Trước khi rời nơi này để tiếp tục chặng hành trình tại đảo Lý Sơn, Jun Phạm đã viết đôi dòng, không phải kể lại, mà để giữ lại những mảnh ghép ký ức tưởng chừng nhỏ bé nhưng không gì có thể thay thế.
Câu chuyện bắt đầu từ một điều tưởng chừng rất đỗi bình thường trong cuộc sống: một con tôm. Khi anh Hà - người chủ nhà chân chất - nhìn con tôm với ánh mắt đầy ngạc nhiên, Jun đã chững lại: 'Mình từng nghĩ, có lẽ cuộc sống nơi đây còn nhiều thiếu thốn. Nhưng sau vài ngày, tôi nhận ra: những gì ta tưởng là thiệt thòi, đôi khi lại chính là sự đủ đầy'.
Chia sẻ mới nhất của Jun Phạm trên trang cá nhân (Ảnh: FB Phạm Duy Thuận)
Đủ đầy ở đây không phải là vật chất, mà là nếp sống bình dị, là cách mọi người dành cho nhau những điều tử tế nhất, là ánh mắt dịu dàng của chị Thông khi gắp thức ăn vào bát cho khách, là nụ cười của anh Hà dù trời vừa mưa suốt đêm nhưng buổi sáng vẫn phải ra đồng làm việc. Là cái cách mà một gia đình vùng cao đối đãi với khách lạ như chính người thân trong nhà - và người thành phố bỗng thấy bản thân chợt bé nhỏ trước sự bao dung và thấu hiểu ấy.
'Gia đình anh chị có thể lần đầu thấy con tôm, lần đầu học CapCut, lần đầu ăn món mì Ý 'Ita-Liền' - nhưng chúng ta lại có hàng trăm điều chẳng biết là gì... Xã hội hiện đại, công nghệ phát triển khiến chúng ta dường như trở nên hấp dẫn trong mắt người dân vùng cao. Nhưng thật ra, chính chúng ta mới là những người thiếu thốn nhiều nhất. Có lẽ vì vậy mà cuộc sống anh Hà và chị Thông lại trở nên hấp dẫn trong mắt chúng ta đến thế', Jun Phạm tâm sự.
Bạn biết về đàn guitar nhưng bạn đã hiểu gì về cây đàn tính chưa? (Ảnh: Showbeat/FB Phạm Duy Thuận)
Cũng trong căn bếp gỗ mộc mạc, nơi 'Jun chưa từng nhìn thấy con heo đen, chưa biết cây thuốc rừng trông ra sao, chưa từng hiểu quy trình gieo cấy một hạt lúa, cũng chưa từng nghĩ rằng một bé trâu lại có thể khôn ngoan và tình cảm đến vậy. Ngay cả Thiện 'biết tuốt' cũng bối rối khi không biết nên hái lá nào để cuốn thịt. Tâm thì lần đầu hiểu ra: làm nông vất vả đến nhường nào. Khánh tưởng cái chõ đồ xôi là ngôn ngữ của đồng bào thiểu số. Và ngay cả Nam, dù xuất thân từ con nhà nông, cũng hoang mang trước vô vàn điều mới lạ'.
Trư Bát Giới... ăn từ từ thôi... có ai giành đâu - Clip: Gia đình Haha
Một cái chõ đồ xôi, một nắm lá rừng, một con trâu ngoan… có thể với nhiều người thành phố chỉ là những hình ảnh thoáng qua trong sách vở hay trên phim ảnh. Nhưng với người dân vùng cao, đó chính là cuộc sống. Mỗi vật dụng, mỗi thói quen, mỗi phong tục đều được hình thành qua hàng trăm năm tích lũy - như mạch nước ngầm thấm sâu trong đất, không ồn ào nhưng kiên trì nuôi dưỡng cả một cộng đồng.
Bạn biết con ngài nhưng bạn có bao giờ thấy con ngài nào to thế chưa? (Ảnh: FB Phạm Duy Thuận)
Điều đáng nói là: ta không biết về những điều ấy không phải vì nó nhỏ bé hay không quan trọng, mà vì ta chưa từng sống đủ gần, chưa từng cúi thấp người, mở to đôi mắt và rộng lòng để học hỏi. Văn hóa, tri thức bản địa không tự khoe mình. Nó không gắn biển chỉ dẫn, không có mã QR để tra cứu, và cũng chẳng được trình bày đẹp đẽ, sắp xếp trên kệ cao sang. Nó ẩn mình trong tiếng gà gáy sớm, tiếng lùa vịt ra đồng, tiếng dắt trâu lùa ngựa về chuồng, trong cách người mẹ Tày gói cơm lam cho con mang lên rẫy, trong ánh mắt đầy kinh nghiệm của người cha khi chọn lá thuốc giữa rừng sâu...
