“Siêu thực” là trường phái nghệ thuật khởi nguồn ở Pháp từ những năm 20 của thế kỷ trước. Khuynh hướng siêu thực khuyến khích con người thể hiện nội tâm và tư duy một cách tự nhiên, không bị gò bó bởi những nguyên tắc của logic, lý trí và mỹ học truyền thống. Từ thơ ca, khuynh hướng này nhanh chóng lan truyền sang nhiều loại hình nghệ thuật khác như hội họa, điêu khắc, âm nhạc, điện ảnh...
Anton Semenov là một nhà thiết kế 28 tuổi sinh ra và lớn lên ở thành phố Bratsk, miền Nam nước Nga. Anh bắt đầu học vẽ từ khi còn rất nhỏ và từng theo học ở trường nghệ thuật địa phương. Tuy nhiên, những công cụ vẽ thông thường như bút chì, màu vẽ nhanh chóng khiến anh nhàm chán và bỏ dở để chuyển sang học thiết kế. Đến năm 2007, Anton bắt đầu dành sự quan tâm đặc biệt đến công nghệ đồ họa vi tính và tìm thấy niềm đam mê thực sự của mình trong lĩnh vực này.
Hãy cùng chiêm ngưỡng sự kết hợp tuyệt vời của đồ họa và siêu thực trong bộ sưu tập ấn tượng của nhà thiết kế này nhé!
“Trackwalker” - Người tuần đường.
Các tác phẩm của Anton thể hiện kỹ thuật đồ họa điêu luyện với độ tỉ mỉ và chính xác đến từng chi tiết. Anh sử dụng Adobe Photoshop, Photoshop CS và bàn vẽ Genius WizardPen 4×3 để sáng tác và đã chứng minh kỹ năng tuyệt vời với Painting và Airbrushing.
Thế giới trong tranh của Anton giống như một cơn ác mộng với bóng tối, Thần Chết, những con quái vật, những con búp bê và chú hề với cặp mắt vô hồn... Các tông màu được sử dụng chủ yếu là trắng, đen và xám, tạo cho bức tranh vẻ u ám, ảm đạm và lặng câm. Việc sử dụng màu đỏ rực rỡ nổi bật trên phông nền khói xám càng làm tăng cảm giác siêu thực và có phần lập dị.
Búp bê và chú hề.
Thần Chết với “chiếc gương số phận” trong tay.
Giống như các nghệ sĩ siêu thực khác, Anton cũng tìm cảm hứng sáng tạo dựa trên trải nghiệm về những biểu hiện vô thức như giấc mơ, ảo giác, sự mê sảng, hồi ức tuổi thơ... và vận dụng những đường nét, mảng khối, hình thể, màu sắc, ánh sáng... để tạo nên những tác phẩm của mình. Theo Anton, các tác phẩm của anh mang tính siêu thực nhiều hơn là tưởng tượng, bởi anh luôn tìm cảm hứng sáng tạo từ cuộc sống thực: “Tôi thử nhìn những sự việc thường ngày từ nhiều góc độ khác nhau, sử dụng nó làm chất liệu sáng tác. Cảm hứng sáng tạo đến từ mọi thứ quanh ta, nhưng đôi khi ta lại bỏ qua chúng”.
Hình ảnh đứa trẻ trao chú chó đã chết cho một người ở thế giới bên kia, miêu tả sự gặp gỡ của hai thế giới – thứ chỉ tồn tại trong những giấc mơ của một đứa trẻ.
Tác phẩm lấy cảm hứng từ một cuốn sách yêu thích của Semenov thuở nhỏ, kể về một đứa trẻ bị bắt cóc bởi lũ quái vật trong nhà tắm.
Bức vẽ có tên “Noon” chỉ ra rằng những nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của con người chỉ xuất phát từ chính tiềm thức của chúng ta mà thôi.
Những hình ảnh tạo nên ấn tượng mạnh mẽ và sức ám ảnh dai dẳng cho tác phẩm, qua đó truyền đến người xem những thông điệp ẩn giấu đằng sau. Đó là trăn trở của tác giả trước những mảng tối của cuộc sống thực, từ nỗi sợ hãi thông thường đến những thảm họa như chiến tranh, ô nhiễm môi trường, sự tuyệt chủng... tất cả được chuyển hóa vào hình ảnh cực kỳ sống động.
Một thành phố hiện đại nhưng hoang tàn, đổ nát với những tòa nhà xiêu vẹo, mạng nhện giăng khắp nơi và khói bụi ngút trời.
Bạn có để ý “con vật” này đeo ký hiệu của WWF (Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Quốc tế) ở chân không?
Chim mẹ không tìm được thức ăn cho lũ chim con, một chú chim đã chết.