Kẻ tí hon đến từ Trung Quốc làm rung chuyển đế chế AI của Mỹ

Nguyễn Nghĩa, Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn 15:59 01/02/2025
Chia sẻ

Giới công nghệ toàn cầu vừa chứng kiến một kẻ thách thức đe dọa lật đổ vị thế thống trị của các "ông lớn" AI Mỹ.

Thung lũng Silicon, kinh đô công nghệ thế giới, vừa trải qua chuỗi ngày đứng ngồi không yên. DeepSeek R1, một mô hình AI đến từ Trung Quốc, đã làm rung chuyển Phố Wall và gieo rắc nỗi lo ngại về sự thống trị của Mỹ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Ít ai ngờ rằng, một startup non trẻ, mới chỉ chào đời cách đây một năm, lại có thể tạo ra một bước đột phá sánh ngang "vệ tinh Sputnik" trong kỷ nguyên AI, như lời nhận xét đầy ấn tượng của nhà đầu tư huyền thoại Marc Andreessen.

Sức mạnh ngang ngửa GPT-4 mà lại miễn phí?

DeepSeek R1, sản phẩm của công ty DeepSeek, đang khiến cả thế giới phải ngả mũ kinh ngạc. Mô hình này được cho là có khả năng cạnh tranh trực tiếp với những "gã khổng lồ" như GPT-4 của OpenAI, Llama của Meta, hay Gemini của Google. Điều đáng nói, DeepSeek tuyên bố họ chỉ tốn vỏn vẹn 5,6 triệu đô la để phát triển mô hình AI nền tảng này. Con số này quá nhỏ bé so với hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đô la mà các tập đoàn công nghệ Mỹ đã "đổ" vào AI.

Sự chênh lệch chi phí càng trở nên khó tin khi biết rằng, Mỹ đã nỗ lực hạn chế xuất khẩu chip AI hiệu năng cao sang Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia. Điều này đồng nghĩa với việc DeepSeek đã đạt được thành tựu đáng kinh ngạc với chi phí thấp hơn và trên những chip AI được cho là yếu hơn.

Kẻ tí hon đến từ Trung Quốc làm rung chuyển đế chế AI của Mỹ- Ảnh 1.

Người dùng có thể sử dụng các mô hình tốt nhất của DeepSeek hoàn toàn miễn phí

DeepSeek là ai?

DeepSeek được thành lập vào cuối năm 2023 bởi Lương Văn Phong, một nhà quản lý quỹ đầu cơ người Trung Quốc. Giống như Sam Altman của OpenAI, Lương Văn Phong nổi lên như một "nhà truyền giáo" cho công nghệ AI, kêu gọi đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực nghiên cứu đầy tiềm năng này. Quỹ đầu cơ High-Flyer của ông cũng tập trung vào phát triển AI.

Trước R1, DeepSeek đã tung ra một số mô hình AI cạnh tranh, thu hút sự chú ý trong ngành. Tuy nhiên, mô hình V3 của họ từng gây tranh cãi vì những hạn chế về nội dung liên quan đến các chủ đề nhạy cảm về chính phủ và lãnh đạo Trung Quốc. Nhưng R1 thì khác, sự xuất hiện bất ngờ vào cuối năm ngoái và chính thức ra mắt tuần trước đã tạo nên một "cơn sốt" thực sự, đặc biệt sau khi công ty tiết lộ chi phí vận hành "rẻ như cho" trên tờ Wall Street Journal. Điểm cộng nữa là R1 được phát hành mã nguồn mở, cho phép các công ty khác thử nghiệm và phát triển dựa trên mô hình này.

Ứng dụng DeepSeek cũng nhanh chóng leo lên vị trí dẫn đầu trên các bảng xếp hạng ứng dụng, vượt mặt cả ChatGPT vào thứ Hai vừa qua, với gần 2 triệu lượt tải về.

Kẻ tí hon đến từ Trung Quốc làm rung chuyển đế chế AI của Mỹ- Ảnh 2.

CEO DeepSeek Lương Văn Phong. Ảnh: Businessday

Liệu DeepSeek có đe dọa vị thế thống trị của Mỹ?

AI vốn là một công nghệ ngốn nhiều năng lượng và tiền bạc. Các ông lớn công nghệ Mỹ thậm chí còn tìm đến năng lượng hạt nhân để đáp ứng nhu cầu điện cho các mô hình AI của họ. Meta vừa tuyên bố sẽ chi tới 65 tỷ đô la cho phát triển AI trong năm nay. Sam Altman cũng từng dự đoán ngành AI sẽ cần hàng nghìn tỷ đô la đầu tư để hỗ trợ phát triển chip và trung tâm dữ liệu khát điện.