(Ảnh: FB Phạm Duy Thuận)
Ở Bản Liền, ta học lại từ đầu. Không chỉ học cách bắc nồi đồ xôi, canh củi sao cho lửa cháy đều, hay chọn lá nào để nấu canh, lá nào để cuốn... mà là học cách quan sát - bằng tất cả sự tôn trọng. Học cách lắng nghe - không phải để trả lời, mà để hiểu. Và quan trọng nhất, học cách thừa nhận rằng: mình đã từng nghĩ rằng mình biết, nhưng thật ra, mình chưa biết gì cả.
Ảnh: Gia đình Haha
Đôi khi, tri thức thực sự không nằm trong phòng họp hay trên giảng đường, mà nằm trong đôi bàn tay chai sạn của một người phụ nữ. Nơi đây không nhiều tiện nghi, nhưng lại thừa thãi điều mà cả thế giới dường như đang thiếu - đó là sự gắn bó, là niềm tin vào nhau, là cách người ta sống vì nhau chứ không chỉ sống cùng nhau. Bởi vì tình cảm - giống như văn hóa - không cần giải thích, mà cần được cảm nhận.
Jun viết: 'Ngôn ngữ - dù là tiếng Anh, tiếng Hàn hay tiếng Hoa - rốt cuộc cũng chỉ là công cụ để hiểu nhau. Nhưng khi đến một nơi mà người ta nói bằng ngôn ngữ địa phương, bằng ánh mắt chân thành, bằng hành động giản dị, ta mới nhận ra: mọi thứ mình từng biết, bỗng trở nên ngô nghê đến xa lạ'.
Giữa Bản Liền, không có ranh giới giữa người nổi tiếng và người nông dân. Dàn cast - những nghệ sĩ thành phố - trở thành học trò nhỏ bé của vùng đất này. Họ học cách cày ruộng, nấu cơm bếp củi, vào rừng đào măng,… Và qua từng trải nghiệm, họ không chỉ được học cách sinh tồn, mà còn học cách sống chậm, sống thật và sống trọn vẹn.
Post 'Cảm ơn chị vì một bữa ăn vội vã mà trọn nghĩa tình...' của Jun Phạm đạt hơn 95k like (Ảnh: FB Phạm Duy Thuận)
Thông qua 4 tập chính và nhiều tập phụ, khán giả đã có dịp nhìn thấy một Bản Liền thật hùng vĩ với cảnh sắc thiên nhiên, nhưng cũng đầy trữ tình và xúc động bởi lòng người ấm áp, chân thành. 'Ngoài sáu anh chị em chúng tôi, Jun tin chắc rằng tình cảm của khán giả dành cho gia đình anh Hà - chị Thông nói riêng, và cho cuộc sống của đồng bào vùng cao nói chung, cũng đã nảy nở như một mầm xanh, âm thầm nhưng bền bỉ'.
Khán giả xem chương trình, không phải để cười cho vui, mà là để được chạm vào những xúc cảm chân thật nhất của con người - những điều mà đôi khi ta lãng quên giữa nhịp sống gấp gáp. Jun kể điều này 'không phải để khen ai hiểu biết hay chê ai thiếu hiểu biết, mà chỉ để nhắc nhau một điều giản dị: thế giới này rộng lớn. Mỗi vùng đất đều có linh hồn, có đặc sản văn hóa, ngôn ngữ và cảm xúc riêng. Hãy luôn giữ cho trái tim mình thơ ngây và rộng mở - như một cánh đồng không bờ - để đón lấy những ngọn gió mới, những kiến thức mới, và những điều tử tế đang lặng lẽ chờ ta nhận ra'.
Bản Liền - nơi bắt đầu là một điểm dừng, nhưng kết thúc bằng muôn vàn xúc cảm khó quên (Ảnh: Gia đình Haha)
Và có lẽ, đó cũng chính là điều đẹp đẽ nhất mà 'Gia đình Haha' mang lại: không cần làm điều gì quá lớn lao, chỉ cần được sống thật với chính mình - dù chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi, nhưng dư âm sẽ đọng mãi trong tim. 'Những tiếng cười đã vang lên và sẽ còn mãi vẹn nguyên trong ký ức. Những giọt nước mắt đã rơi, chẳng phải vì đau buồn, mà vì hạnh phúc khi ta được học hỏi, được mở mang, được sống lại cảm giác ngây thơ của lần đầu chạm vào điều gì đó rất thật' - Jun chia sẻ.
Và khi ký ức về Bản Liền vừa khép lại, hành trình mới nơi đảo Lý Sơn được hé mở với thanh âm của sóng, vị mặn của nước và vẻ đẹp bao la của biển trời. Mỗi vùng đất mang đến một sắc màu văn hóa riêng biệt, mỗi chuyến đi lại thêm những kỷ niệm khó quên. Mong rằng 'Gia đình Haha' sẽ đến nhiều nơi hơn nữa, để khán giả được cùng trải nghiệm, thưởng ngoạn cảnh đẹp, để sống, để thấm và thêm yêu từng mảnh ghép thân thương trên dải đất hình chữ S này!