Bé Q.H.V. (Thái Bình) sinh ra có cân nặng 2,8kg như mọi đứa trẻ bình thường. Đến 5 tháng tuổi, bé được 5kg, phát triển hoàn toàn bình thường. Thế nhưng từ đó đến năm 10 tuổi, bé hầu như không tăng cân, chiều cao cũng gần như đứng yên tại chỗ.
Chị Q.T.T. - mẹ bé V - cho biết, chị đã đưa con đi khám dinh dưỡng, uống thuốc, uống sữa theo đơn bác sĩ kê suốt 3 năm liền nhưng bé cũng chỉ lên được đúng 2 lạng. Lên 5 tuổi, V. chỉ như đứa trẻ 1 tuổi, không thể tự làm vệ sinh cá nhân, đi đâu cũng phải có người bế. Đến khi con đi học mẫu giáo, chị T. vẫn phải mang theo bỉm để cô giáo thay hộ. Hơn 9 tuổi, mà bé chỉ cao 79cm và nặng 9kg, trông như một em bé 1-2 tuổi. Cô bé được mẹ "gửi" cho ngồi nhờ lớp 1 cùng với em trai để được hòa đồng với bạn bè.
"Dù bé rất thích đi học, thích hát, thích kể chuyện, nhưng con luôn sợ hãi khi trở thành tâm điểm chú ý mỗi khi xuất hiện, vì sự khác biệt ngoại hình. Mọi người chỉ trỏ, động chạm và gọi bé là "người chim" khiến con tủi thân" - mẹ bé V. chia sẻ.
Bác sĩ Vũ Chí Dũng và bệnh nhân được chẩn đoán bị suy tuyến yên
Đầu năm 2019, khi con 10 tuổi, chuẩn bị vào tuổi dậy thì chị V. đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám. Tại đây, bệnh nhân được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán bệnh và lên kế hoạch điều trị kéo dài.
Tiến sĩ - bác sĩ Vũ Chí Dũng, Trưởng khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy tuyến yên nhỏ, tuổi xương chỉ tương đương trẻ 20 tháng. Trẻ được chẩn đoán bị suy tuyến yên, được chỉ định bằng thuốc hormone tăng trưởng. Bệnh của trẻ cần điều trị bằng thuốc kiên trì, tối nào cũng phải tiêm thuốc. Các y bác sĩ đã hướng dẫn chị V. cách tự tiêm cho con.
Kết quả sau 12 tháng, bé tăng được 18cm và tới nay, sau gần 2 năm tăng được 29cm. Cùng với chiều cao, V. cũng tăng trưởng cân nặng, từ 9kg vào đầu năm 2019 thì hiện đã nặng 19kg, cao 108cm. Với chiều cao, cân nặng như hiện nay, bé T. đã lớn tương đương một em bé 4 - 5 tuổi. Bác sĩ Dũng cho rằng, đây là sự khác biệt rất lớn sau 2 năm điều trị. "Dù cháu bé được chẩn đoán muộn nhưng đây là trường hợp đáp ứng tốt và rất điển hình của thiếu hụt hormone tăng trưởng do suy tuyến yên nặng" - bác sĩ Dũng nói.
Bé V. đã tăng 29cm chiều cao sau khi điều trị
Mẹ bệnh nhi cho biết, cháu đã tự tin hơn khi giao tiếp và đã biết đọc, biết viết. Bé đã tự chăm sóc bản thân như đánh răng rửa mặt, tắm rửa, vệ sinh, có thể ăn được hai lưng bát cơm mỗi bữa và đặc biệt không còn hay ốm như trước.
Bác sĩ Dũng khẳng định ngoài việc cơ thể nhỏ bé, bé V hoàn toàn phát triển trí não bình thường. Do đó, vị bác sĩ này đề nghị làm một giấy chứng nhận để bé được đi học lớp 1 bình thường vào năm học tới; chứ không chỉ "ngồi nhờ" lớp như vừa qua.
Theo bác sĩ Dũng, trong 100% trường hợp chậm tăng trưởng chiều cao (nghĩa là bị thấp), 90% là thấp bình thường, khoảng 10% những trường hợp có chiều cao thấp là do bệnh lý, cần phát hiện sớm điều trị kịp thời để trẻ có thể đạt chiều cao gần như trẻ bình thường.
Có rất nhiều bệnh lý có thể khiến trẻ không phát triển được: Dinh dưỡng; nội tiết (như thiếu hụt GH - hormone tăng trưởng đơn thuần hoặc kết hợp thiếu nhiều hormone tuyến yên, suy giáp bẩm sinh, hội chứng Cushing, dậy thì sớm, suy cận giáp); các hội chứng bẩm sinh, chậm phát triển trong tử cung; các bệnh về xương; các bệnh mạn tính/các bệnh chuyển hóa; các khối u và hậu quả muộn của điều trị ung thư, do thuốc… Trong đó, các hội chứng bẩm sinh có thể kể đến là bất thường nhiễm sắc thể (hội chứng Turner, Down), các hội chứng khác (Noonan, Russell-Silver), các khuyết tật bẩm sinh khác/chậm phát triển tinh thần...
Bệnh nhi và mẹ trong lần tái khám chiều 17-12 vừa qua
Bác sĩ Dũng cho biết cứ 4.000 cháu bé sinh ra thì có 1 cháu bị chậm tăng trưởng. Mà mỗi năm, cả nước có khoảng 1,4 triệu em bé chào đời, tức là có thêm khoảng 350 cháu bị dị tật này. Hiện Bệnh viện Nhi Trung ương đang điều trị khoảng 400 trẻ, chủ yếu thiếu hormone tăng trưởng. "Để phát hiện trẻ mắc bệnh này không hề dễ. Mới đầu trẻ chưa bộc lộ rõ, nhiều gia đình đưa con đi khám nhiều nơi mà không ra bệnh. Khi đã phát hiện, nguyên tắc là điều trị nguyên nhân gây ra bệnh, không điều trị thuốc để tăng chiều cao" - bác sĩ Dũng nói.
Ông cho biết thêm ngoài bé V., tại đây đã tiếp nhận một bé trai 12 tuổi bị não úng thủy bẩm sinh, đặt van dẫn lưu lúc 7,5 tháng tuổi, chỉ cao 93cm do thiếu hormone tăng trưởng. Chỉ sau 1 năm điều trị, cháu đã cao thêm được 17,5cm và sau 22 tháng, cháu đã tăng 25cm - tức là cao 118cm, tương đương chiều cao của một trẻ bình thường. Một bé gái khác 19 tháng chỉ cao 59cm, nhưng sau 5 năm 4 tháng điều trị, bé đã cao 111,5cm, tức là cao hơn trẻ bình thường 6cm.
Theo bác sĩ Dũng, với trẻ thấp chiều cao do bệnh lý, không thể chỉ đánh giá qua 1-2 tháng, cần theo dõi ít nhất 6 tháng. Muốn phát hiện sớm tình trạng bệnh lý, cha mẹ cần chú ý việc theo dõi chiều cao của con. Nếu trong 1 năm trẻ không lớn thêm được 4cm là không bình thường.