nam Phi còn tự mở các trang trại nuôi sư tử rồi tổ chức chuyến du lịch săn bắn cho giới thượng lưu.

Choáng với kiểu "tính tiền" săn bắn động vật quý hiếm ở Châu Phi 6

Nếu chỉ bắn chết con mồi, mức giá mà bạn phải trả là 8.000 USD (khoảng 170 triệu VND). Còn muốn sở hữu luôn cả chiến lợi phẩm từ con sư tử này, số tiền các đại gia phải trả có khi lên tới 45.000 USD (hơn 900 triệu VND).

4. Báo châu Phi: Trả 420 triệu VND là có giấy phép săn bắn

Theo thống kê, năm 1960 lượng báo săn còn khoảng 5.500 con, nhưng hiện nay con số chỉ ở mức 700 con và chúng sống chủ yếu ở Cộng hòa Trung Phi, Chad hay Ethiopia. 

Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do hiện nay, các vùng đất rộng bị thu hẹp thành đất canh tác, báo săn chỉ có thể sống trong các khu bảo tồn. Nhưng tại các khu bảo tồn, báo săn lại phải cạnh tranh với sư tử và linh cẩu nên số lượng ngày một giảm nhanh.

Choáng với kiểu "tính tiền" săn bắn động vật quý hiếm ở Châu Phi 7

Bên cạnh đó, rất đông người dân ở đây săn bắn báo để lấy lông. Một số không ít các thợ săn tìm bắt sống những con báo nhỏ để bán cho vườn thú nước ngoài hay vị đại gia để làm kiểng. 

Choáng với kiểu "tính tiền" săn bắn động vật quý hiếm ở Châu Phi 8

Bất chấp nỗ lực của các tổ chức bảo tồn thế giới khi xếp loài vật này vào danh sách dễ bị tổn thương, các vườn quốc gia châu Phi vẫn sẵn sàng cấp giấy phép săn bắn cho ai đóng vào quỹ khoảng 20.000 USD (gần 420 triệu VND).

5. Hồng hạc: 2 triệu VND cho giấy phép săn bắn

Hồng hạc là một loài chim lội nước. Chúng có đặc điểm sinh học rất thú vị, khi mới sinh ra, chim hồng hạc có bộ lông màu trắng. Màu sắc lông chim dần thay đổi tùy theo nguồn thức ăn nơi chúng sinh sống, có thể biến đổi từ hồng nhạt, hồng cam hay đỏ thẫm. Tuy nhiên ngoài đặc điểm sinh học lý thú kia, loài vật này hầu như không có giá trị về mặt kinh tế. 

Choáng với kiểu "tính tiền" săn bắn động vật quý hiếm ở Châu Phi 9

Vậy mà một số vườn bảo tồn lại biết cách biến chúng thành một công cụ kiếm tiền. Họ sẵn sàng bán giấy phép săn bắn với chi phí 100 USD (tương đương 2 triệu VND) cho những du khách tới tham quan và có nhu cầu "giải trí". Số tiền này được giải thích là giúp cho vườn quốc gia chi trả nhiều hoạt động bảo tồn tốn kém của mình.

Liệu với những cái giá ở trên sẽ là quá đắt hay quá rẻ?

* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Discovery News, National Geographic, Wikipedia...