Khảo cổ học từ trước đến nay vẫn được coi là ngành “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”. Để tìm được những di sản quý giá, các nhà khảo cổ không những cần có kiến thức dày dặn, sự kiên trì mà còn phải sở hữu “nụ cười” của Nữ thần May mắn nữa.
Ngoài kiến thức và kinh nghiệm, ngành khảo cổ học cũng rất cần đến may mắn đó các bạn ạ!
Trên thực tế, đã có khá nhiều những khám phá khảo cổ độc đáo được “tình cờ” phát hiện ra nhờ những sự cố hoặc sự vô tình nằm xa ngoài những tính toán khoa học của ngành khảo cổ.
Chúng ta hãy cùng tìm hiểu một vài khám phá đặc biệt này nhé!
1. Hang Lascaux
Ngày 12/09/1940, trong lúc đuổi theo chú chó bướng bỉnh của mình, 4 đứa trẻ đã phát hiện ra một hang sâu gần làng Montignac, phía Tây Nam nước Pháp. Chúng đã ngạc nhiên tột bậc khi phát hiện ra cái hang này chứa gần 2.000 bức vẽ và điêu khắc về loài vật, con người cùng những hình thù trừu tượng trên vách hang được cho là di sản của 1500 – 2500 năm trước.
Hang này được biết dưới tên Lascaux. Các nhà khảo cổ tin rằng hang động này được dùng với mục đích tôn giáo. Thậm chí, Nhiều phần của những hình thù giống như một câu chuyện nhưng đến giờ nội dung của nó thì vẫn còn là một ẩn số.
Hang động được mở cửa cho công chúng vào năm 1948, nhưng sau đó lại bị đóng cửa vào năm 1963 nhằm bảo vệ nguyên trạng của khu khảo cổ.
2. Cuộn Kinh Thánh Biển Chết
"Kinh Thánh Biển Chết” là cuộn tài liệu được viết trên da động vật và giấy gió, bao gồm hơn 800 đoạn viết về Kinh Thánh. Ra đời cách đây 2000 năm, cuộn giấy này từng là tài liệu Kinh Thánh cổ nhất còn tồn tại, giúp những nhà sử học hiểu hơn về lịch sử tôn giáo của loài người.
Điều thú vị là cuộn Kinh Thánh viết tay này sẽ chẳng bao giờ được nhắc tới nếu không có sự phát hiện tình cờ của đoàn dân du mục Ai Cập Muhammed edh - Dhib tại vùng hẻo lánh Qumran, dọc bờ biển phía Nam của biển Chết vào những năm giữa thập kỉ 1950.
Mặc dù đã được dày công nghiên cứu và dịch thuật, nhưng cho đến giờ các nhà khảo cổ vẫn băn khoăn ai là tác giả viết ra nó.
3. Tảng đá Rosetta
Năm 1799, đoàn quân của Napoleon đã tình cờ phát hiện ra tảng đá nổi tiếng Rosetta khi đang diễu hành qua vùng phía Nam châu Phi trong chiến dịch Ai Cập.
Khi đoàn quân đóng trại xung quanh bờ sông Nile, các học giả (được biết đến là Hội Hàn Lâm Ai Cập) đã phát hiện ra những dấu tích tàn phá và khảo cổ tại đây. Sau khi được tìm thấy, những kí tự trên tảng đá được nhiều lần đem ra nghiên cứu nhưng vào thời điểm đấy, vẫn chưa ai có thể hiểu được chúng.
Phải đến năm 1802, các học giả đã giải mã thành công phần chữ Hy Lạp và chữ cổ Ai Cập. Tuy nhiên, phần chữ tượng hình thì phải mất 20 năm sau, học giả người Pháp Jean - Francois Champollion mới tuyên bố “phá mã” thành công. Champollion đã mở ra cánh cửa đến với nền văn minh Ai Cập xưa.
Hiện giờ, tảng đá này đang được trưng bày tại bảo tàng nước Anh.
4. Hình khắc trên sa mạc Nazca
Những hình khắc khổng lồ trên mặt đất này được biết đến với tên gọi Nazca Lines, được phát hiện ra vào những năm 1930 khi nhìn từ trên máy bay xuống.
Những hình khắc này trải dài trên sa mạc Nazca, thuộc phía Nam của Peru, cách Thủ đô Lima 400 km. Đó là những hình thù giống với nhiều loài vật như nhện, kền kền, khỉ, cây cối, thậm chí cả người và những kí hiệu hình học.
Câu trả lời về ý nghĩa của chúng hiện vẫn là một ẩn số. Tuy nhiên, một số các nhà khảo cổ tin rằng nó liên quan đến những phong tục tôn giáo.
5. Người băng Ötzi
Năm 1991, những khách du lịch người Đức đã vô tình phát hiện ra một xác chết lạnh ở hốc núi, thuộc địa phận ngọn Otztal nằm giữa Ý và Áo. Thoạt đầu, ai cũng nghĩ là đây là tử thi của người mới qua đời song thực tế, xác chết đóng băng có tên là Ötzi này đã tồn tại suốt 5300 năm.
Khi xác chết Ötzi được phát hiện, các nhà khoa học đã bắt tay vào nghiên cứu về xác ướp rồi tìm ra nhiều điều từ bữa ăn cuối cùng cho đến nguyên nhân tử vong, nghề nghiệp của Ötzi. Thậm chí, họ còn tái tạo lại diện mạo của xác chết này.
Ötzi được cho là chết vào mùa xuân do một mũi tên đâm thẳng vào huyết mạch xương đòn trái. Anh ta đã được mai táng một cách chu toàn và đó là lý do tại sao quanh thi thể có nhiều vật dụng cá nhân được tìm thấy.
6. Kho báu trong lòng đất
Từ nhiều năm nay, các món đồ khảo cổ kim loại chôn dưới long đất được tích cực “truy lùng” trên khắp thế giới, đặc biệt là ở Anh.
Năm 2009, anh chàng Nick Davies, 30 tuổi, đã tìm thấy 10.000 đồng xu Roman cổ trong một lọ bằng đất sét ở Shropshire, Anh.
Cùng năm đó, 1500 mảnh vàng và bạc, được cho là từ thời Bóng tối (Dark Ages), cũng được phát hiện ra tại một cánh đồng ở phía Tây của vùng Staffordshire, Anh.
Năm ngoái, ông David Criso, 63 tuổi, cũng tìm thấy 52.000 đồng xu Roman cổ trong một lọ bằng đất sét ở vùng Tây Nam nước Anh. Giá trị của đống xu cổ này lên tới 1 triệu đô la Mỹ (tương đương 21 tỷ VNĐ)!
7. Tàu đắm 2000 năm tuổi
Năm 1986, một đội thợ lặn đã vô tình phát hiện ra một chiếc tàu bị đắm khoảng 2000 năm tuổi ở cách thị trấn Grado, Ý gần 10 km. Chiếc tàu buôn nhỏ này dài gần 17m, rộng 5m, chở khoảng 600 bình, vại chứa đầy cá.
Thú vị hơn cả, các nghiên cứu về con tàu này còn khám phá ra việc những kĩ sư Roman cổ đã biết thiết kế hệ thống thủy lực, cho phép chiếc tàu có khả năng chở theo cả một bể cá sống!