Ảnh minh họa
Cụ thể, trên chuyến bay BL212 từ Liên Khương đi Nội Bài, khi hành khách đang lên tàu bay, anh P.V.H.L. ngồi ghế số 12 đã "táy máy" mở cửa thoát hiểm. Hành động của anh P.V.H.L đã khiến máy bay không thể tiếp tục khai thác, phải đỗ lại sân bay Liên Khương chờ kiểm tra kỹ thuật cả giờ đồng hồ. Nam hành khách này dự kiến sẽ bị nhà chức trách hàng không xử phạt 15 triệu đồng.
Thực tế, dù trên chuyến bay tiếp viên liên tục nhắc nhở hành khách không được tự ý mở cửa thoát hiểm. Thậm chí, các hành khách ngồi cạnh cửa thoát hiểm đều được tiếp viên chuyến bay đến tận nơi nhắc trực tiếp, nhưng vẫn không ít trường hợp “phớt lờ” khuyến cáo.
Trên máy bay, mỗi cửa thoát hiểm đều được bố trí xuồng phao cứu sinh, tự động bung ra khi cửa được mở. Mỗi phao tương ứng số khách nhất định. Khi một xuồng phao cứu sinh không sử dụng được, chuyến bay sẽ phải giảm số lượng khách theo tỷ lệ tương ứng, sau đó máy bay sẽ được đưa vào xưởng để lắp đặt lại xuồng phao với chi phí hàng trăm triệu đồng.
PV Báo Giao thông từng ghi nhận trường hợp một hành khách của Vietnam Airlines “thấy phía trước đông người, đã nhanh nhẹn mở cánh cửa gần đó để xuống tàu bay... nhanh hơn”. Tương tự, tại Tân Sơn Nhất, đã xảy ra vụ việc một hành khách ngồi gần cửa thoát hiểm tự ý mở bung cánh cửa này khi được một bà mẹ trẻ bế đứa con đang khóc nhờ mở cửa để hai mẹ con xuống nhanh hơn.
Ly kỳ hơn, khi trên chuyến bay của Vietnam Airlines từ Cao Hùng (Đài Loan) về TP HCM mới đây, một vị khách người Đài Loan có nhu cầu đi vệ sinh. Do nhầm lẫn, ông đã đi về phía cửa thoát hiểm và gạt chốt, cố gắng mở cửa, nhưng rất may việc mở cửa thoát hiểm không dễ dàng vì máy bay đang bay và áp suất chênh lệch. Một hành khách gần 80 tuổi trên chuyến bay từ TP HCM ra Hà Nội của hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air cũng đã đi xuống phía cuối máy bay, loay hoay định mở cửa thoát hiểm để... đi vệ sinh.