Singapore có ít nhân viên y tế bị nhiễm COVID-19
Các nhân viên y tế đứng trước nguy cơ cao bị nhiễm bệnh. Ở Tây Ban Nha, có hơn 5.400 nhân viên y tế đã nhiễm virus corona chủng mới (SARS-Cov-2), chiếm khoảng 14% tổng số ca nhiễm ở nước này, dẫn tới việc sẽ không có đủ bác sĩ để chăm sóc cho bệnh nhân.
Tại Ý, virus corona đã cướp đi sinh mạng của nhiều bác sĩ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải điều trị cho bệnh nhân trong tình trạng không có găng tay do số ca nhiễm và số người tử vong không ngừng tăng lên.
Tại Mỹ, quốc gia có số người nhiễm đang đứng đầu thế giới với hơn 142.000 ca nhiễm tính đến chiều tối ngày 29/3 (giờ miền Đông), các bệnh viện đều đã quá tải bệnh nhân. Các bác sĩ đã báo cáo tình trạng thiếu thiết bị y tế như máy thở, khẩu trang và đồ bảo hộ.
Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ vào ngày 7/3 cho biết nếu như tình hình không cải thiện, các nhân viên y tế có tiếp xúc với COVID-19 mà chưa có triệu chứng nhiễm bệnh, có thể sẽ phải tiếp tục đeo khẩu trang và đi làm.
Ở Malaysia, một phụ nữ mang thai giấu thông tin cha cô dương tính với SARS-Cov-2 sau khi sinh, khiến toàn bộ bệnh viện phải đóng cửa để khử trùng. Còn tại Philippines, 9 bác sĩ đã tử vong, và 2 trong số đó từng tiếp xúc một bệnh nhân nói dối về lịch sử đi lại của mình.
Các chuyên gia đánh giá thành tích này của Singapore không phải chỉ nhờ vào may mắn. Thống kê của Đại học John Hopkins (Hoa Kỳ) cho thấy, tính đến sáng ngày 30/3 (giờ địa phương), nước này ghi nhận 844 ca nhiễm COVID-19 và mới chỉ có 3 trường hợp tử vong.
Tất cả các bệnh nhân đều đang được điều trị tại bệnh viện, tuy nhiên chỉ có một số ít các nhân viên y tế nhiễm bệnh. Hơn nữa, kể cả đối với các trường hợp nhiễm bệnh là nhân viên y tế, hầu hết đã nhiễm ở bên ngoài cơ sở y tế - theo ông Vernon Lee, Giám đốc ban phòng chống các bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế.
(Ảnh: NEO XIAOBIN/Strait Times)
Các nhà lãnh đạo cho rằng việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm cũng như vật tư y tế giữa các quốc gia là vô cùng quan trọng trong thời điểm này. Các bác sĩ cũng khuyến khích các nước phương Tây học tập các phương pháp đối phó với bệnh dịch của châu Á.
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Leong Hoe Nam cho biết: dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) năm 2003 đã khiến các quốc gia châu Á có sự chuẩn bị kỹ hơn khi đối phó với đại dịch COVID-19 lần này, trong khi các nước phương Tây thì không. Điều này dẫn tới việc thiếu thốn các thiết bị bảo vệ y tế ở những quốc gia này khi số người nhiễm bệnh bất ngờ tăng vọt.
Mặc dù số ca nhiễm của Singapore vẫn tăng, nhưng hệ thống chăm sóc sức khỏe của họ được báo cáo là vẫn hoạt động bình thường. Các bác sĩ nói rằng điều này là do ngành y tế nước này đã có chuẩn bị ngay sau dịch SARS, bởi trong dịch bệnh này có đến 41% số người nhiễm ở Singapore là các nhân viên y tế.
Bài học của Singapore
Biện pháp mà ngành Y tế Singapore sử dụng ngay sau khi nước này có ca nhiễm COVID-19 đầu tiên đó là hoãn các kế hoạch nghỉ phép và yêu cầu hạn chế di chuyển đối với nhân viên y tế. Các bệnh viện nhanh chóng phân chia lực lượng lao động để đảm bảo vẫn có đủ nhân lực nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn và các nhân viên vẫn phải được nghỉ ngơi đầy đủ.
Tại một số bệnh viện, các bác sĩ được chia thành bốn đội, mỗi đội 21 người. Mỗi đội thay nhau làm việc trong 12 giờ và không tương tác với các đội khác. Nước này cũng có kế hoạch đảm bảo nhu cầu dự trữ các thiết bị y tế để tránh tình trạng thiếu hụt mà hiện nay một số các quốc gia khác đang gặp phải.
Giáo sư Chia Shi Lu, nghị sĩ Quốc hội công tác tại Bệnh viện tổng hợp Singapore, cho biết đội ngũ y bác sĩ được phân chia căn cứ theo nhiệm vụ.
"Chúng tôi cố gắng hết sức có thể để không tiếp xúc một chút nào với các nhóm khác. Chúng tôi sẽ chỉ chào nhau qua hành lang. Bữa ăn cũng như vậy. Tất cả nhà hàng tự phục vụ và những thứ khác đã được triển khai giãn cách xã hội," ông Chia nói với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).
Không phải nước nào cũng có được kế hoạch hành động như Singapore. Năm ngoái Chỉ số An sinh Sức khỏe Toàn cầu 2019 (GHS Index) cho thấy 70% trong 195 nước có điểm số nghèo nàn trong lĩnh vực thiết lập kế hoạch quốc gia nhằm ứng phó với dịch bệnh hay đại dịch. Cứ 10 quốc gia thì gần 3 nước không thể xác định được những lĩnh vực thiếu hụt đội ngũ y tế.
Tại đất nước 1.3 tỉ dân Ấn Độ, chỉ có khoảng 20.000 bác sĩ được đào tạo trong các lĩnh vực then chốt như chăm sóc bệnh nguy kịch, y học cấp cứu và chuyên khoa hô hấp.
Trong khi đó, Singapore đã phát hành bản Kế hoạch Chuẩn bị và ứng phó đại dịch cúm đầu tiên từ năm 2005 và liên tục cải tiến. Các bệnh viện thường xuyên có các kịch bản diễn tập cho những tình huống như chiến tranh, đại dịch, khủng bố,.. và sẽ được Bộ Y tế quan sát, đánh giá hiệu suất và đề xuất cải thiện.
Trong báo cáo sẵn sàng ứng phó đại dịch - phát hành năm 2008, chuyên viên y tế cộng đồng Singapore Jeffery Cutter khẳng định kho dự trữ y tế của nước này có đủ vật tư đáp ứng nhu cầu của toàn bộ đội ngũ y tế tuyến đầu trong 5-6 tháng.
Bảo đảm nguồn cung vật tư y tế cũng là sự trấn an đối với các nhân viên y tế Singapore. Jade Kua, mẹ của 6 đứa con và là nhân viên y tế trong chiến dịch đẩy lùi COVID-19, chia sẻ: "Tôi an toàn và gia đình tôi cũng an toàn."
Phó thủ tướng Singapore Heng Swee Keat (thứ hai từ trái) gặp gỡ nhân viên khu nghỉ dưỡng Shangri-La's Rasa Sentosa Resort and Spa. Khu nghỉ này là địa điểm đầu tiên phát hiện có người nhiễm COVID-19 ở Singapore (Ảnh: HENG SWEE KEAT/FACEBOOK)
Những điều không thể phòng chống
Mặc cho những điều tích cực trong công cuộc chống dịch tại Singapore, các nhân viên y tế đang phải đối mặt với một vấn đề khác: Phân biệt đối xử.
SCMP cho hay, trong khi ở Pháp, Ý và Anh, người dân cổ vũ nhân viên chăm sóc sức khỏe ngay tại cửa sổ của mình, thì không ít trường hợp nhân viên chăm sóc sức khỏe ở Singapore bị một số người coi là người mang mầm bệnh. Không ít các bác sĩ gặp khó khăn trong việc bắt taxi trở về nhà sau ca làm.
“Sự phân biệt đối xử ảnh hưởng lớn tới hiệu suất làm việc của các nhân viên y tế. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để đảm bảo an toàn cho các nhân viên y tế của mình,” giáo sư Jeremy Lim, từ Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock, Singapore, nói với SCMP.
Ông Lim cảnh báo, khi các nhân viên y tế bị lây nhiễm thì điều này tạo ra một mối đe dọa "nhân ba".
"Điều đó có nghĩa là thiếu đi một nhân viên chuyên nghiệp trong hệ thống vốn đã căng thẳng, có thêm một bệnh nhân phải chăm sóc, và tiềm ẩn rủi ro cả một nhóm đồng nghiệp cần phải cách ly," ông nói.
Nhân viên đánh dấu những ghế không được ngồi trong một trung tâm thực phẩm tại Singapore, nhằm bảo đảm thực thi giãn cách xã hội (Ảnh: Bloomberg )
Luật yêu cầu giữ khoảng cách cá nhân tại Singapore
Singapore hôm 26/3 vừa qua đã siết chặt thêm các quy định quản lý trong công cuộc chống dịch COVID-19. Hành động này bao gồm việc ban hành luật mới về việc giữ khoảng cách trong xã hội. Các nhà phân tích cho rằng đây là một hành động khó thực thi nhưng cần thiết trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-Cov-2.
Những cá nhân cố tình không giữ khoảng cách ít nhất 1m đối với những người xung quanh ở nơi công cộng sẽ bị coi là phạm luật. Trong những cập nhật của luật mới này, người vi phạm có thể bị phạt hành chính tới 10.000 đô Sing (tương đương 6.950 USD) hoặc bị phạt tù đến 6 tháng, hoặc cả hai hình thức trên.
Ông Chooi Jing Yen, làm việc tại công ty luật Eugene Thuraisingam LLP của Singapore cho biết, ông tin rằng chính quyền sẽ không có ý định cũng như không đủ nguồn lực để giám sát việc thực hiện luật này của tất cả người dân.
Tuy nhiên, quy định này thể hiện quan điểm rằng cuộc đấu tranh chống lại COVID-19 là nỗ lực của toàn xã hội. Việc đưa ra các biện pháp xử phạt là để bình thường hóa việc người dân có ý thức giữ khoảng cách xã hội, nhằm tiến tới thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác.
Các luật mới liên quan đến các biện pháp giữ khoảng cách trong xã hội đã được Singapore công bố bao gồm lệnh cấm tụ tập hơn 10 người với mục đích khác công việc và giáo dục; đóng cửa các quán bar, rạp chiếu phim và các địa điểm giải trí khác cho đến cuối tháng Tư. Các trung tâm thương mại cũng phải đảm bảo khách hàng trong mỗi cơ sở không được tụ tập trong một nhóm 10 người và phải duy trì khoảng cách giữa các cá nhân.