Năm 1924, William Banks Hanner bỏ tiền ra đầu tư xây dựng nên Cecil Hotel 600 phòng với kỳ vọng nơi đây sẽ trở thành chỗ dừng chân lý tưởng của các doanh nhân quốc tế và tất cả du khách ghé thăm thành phố Los Angeles, Mỹ. Chính vì vậy, Hanner sẵn sàng chi ra số tiền hơn 1 triệu USD để trang hoàng cho khách sạn theo phong cách Art Deco, từ lót đá cẩm thạch, cửa sổ lộng lẫy đến những cây cọ nhập khẩu bố trí khắp nơi.
Thế nhưng chỉ sau 2 năm đi vào hoạt động, Cecil Hotel lại chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu từ năm 1929. Khu vực xung quanh khách sạn trong chớp mắt trở nên hoang tàn, mọi thứ sụp đổ nhanh đến mức khó tin. Khách sạn xinh đẹp một thời nay lại trở thành nơi lưu trú của kẻ nghiện ngập, đào tẩu và cả những tên tội phạm giết người khét tiếng. Chưa hết, không hiểu trùng hợp thế nào mà rất nhiều người tìm đến Cecil Hotel để kết liễu cuộc đời và không ít vụ án bí ẩn xảy ra nơi đây biến nó thành một địa điểm xui xẻo bậc nhất thế giới.
Cecil Hotel chính là nguồn cảm hứng để các nhà làm phim thực hiện phần 5 của phim truyền hình dài tập American Horror Story hồi năm ngoái.
Mọi chuyện bắt đầu vào năm 1931, một người đàn ông bị phát hiện uống thuốc độc tự tử trong phòng khách sạn Cecil Hotel. Phải đến tận 1 tuần sau khi người này qua đời, nhân viên mới phát hiện ra thi thể của ông bởi mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.
Năm 1944, một khách nữ 19 tuổi vứt xác đứa con mới sinh của mình ra ngoài cửa sổ. Trước đó, cô không hề hay biết việc mình mang thai và nghĩ em bé đã chết lưu nên mới ném đi. 20 năm sau, “người đàn bà bồ câu” Goldie Osgood, người hay cho chim ăn ở quảng trường gần khách sạn, được tìm thấy trong tình trạng đã chết. Cô bị hãm hiếp, bóp cổ và bị đâm đến chết. Vụ án đến nay vẫn chưa tìm được hung thủ.
Ngoài ra, khách sạn này còn từng chào đón “thược dược đen” Elizabeth Short trước khi cô trở thành nạn nhân của một vụ giết người công khai năm 1947.
Elizabeth Short từng nghỉ tại Cecil Hotel trước khi bị giết hại dã man.
Năm 1985, kẻ giết người hàng loạt Richard Ramirez, được mệnh danh là sát nhân bóng đêm, đến thuê phòng khách sạn ở dài hạn tại Cecil Hotel. Trong suốt thời gian đó, hắn đã ra tay đoạt mạng 13 người vô tội và phi tang quần áo đẫm máu của nạn nhân trong thùng rác phía sau khách sạn.
Khi được hỏi về lý do chọn Cecil Hotel làm nơi trú ẩn, Ramirez cho biết do hắn đã nhiều lần nghe tai tiếng về tình trạng hỗn độn của khách sạn này và nếu ở đây, hắn sẽ ít bị chú ý hơn. Đúng như dự đoán của tên sát nhân hàng loạt, thời điểm đó rất đông kẻ nghiện ngập đến nghỉ tại Cecil Hotel, bọn họ đôi khi còn nằm la liệt khắp lối đi, giao dịch buôn bán thuốc phiện diễn ra như cơm bữa. Vậy nên việc Ramirez thành công che giấu danh tính của mình cũng là chuyện dễ hiểu.
Năm 1991, một tên giết người hàng loạt khác là Jack Unterweger, người Áo, có liên hệ mật thiết với Ramirez cũng chọn trú ẩn tại Cecil Hotel. Sau khi bị kết án giết hại 9 mạng người, tên này treo cổ tự tử chứ nhất quyết không nhận tội.
Thế nhưng, sự kiện đen tối nhất xảy ra ở Cecil Hotel là cái chết bí ẩn của nữ sinh người Canada gốc Hoa, Elisa Lam vào năm 2013. Thi thể của người này được tìm thấy trong bể chứa nước trên sân thượng của khách sạn sau khi nhiều người thuê phòng phàn nàn nước trong vòi có màu đen, bốc mùi kỳ lạ.
Cái chết của Elisa Lam trở thành vụ án mạng nổi tiếng nhất từng xảy ra tại Cecil Hotel.
Sau đó, nhân viên điều tra thu được một đoạn video từ camera an ninh, ghi lại hình ảnh cuối cùng của Lam trong thang máy khách sạn. Theo đoạn băng, nữ sinh này như thể đang trốn chạy ai đó bởi trông cô khá hoảng hốt. Sau khi bước ra ngoài, Lam đi thẳng lên tầng thượng. Thông thường, bất kể ai tiếp cận khu vực bể nước cũng phải đi qua cánh cửa báo động. Nhưng ngày hôm đó, bộ phận an ninh lại không nhận được tin báo nào. Vài ngày sau, người ta tìm thấy thi thể của Lam. Dù nỗ lực điều tra nhưng nguyên nhân cái chết của nữ sinh xấu số đến nay vẫn là điều bí ẩn.
Bất kể những câu chuyện đáng sợ xảy ra ở Cecil Hotel đến nỗi bị xem là khách sạn đen đủi nhất thế giới, nơi đây đến nay vẫn thu hút lượng lớn khách đến thuê phòng. Nhiều người cho biết họ hài lòng với mức giá, chất lượng dịch vụ của Cecil Hotel và hơn nữa muốn trải nghiệm cảm giác khi lưu trú tại một trong những nơi từng được coi là đáng sợ nhất thế giới này.
Cecil Hotel nay đã được người chủ sở hữu đổi tên thành Stay on main để xóa đi quá khứ rùng rợn nhưng dường như chẳng mấy ai quan tâm và mỗi khi nhắc đến, người ta vẫn gọi nó bằng cái tên cũ quen thuộc.
(Nguồn: All Thats Interesting)