Nhiều người bước vào hôn nhân với niềm tin rằng chỉ cần yêu là đủ. Nhưng thực tế cho thấy, những điều không được nói rõ từ đầu, đặc biệt là chuyện tiền bạc, lại thường là thứ dễ khiến một cuộc hôn nhân chao đảo nhất.
Câu chuyện của cô gái dưới đây là một ví dụ điển hình cho việc không kiểm tra tài chính trước hôn nhân để rồi nhận lại cú twist không ai muốn gặp: lấy chồng chưa đầy nửa năm đã phát hiện ra mình đang sống cùng một "con nợ bất đắc dĩ".
Trước khi cưới thì nói "Anh lo cho em", cưới về mới thấy: Lo thật, nhưng mà là lo... trả nợ.
Theo chia sẻ, cô gái và chồng yêu nhau được 3 năm, trong suốt thời gian đó, anh luôn là người chi mọi khoản khi đi ăn uống, xem phim, du lịch. Khi cô đề xuất chia đôi, anh chỉ nhẹ nhàng bảo: "Mấy cái lặt vặt này mà không lo được cho em thì còn lo gì nữa".
Cô tin tưởng, nghĩ rằng mình đã chọn đúng người: vừa tình cảm, vừa ổn định tài chính. Nhưng sau khi cưới chưa đầy nửa năm, sự thật dần lộ diện. Khi cần sử dụng đến khoản tiết kiệm hơn 300 triệu đồng (bao gồm tiền mừng cưới, vàng cưới và tiền riêng của hai vợ chồng), cô mới phát hiện toàn bộ số tiền đã bị chồng âm thầm mang đi trả nợ.
Không dừng lại ở đó, anh còn đang mang thêm khoản nợ hơn 1 tỷ đồng ngoài xã hội. Cô như sụp đổ khi biết tất cả những buổi hẹn hò lãng mạn, những món quà đầy bất ngờ đều được xây bằng tiền vay mượn.
Ảnh minh hoạ.
"Hoá ra trước giờ tất cả chỉ là phông bạt, ngay cả đến bữa ăn anh mời mình đi ăn, đi uống nước, đi xem phim cũng đều là tiền anh vay để chi tiêu, sinh hoạt, chưa kể những món quà, tất cả chỉ là phông bạt để chứng minh anh đủ tiềm lực tài chính, đủ lo cho mình.
Hỏi ra mới biết anh ấy đã nợ từ 2 năm trước, trả mãi không hết, giờ lãi mẹ đẻ lãi con. Gia đình anh cũng đang nợ 5 - 6 tỷ vì kinh doanh thua lỗ, mua cả bất động sản xong không lấy được sổ, anh nói anh bị lừa".
Giờ đây, thay vì là người "lo cho vợ", anh phải sống dựa vào lương của vợ và còn ngỏ ý muốn cô vay thêm từ nhà ngoại để giúp anh trả nợ. Cô gái rơi vào bế tắc: tiếp tục thì mệt mỏi, mà bỏ lại thấy mình như kẻ phản bội. Cô chia sẻ trong sự bất lực:
"Anh nói anh bị lừa nhưng có lẽ người bị lừa ở đây là mình mới đúng. Mình thực sự không cần giàu sang nhưng chỉ muốn 1 cuộc sống đơn giản, 2 vợ chồng tự ăn tự lo, vậy là được, nhưng sao giờ lại thành con nợ thế này".
Ảnh minh hoạ.
Dân mạng nghe xong cũng không giấu nổi sự phẫn nộ và tiếc thay cho nữ chính. Nhiều người khuyên cô gái nên tỉnh táo và cân nhắc kỹ lưỡng, nhất là khi chồng không chỉ vỡ nợ mà còn không có ý định tự gánh vác trách nhiệm:
- Cái gì chứ tiền nong là phải minh bạch ngay từ đầu. Thương thì thương thật đấy, nhưng giấu nợ rồi đẩy trách nhiệm cho vợ thì không ổn. Mới cưới vài tháng đã phải cày lo cho cả hai người là thấy mệt rồi.
- Nghe mà tức giùm! Người ta tin tưởng lấy về làm chồng, ai dè cưới thêm đống nợ. Mà nợ 1 - 2 trăm triệu còn đỡ, đằng này là cả tỷ, bảo sao không suy sụp.
- Ôi, như vậy sao có gia đình hạnh phúc được. Em hãy suy nghĩ kỹ, nhất là việc nhờ bên ngoại giúp thì tuyệt đối không. Đừng làm khổ thêm bố mẹ. Một người chồng không trung thực, lừa vợ như vậy và có ý định cưới vợ lấy tiền mừng trả nợ mà không nói gì, giờ muốn nhờ gia đình vợ giúp thì không phải người chồng tốt. Có ngày chồng cho cả nhà ra đê mà ở.
Tài chính - chuyện "tế nhị" nhưng bắt buộc phải rõ ràng trước khi cưới
Nhiều cặp đôi yêu nhau nhiều năm, tưởng hiểu nhau mọi thứ, nhưng lại bỏ qua chuyện tài chính, để rồi sau cưới mới vỡ lẽ người kia đang nợ, không biết chi tiêu, hoặc tư duy tài chính quá khác biệt.
Để tránh những cú sốc không đáng có sau kết hôn, dưới đây là 3 điều quan trọng mà các cặp đôi nên làm rõ với nhau về tài chính, trước khi quyết định "về chung một nhà".
Ảnh minh hoạ.
1. Chia sẻ thẳng thắn về thu nhập, nợ nần và tài sản cá nhân
Trước khi cưới, hai người nên ngồi lại với nhau để nói rõ: Mỗi người đang có thu nhập bao nhiêu? Có khoản nợ nào đang tồn tại không? Có tài sản riêng gì không?
Chuyện tiền bạc không phải là "tế nhị", mà là cần thiết để cả hai biết rõ nền tảng của nhau. Việc giấu nợ hoặc thổi phồng khả năng tài chính có thể khiến người kia rơi vào trạng thái hoang mang, mất niềm tin ngay sau cưới.
2. Thỏa thuận cách quản lý tiền chung - tiền riêng
Sau khi cưới, hai người có thể gộp tiền lại để chi tiêu chung, nhưng vẫn nên giữ một phần tài chính cá nhân để tự do và độc lập. Một vài mô hình phổ biến:
- Gộp toàn bộ thu nhập, cùng lập ngân sách và cùng chi tiêu.
- Mỗi người giữ thu nhập riêng, cùng đóng góp phần trăm cố định vào "quỹ gia đình".
- Một người lo chi phí sinh hoạt, người còn lại lo tiết kiệm và đầu tư.
Dù theo cách nào, cũng cần thống nhất rõ ràng ngay từ đầu để tránh tranh cãi "ai trả cái gì" về sau.
3. Lập kế hoạch tài chính chung cho 1 - 3 năm đầu sau cưới
Cuộc sống hôn nhân không chỉ là chuyện tình cảm mà còn là các khoản chi rất cụ thể: tiền nhà, ăn uống, sinh con, du lịch, phụng dưỡng cha mẹ,… Cặp đôi nên lên kế hoạch dự kiến các khoản chi lớn sau cưới, tiết kiệm, đầu tư và mỗi người sẽ đóng góp ra sao cho các mục tiêu chung.
Càng rõ ràng thì càng ít mâu thuẫn. Hơn nữa, việc lên kế hoạch sớm cũng giúp cả hai chủ động ứng phó nếu có sự cố tài chính xảy ra.