Lịch sử vẫn luôn che đậy những điều kỳ bí. Chính những phát hiện khảo cổ đã hé lộ những tia sáng hiếm hoi về thế giới của người cổ xưa, thời kỳ tổ tiên loài người.
Chắc hẳn nhiều người đều biết đến hai trường thi nổi tiếng của Homer: Iliad và Odyssey. Trong hai tác phẩm đó có nhắc tới một địa danh nổi tiếng đi vào nhiều bộ phim điện ảnh - thành Troy. Tuy nhiên, cho đến tận thế kỷ XIX, hầu hết mọi người vẫn cho rằng, Troy chỉ là một sản phẩm của trí tưởng tượng.
Vào năm 1871, một nhà thám hiểm người Đức khi tiến hành khai quật di chỉ Hissarlik đã phát hiện ra những phần còn sót lại của thành Troy.
Tại đây, họ không chỉ tìm thấy được những kho báu huyền thoại có tuổi thọ lên đến 1.000 năm mà còn biết được nguyên nhân chính khiến cho thành Troy biến mất. Nguyên nhân không phải là chiến tranh mà chính là động đất.
Không những thế, từ phát hiện này, các nhà khoa học đã có đủ cơ sở để chứng minh, cuộc chiến thành Troy thật sự tồn tại và Homer đã chọn lấy một vài sự kiện trong đó để sáng tạo thành thiên sử thi bất hủ.
2. Sách giấy ở Oxyrhynchus
Oxyrhynchus là một thành phố ở phía Nam của Ai Cập thời cổ đại. Oxyrhynchus có một điều đặc biệt khiến cho các nhà khảo cổ phải “dở khóc dở cười”, đó là phần lớn các tư liệu có giá trị ở đây đều được tìm thấy trong những hố rác cổ.
Trong quá khứ, những người dân nơi đây sau khi sử dụng xong các văn bản viết, họ thường vứt chúng vào các hố rác được đào sẵn.
Nhưng không ai ngờ, những thứ tưởng chừng như vứt đi đó lại được bảo quản rất tốt trong sa mạc khô nóng và trở thành kho báu vô giá đối với lịch sử loài người. Hiện nay, các nhà khảo cổ đang huy động rất nhiều nguồn lực để tiếp tục tìm kiếm những tài liệu trong các hố rác này.
3. Thư viện Ashurbanipal
Một bộ sưu tập khoảng 25.000 mảnh vỡ đất sét là những thứ còn sót lại từ thư viện của Ashurbanipal. Thư viện này được phát hiện vào giữa thế kỷ XIX bởi Austen Henry Layard tại thành phố Mesopatamian của Nineveh (nay là Iraq).
Đây từng là một trong những thư viện lớn nhất trong thời gian đó, chứa khoảng 1.200 văn bản. Những văn bản này bao gồm các văn bản hoàng gia, biên niên sử, thần thoại, tôn giáo, câu thần chú, các bài thánh ca, y học, thiên văn học, văn chương và quan trọng hơn chính là rất nhiều thông tin quý giá về các cư dân cổ xưa của vùng Trung Đông.
4. Nền văn minh Indus
Là một trong ba nền văn minh cổ xưa nhất nổi lên bên cạnh con sông, nhưng khác với nền văn minh sông Nile và Lưỡng Hà chưa bao giờ bị lãng quên, mãi đến tận thế kỷ XX nền văn minh Indus mới được tìm thấy.
Các phát hiện khảo cổ cho thấy, một thành phố tiên tiến đã được xây dựng dọc theo con sông Indus, cùng với đó là các dấu hiệu về khoa học, chữ viết và công nghệ có thể được tìm thấy trong đống đổ nát của thành phố này.
Nguyên nhân vì sao thành phố này biến mất vẫn không rõ, nhưng theo các bằng chứng để lại, nền văn minh này đã bị phá hủy bởi chính các con sông đã nuôi sống họ.
Nhưng điều đặc biệt là qua những gì tìm được ở đây, ta có thể thấy một mức độ công bằng xã hội khá cao. Nếu điều này là đúng thì dường như xã hội thời kỳ này đã có một bước nhảy vọt đáng kể so với các nền văn minh cùng thời điểm đó. Đây là một điều vô cùng ý nghĩa đối với các sử gia ngày nay.
5. Đền Gobekli Tepe
Đền Gobekli Tepe đã thay đổi hoàn toàn cái nhìn của các nhà khảo cổ về quá khứ. Với niên đại 12.000 năm, kiến trúc này xuất hiện trước bất kỳ một nền văn minh nào được biết đến, đây được cho là công trình lâu đời nhất do con người tạo ra đến tận bây giờ.
Địa điểm này nằm trên một đỉnh đồi ở Thổ Nhĩ Kỳ, có 20 vòng và hiện đã được khai quật 4 trong số đó. Mỗi vòng có đường kính từ 10 - 30m, được trang trí chủ yếu bằng những cây cột đá vôi lớn hình chữ T cao khoảng 2,4m và nặng tới 7 tấn.
Hầu hết các cột được trang trí với các phù điêu các loài vật và những hình trừu tượng. Các mô hình trừu tượng thể hiện các biểu tượng linh thiêng thường thấy ở các bức tranh hang động thời kỳ Đồ Đá mới. Những bức phù điêu tượng trưng được đẽo gọt công phu với sư tử, bò, lợn rừng, cáo, nai, lừa, rắn và các loài bò sát, côn trùng, nhện, chim.