4 điều "ngớ ngẩn" chúng ta nghĩ hồi bé hóa ra là sự thật

Hoàng Anh, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 08/02/2016
Chia sẻ

Có những điều tưởng như chỉ là suy nghĩ "ngây thơ con trẻ", nhưng hóa ra đều được khoa học chứng minh là sự thật mà ta không hề hay biết.

Có phải hồi nhỏ bạn đã từng hơn một lần có ý nghĩ: bố mẹ toàn bênh anh/chị/em? Hoặc cảm thấy cực kỳ điên tiết mỗi khi bát cơm bị nhồi rau liên tục?

Lớn lên, chúng ta có thể thấy những suy nghĩ như vậy đúng là "đồ trẻ con". Tuy nhiên, bạn sẽ rất bất ngờ khi biết rằng rất nhiều thứ tưởng như suy nghĩ ngớ ngẩn của tuổi thơ lại là sự thật, và đã được khoa học chứng minh hẳn hoi.

1. Bố mẹ đúng là có thiên vị

Đối với những người đã lớn lên trong gia đình có nhiều anh chị em, suy nghĩ này chắc hẳn đã "mọc rễ" trong tâm trí họ từ lúc nhỏ. Tại sao cùng một lỗi mà mình lại bị mắng nhiều hơn? Tại sao cứ lấy anh chị ra để so sánh với mình?

4 điều ngớ ngẩn chúng ta nghĩ hồi bé hóa ra là sự thật - Ảnh 1.

Sự thực là bố mẹ chúng ta đúng là có thiên vị. Điều này đã được chứng minh qua nghiên cứu của ĐH Brigham Young và ĐH Pennsylvania (Mỹ) trên 388 gia đình có hai con. Trong vòng ba năm, các gia đình được phóng vấn ba lần với các câu hỏi xoay quanh sự gắn bó và đánh giá kết quả học tập của con.

Kết quả cho thấy có tới 43% phụ huynh nghĩ rằng con cả sáng dạ hơn, và 33% đánh giá cao con út ngay cả khi thực tế không phải vậy. Chỉ 19% trường hợp khả năng của hai con được cho là như nhau.

4 điều ngớ ngẩn chúng ta nghĩ hồi bé hóa ra là sự thật - Ảnh 2.

Theo các chuyên gia, con cả thường được cưng chiều hơn bởi kỳ vọng lớn lao về đứa con đầu lòng. Cũng có trường hợp con út do "sinh sau đẻ muộn" nên được chiều chuộng hơn. Nhưng ta nêu ra để thấy rằng rõ ràng có một sự bất công không hề nhẹ ngày trước đúng không?

2. Rau là thứ chán nhất trên đời

Trẻ em ghét ăn rau, ghét uống thuốc - đó là chân lý. Nhưng thực ra hồi bé chúng ta ghét ăn rau không phải vì lối suy nghĩ "ngây thơ con trẻ", mà là do quá trình tiến hóa đã khiến chúng ta như vậy.

4 điều ngớ ngẩn chúng ta nghĩ hồi bé hóa ra là sự thật - Ảnh 3.

Lớn lên là ăn được rau ấy mà

Trẻ sơ sinh ra đời với 30.000 nụ vị giác trải đều khắp khoang miệng. Lúc này, vị giác của trẻ em được thiết kế để ăn đồ ngọt - thứ đem lại nhiều năng lượng nhất; còn vị chua, mặn thì chưa phải lúc. Trong đó, vị đắng được mặc định là "chất độc". Khi lớn lên, các nụ vị giác sẽ giảm còn 1/3, giúp chúng ta bớt nhạy cảm và ăn được nhiều vị hơn.

Nhưng bạn biết không, trong rau dù ít dù nhiều đều có một chút vị đắng trong đó. Và đó chính là lý do vì sao chúng ta rất ghét ăn rau ngày bé.

3. Con no rồi, nhưng ăn bim bim thì được...

Chắc chắn không dưới một lần các bạn từng rơi vào cảm giác: không thể nuốt nổi cơm dù chỉ 1 thìa, nhưng sẵn sàng ăn thêm nửa cái bánh kem nếu có cơ hội.

4 điều ngớ ngẩn chúng ta nghĩ hồi bé hóa ra là sự thật - Ảnh 4.

Nhưng thực sự thì đó là lỗi của cái dạ dày. Đây là một cơ quan rất linh hoạt co bóp và giãn nở thường xuyên. Chúng ta có cảm giác no là do áp lực thức ăn gây ra bên trong dạ dày, nhưng chưa chắc cảm thấy no có nghĩa là bạn không ăn thêm được nữa, vì dạ dày chưa hề căng hết cỡ.

Theo lý giải khoa học, đường là chìa khóa giúp dạ dày tiếp tục giãn nở để lấy chỗ cho bữa tráng miệng. Bằng cách này chúng ta có thể đánh lừa dạ dày và ăn thêm một lát bánh ngọt ngay cả khi đã no căng.

4. Nước bọt giúp làm lành vết thương

Ngày bé, nhiều người có thói quen cho luôn tay vào miệng mút mỗi khi đứt tay. Người lớn thì cho rằng điều này là mất vệ sinh, nhưng thực ra khoa học đã giải thích rằng hành động này thực sự có ích cho việc làm lành vết thương.

4 điều ngớ ngẩn chúng ta nghĩ hồi bé hóa ra là sự thật - Ảnh 5.

Rất nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng nước bọt của con người có khả năng đẩy nhanh quá trình làm lành vết thương. Giống như trong tự nhiên khi động vật liếm vết thương trong, con người cũng có "thuốc sát trùng" tương tự.

4 điều ngớ ngẩn chúng ta nghĩ hồi bé hóa ra là sự thật - Ảnh 6.

Trong nước bọt có nitrit, khi tiếp xúc với da, nitrit sẽ phân hóa thành oxit nitric – hợp chất giúp bảo vệ vết thương khỏi các vi khuẩn. 

Ngoài ra, một số thành phần kháng khuẩn khác như lactoferrin và lactoperoxidase cũng góp phần làm nước bọt trở thành "thuốc tiên" trong những trường hợp hiểm nghèo.

Nguồn: Cracked, Huffingtonpost, The Guardian

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày