Mãn nhãn với nghệ thuật siêu thực 3D kì quái

Okesein , Theo 00:00 30/09/2011
Chia sẻ

Trong bài viết trước, chúng ta đã tìm hiểu về khái niệm nghệ thuật siêu thực. Hôm nay, hãy cùng khám phá các tác phẩm 3D ấn tượng đến "run rẩy chân tay" bạn nhé!

Tuy đang làm việc cho một công ty thiết kế đồ nội thất ở Tokyo, nhà thiết kế người Nhật Kazuhiko Nakamura lại có niềm đam mê đặc biệt với nghệ thuật đồ họa siêu thực 3D. Ngoài giờ làm việc, nhà thiết kế của chúng ta dành toàn bộ thời gian rảnh rỗi để sáng tạo những tác phẩm 3D vô cùng độc đáo, khiến không ít nhà thiết kế chuyên nghiệp cũng phải nghiêng mình thán phục.
 

Một bức vẽ lấy ý tưởng từ khủng long ba sừng Triceratops.
 
Bạn đã từng nghe đến Steampunk - phong cách nghệ thuật kết hợp giữa nét cổ điển châu Âu với nét hiện đại của công nghệ và máy móc? Bạn cũng từng nghe đến chủ nghĩa siêu thực - sự thoát xác của nghệ thuật khỏi cuộc sống, thể hiện qua những hình tượng kỳ quái, vượt qua mọi nguyên tắc logic và mỹ học thông thường? Phong cách nghệ thuật của Kazuhiko Nakamura chính là sự pha trộn thú vị giữa hai trường phái này.
 

Một con robot hiện đại mang hình hài tê giác. Bức vẽ lấy cảm hứng từ bản khắc gỗ do một họa sĩ người Đức sáng tác từ thế kỷ 16, mô tả con tê giác một sừng được người Ấn Độ dâng cho vua Bồ Đào Nha vào năm 1515.
 
Tác phẩm của Nakamura cho thấy sự kết hợp đầy táo bạo giữa những chú robot hiện đại, những loại máy móc từ thời Cách mạng Công nghiệp với động cơ hơi nước, ròng rọc, bánh răng... Nét cổ điển châu Âu cũng được tác giả đưa vào một cách khéo léo trên tông màu đồng, bạc, tạo hiệu ứng ánh kim giống khiên và áo giáp của các chiến binh thời Trung cổ. Các tác phẩm này được giới phê bình đánh giá như “một phép lai siêu thực của con người và máy móc, cuộc hôn nhân khắc nghiệt của kim loại và xác thịt”.
 

“Pháo đài trí tuệ” - Bộ não của con robot này là một cỗ máy phức tạp với động cơ hơi nước, cánh quạt và rất nhiều ống dẫn.
 
Mỗi tác phẩm 3D của Nakamura là một công trình kỳ công được tạo ra bởi rất nhiều mô hình 3D nhỏ. Tất cả số tiểu mô hình được lắp ráp với nhau nhờ các khớp nối có trục quay, tạo thành tác phẩm hoàn chỉnh cực kỳ phức tạp với độ chính xác đến từng mi-li-mét.
 
Những bộ phận đã được lắp ráp nhưng không phù hợp sẽ bị thay thế bởi các mô hình khác lý tưởng hơn, khiến hình dạng của tác phẩm liên tục thay đổi cho đến khi đạt được sự kết hợp hoàn hảo nhất. Có thể nói, quá trình sáng tạo nghệ thuật của Kazuhiko Nakamura giống như chơi trò ghép hình, nhưng nó thú vị ở chỗ chính tác giả của trò chơi ấy cũng không biết trước kết quả cuối cùng sẽ như thế nào.
 

Để có một tác phẩm hoàn chỉnh như trên, Kazuhiko Nakamura đã tạo ra từng bộ phận, từ hộp sọ, mắt, mũi rồi lắp ráp một cách cân đối với nhau. Giữa các bộ phận có khớp nối quaygiúp khuôn mặt của nhân vật có thể thay đổi tùy ý.
 
Về phương pháp sáng tạo nghệ thuật của mình, Nakamura tiết lộ: “Mỗi khi ý tưởng chợt đến, tôi thường vẽ nguệch ngoạc vào một quyển sổ phác thảo nhỏ. Tôi làm điều đó trong tâm trạng hoàn toàn thoải mái, không giới hạn trí tưởng tượng để định hình tác phẩm một cách rõ ràng. Những nhân vật kỳ lạ, hình khối phức tạp trong đó sẽ trở thành nguồn cảm hứng nghệ thuật của tôi”.
 

Khuôn mặt tạo bởi bọ cánh cứng, nhện, cào cào, ong và cả... rắn. Tác giả đã lấy ý tưởng sáng tác từ bức vẽ của họa sĩ Archimboldo trong thế kỷ 16mô tả khuôn mặt con người được tạo nên bởi sự kết hợp nhiều vật thể khác nhau, cùng với đó là tiểu thuyết “Hóa Thân” của Kafka - câu chuyện về loài người biến thành côn trùng.
 

Các mô hình côn trùng được lắp ráp thành khuôn mặt.
 
Tính đến nay, Kazuhiko Nakamura đã làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật 3D được gần 15 năm, gặt hái nhiều giải thưởng quan trọng như CG Choice Award (2009), Animago (2006 – Hạng 1)... Các tác phẩm của ông được trưng bày trong nhiều triển lãm nổi tiếng cũng như được chọn làm bìa cho nhiều cuốn sách, tạp chí công nghệ, bìa đĩa CD...


Một số tác phẩm của Nakamura từng được sử dụng làm bìa sách.
 
Nakamura khẳng định rằng: “Tôi cảm thấy rất thích thú khi các mô hình của mình được sử dụng trong nhiều loại hình nghệ thuật khác. Tuy nhiên, tôi sẽ không để tính thương mại ảnh hưởng đến công việc sáng tạo nghệ thuật dưới bất kỳ phương thức nào”.
  
Tác phẩm "Requiem for Industry" (Lễ cầu siêu cho ngành công nghiệp). Tác phẩm này được chọn làm bìa cuốn sách “A dream of Armageddon” (Giấc mơ về một trận chiến cuối cùng) của nhà văn nổi tiếng người Anh H.G Wells trong lần tái bản năm 2009.
 

Bức tranh được tác giả miêu tả như một “phản ứng hóa học của những cơn ác mộng”.

"Ký ức hình xoắn ốc".
 

The Tower of Beetle”- Tòa tháp của sự cheo leo.
 
"Sự im lặng của đồng hồ cát".
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày