Kề cận những địa danh du lịch biển nổi tiếng của Quảng Ninh như Hạ Long, Vân Đồn, Quan Lạn… huyện đảo Cô Tô có sức hấp dẫn riêng với quần thể 50 hòn đảo lớn nhỏ nằm xa bờ nhất; nơi “đầu sóng ngọn gió” với những cảnh quan độc đáo và vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh.
Cô Tô cách đất liền 30 hải lý nhưng thay vì cần vài ba tiếng đồng hồ lênh đênh trên các con tàu gỗ như trước kia, du khách chỉ mất chừng 50 phút bằng tàu cao tốc để tới Cô Tô. Bến cảng, khu trung tâm thị trấn giữa trùng khơi “thay da đổi thịt” với cơ sở hạ tầng ngày càng đồng bộ, hiện đại hơn.
Điểm đến không thể bỏ qua bất cứ ai khi đến Cô Tô là Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đúng dịp kỷ niệm 61 năm ngày Bác Hồ ra thăm đảo Cô Tô 9/5 (1961 - 2022), công trình cột cờ chủ quyền Tổ quốc trên đảo được khánh thành với cột cờ theo tỷ lệ 1:1 so với cột cờ tại Quảng trường Ba Đình, lá cờ do Bộ Tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng trao tặng cho quân và dân huyện đảo Cô Tô.
Trung tâm của khu di tích là bức tượng Bác Hồ vẫy tay mỉm cười hiền từ, mắt hướng ra Biển Đông mênh mông. Cô Tô là nơi duy nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh cho phép dựng tượng Người lúc sinh thời và bức tượng Bác tại đây được coi là bức tượng Bác Hồ đầu tiên và đẹp nhất của vùng Đông Bắc.
Cô Tô sở hữu rất nhiều bãi biển đẹp như Hồng Vàn, Vàn Chảy, Bắc Vàn, Tình Yêu, Vòm Si, Vụng Ông Viên… nằm rải rác khắp đảo. Có bãi trải dài cả cây số với cát trắng mịn, phẳng lỳ, có bãi lại nằm nép mình giữa những vách đá, uốn quanh hàng dương xanh ngắt.
Không chỉ tại đảo lớn Cô Tô, du khách có thể đi tàu để đến với các đảo lân cận như Cô Tô Con, Thanh Lân, hòn Cá Chép… để đến với những cảnh quan hoang sơ hơn của đá núi, cây cỏ. Trên đảo nhỏ, ngoài tắm biển còn rất nhiều hoạt động hấp dẫn khác như câu mực, lặn biển… Dạo quanh đảo bằng xe điện, du khách sẽ được thưởng thức cảnh quan thơ mộng của con đường Tình Yêu với những hàng phi lao rì rào trong gió biển, rừng chõi nguyên sinh, cầu gỗ Bắc Vàn, hồ Trường Xuân…
Đến với bãi đá Cầu Mỵ - Móng Rồng, một Cô Tô rất khác sẽ hiện ra. Nơi đây sở hữu những khối đá trầm tích kỳ vĩ có niên đại hàng triệu năm, trải dài gần 2km, vách đá dựng sừng sững như đối chọi với sóng biển tung bọt trắng xoá.
Dưới chân vách đá là những vỉa đá xếp tầng tầng lớp lớp. Xung quanh bãi đá đen trầm mặc là màu xanh của cây rừng, những tán dứa dại, hoa sim, hoa mua nở tím khiến khung cảnh thêm yên bình.
Bãi đá cũng là nơi ngắm bình minh tuyệt đẹp trên đảo, nơi du khách tìm đến mỗi buổi sớm mai để chứng kiến khung cảnh tráng lệ khi mặt trời từ từ nhô lên từ lòng biển khơi.
Khung cảnh bình minh tại Cô Tô được nhà văn Nguyễn Tuân tái hiện trong tuỳ bút: “Quả trứng hồng hào thăm thẳm và đường bệ đặt lên một mâm bạc đường kính mâm rộng bằng cả một cái chân trời màu ngọc trai nước biển ửng hồng. Y như một mâm lễ phẩm tiến ra từ trong bình minh để mừng cho sự trường thọ của tất cả những người chài lưới trên muôn thuở Biển Đông”.
Để ngắm toàn cảnh Cô Tô, du khách có thể lên độ cao 102m trên đỉnh ngọn hải đăng Cô Tô. “Mắt biển” xây dựng từ cuối thế kỷ XIX, không chỉ soi đường dẫn lối cho tàu thuyền mà còn là công trình đẹp mang dấu ấn vùng Đông Bắc.
Cô Tô hiện có 4 tuyến, 12 điểm du lịch với nhiều sản phẩm mới hấp dẫn. Sau khi có điện lưới quốc gia năm 2013, huyện đảo ngày càng phát triển với những công trình chỉnh trang đô thị, tuyến phố đi bộ đặc sắc, các dịch vụ ẩm thực đa dạng phục vụ du khách.
Từ đầu mùa du lịch hè năm nay, mỗi ngày cuối tuần Cô Tô đón cả nghìn lượt khách trong và ngoài nước. Hiện địa phương đang phát triển thêm nhiều dịch vụ bãi biển, khoanh vùng bảo vệ san hô để phát triển dịch vụ lặn biển, trải nghiệm khu bảo tồn, ngắm cảnh từ thuỷ phi cơ…
Từ một huyện đảo nghèo xa xôi, Cô Tô đang từng bước “vươn mình trên sóng”. Thu nhập bình quân trên đảo hiện khoảng 105 triệu đồng/người/năm, toàn huyện không còn hộ nghèo. Cô Tô đang hướng tới trở thành 1 trong những địa phương giàu mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng - an ninh, là trung tâm du lịch biển đảo chất lượng cao của cả nước.