Trong bối cảnh đó, việc DeepSeek đạt được năng lực tương đương với các mô hình AI hàng đầu của Mỹ với chi phí thấp hơn đáng kể, và trên chip yếu hơn, đã tạo ra một sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong nhận thức của ngành về mức độ đầu tư cần thiết cho AI. Dù vẫn còn nhiều hoài nghi và phản đối, những người ủng hộ AI tin rằng công nghệ này sẽ đưa kinh tế toàn cầu bước vào một kỷ nguyên mới, nâng cao hiệu quả công việc và mở ra những khả năng mới trong nhiều ngành công nghiệp, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển.

Kẻ tí hon đến từ Trung Quốc làm rung chuyển đế chế AI của Mỹ- Ảnh 3.

Liệu AI có cần đến những con chip tốn nhiều năng lượng đến vậy? Ảnh: BBC

Andreessen, một người ủng hộ Trump và đồng sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz, đã không tiếc lời ca ngợi DeepSeek là "một trong những đột phá tuyệt vời và ấn tượng nhất mà tôi từng thấy."

Nếu sức mạnh thay đổi thế giới tiềm tàng của AI có thể đạt được với chi phí giảm đáng kể, điều đó sẽ mở ra những cơ hội và cả những mối đe dọa mới.

"Nước cờ” sai lầm của Mỹ trong cuộc chiến AI?

Mỹ từng tin rằng họ có thể "trừng phạt" để duy trì vị thế thống trị trong một công nghệ quan trọng mà họ cho là sẽ củng cố an ninh quốc gia. Chỉ một tuần trước khi rời nhiệm sở, cựu Tổng thống Joe Biden đã tăng cường các hạn chế xuất khẩu chip máy tính AI để ngăn chặn các đối thủ như Trung Quốc tiếp cận công nghệ tiên tiến.

Nhưng DeepSeek đã đặt ra câu hỏi về quan điểm đó và đe dọa hào quang bất khả chiến bại của ngành công nghệ Mỹ. Mỹ có thể đã mua được thời gian bằng các hạn chế xuất khẩu chip, nhưng vị thế dẫn đầu về AI của họ vừa bị thu hẹp đáng kể, bất chấp những hành động đó.

DeepSeek có thể chứng minh rằng việc "khóa van" tiếp cận một công nghệ quan trọng không nhất thiết đảm bảo Mỹ sẽ chiến thắng. Đây là một thông điệp quan trọng đối ông Donald Trump khi ông theo đuổi chính sách "Nước Mỹ trên hết" mang tính cô lập của mình.

Kẻ tí hon đến từ Trung Quốc làm rung chuyển đế chế AI của Mỹ- Ảnh 4.

Trung Quốc vẫn khẳng định sức mạnh AI dù đang chịu cấm vận. Ảnh: Global Finance

Liệu có quá sớm để DeepSeek hạ bệ Mỹ?

Ngành công nghiệp AI đang tin vào lời khẳng định của DeepSeek về chi phí thấp kỷ lục. Không ai thực sự nghi ngờ điều đó, nhưng sự hoảng loạn của thị trường lại phụ thuộc vào tính xác thực của một công ty tương đối vô danh. Đáng chú ý, DeepSeek đã không tiết lộ chi phí đào tạo mô hình, bỏ qua các chi phí nghiên cứu và phát triển tốn kém. 

Vẫn còn quá sớm để khẳng định liệu DeepSeek đã vượt qua vị thế dẫn đầu của Mỹ. Một thành tựu, dù có gây sốc đến đâu, cũng chưa đủ để so sánh với  hàng năm trời tiến bộ của Mỹ trong lĩnh vực AI. Và một sự chuyển dịch khách hàng ồ ạt sang một startup Trung Quốc là điều khó có thể xảy ra.

Keith Lerner, nhà phân tích tại Truist, nhận định: "Sự ra mắt của mô hình DeepSeek đang khiến các nhà đầu tư đặt câu hỏi về vị thế dẫn đầu của các công ty Mỹ, chi phí khổng lồ mà họ đang bỏ ra, và liệu chi tiêu đó có mang lại lợi nhuận hay không." Ông nói thêm: "Cuối cùng, quan điểm của chúng tôi là chi tiêu cần thiết cho dữ liệu và các yếu tố khác trong AI sẽ rất lớn, và các công ty Mỹ vẫn là những người đi đầu."

Kẻ tí hon đến từ Trung Quốc làm rung chuyển đế chế AI của Mỹ- Ảnh 7.

Các công ty AI lớn của Mỹ vẫn sẽ là những người đi đầu trong tương lai ngắn hạn. Ảnh: Reuters

Mặc dù của DeepSeek rất đáng khen ngợi nhưng mô hình R1 vẫn chỉ là đối thủ cạnh tranh của ChatGPT, một mô hình ngôn ngữ lớn tập trung vào người tiêu dùng. Nó chưa chứng minh được khả năng xử lý một số năng lực AI đầy tham vọng cho các ngành công nghiệp mà hiện tại vẫn đòi hỏi đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày