Như vậy, sau hai thập kỉ tồn tại và thống trị cả một kỉ nguyên nhạc số, gắn liền với kỉ niệm của nhiều thế hệ, thì iTunes đã chính thức bị "khai tử" và sát nhập vào Apple Music. Đây không chỉ là sự biến mất của một nền tảng mua nhạc trực tuyến, mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến thị trường âm nhạc toàn cầu. Các BXH Billboard sẽ có sự xáo trộn, nhiều nghệ sĩ trẻ sẽ được hưởng lợi trong khi lứa nghệ sĩ thành công trong kỉ nguyên iTunes sẽ dần dà thất thế, bắt buộc phải tìm con đường khác để có thể tồn tại.
iTunes chính thức bị khai tử vào ngày hôm nay.
Cụ thể, iTunes không bị khai tử hoàn toàn nhưng nó sẽ bị sát nhập vào Apple Music, Apple Postcad và Apple TV. Người nghe nhạc vẫn có thể mua nhạc số trực tiếp trên ứng dụng Apple Music thay vì mua trên iTunes và sau đó phát trên Apple Music như trước đây.
Nghe thì có vẻ lí tưởng, nhưng đó thực ra là lời tuyên bố "kết liễu" chức năng của iTunes khi bắt một nền tảng mua nhạc trực tuyến phải chung đụng với một nền tảng streaming nhạc. Rõ ràng, tâm lí của đại đa số khán giả khi đã bỏ một số tiền để sử dụng dịch vụ streaming của Apple Music sẽ không lí gì lại chịu bỏ ra thêm một số tiền để mua nhạc về máy. Dần dà, digital sales sẽ dần bị "bóp nghẹt" bởi streaming và chỉ còn là những con số tượng trưng, không đáng kể khi so vào doanh thu của nghệ sĩ. Đó là một viễn cảnh đen tối cho rất nhiều nghệ sĩ.
Đứng trước sự giải thể và sụp đổ không thể cứu vãn của kỉ nguyên nhạc số, người bị ảnh hưởng đầu tiên chắc chắn sẽ là những nghệ sĩ thành công nhờ nhạc số: Taylor Swift, Lady Gaga, Rihanna, Katy Perry... Vị thế trên BXH Billboard của họ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi một trong những trụ cột tạo nên thứ hạng của họ đã mất đi. Chắc chắn những nghệ sĩ trên đã suy tính về đường đi nước bước cho những ngày tiếp theo - tuy nhiên, tin chắc một điều, trở lại đỉnh cao danh vọng là một điều không hề dễ dàng lúc này.
Ngay cả "khủng long" Taylor Swift cũng đang phải chật vật trong kỉ nguyên âm nhạc mới.
"Nữ hoàng" Beyonce thực chất những năm gần đây đã không còn ca khúc nào vươn đến vị trí Quán quân Billboard, Lady Gaga thắng lớn với "Shallow" nhờ digital sales đến 70-80% sẽ vô cùng khó khăn khi mất đi nền tảng trên, Taylor Swift chật vật mãi trong lần trở lại này và vừa trượt khỏi top 10 trong Billboard Hot 100 tuần này, Katy Perry mới nhen nhóm một chút hi vọng với "Never Really Over", Rihanna và một album hứa hẹn hơn 1 năm vẫn chưa thấy đâu. Có chăng, mọi hi vọng giờ đặt lên đôi vai Adele, nghệ sĩ tiêu thụ physical sales thành công nhất của thế hệ này.
Liệu "Shallow" của Lady Gaga và Bradley Cooper có là ca khúc khép lại kỉ nguyên nghệ sĩ thành công nhờ digital sales?
Thế hệ nghệ sĩ mới, thành công nhờ streaming chắc chắn sẽ như "hổ mọc thêm cánh". Ariana Grande, Halsey, Billie Eilish,... chắc chắn sẽ càng đẩy mạnh mảng streaming. Tác động khổng lồ của nền tảng streaming không ở đâu xa, mà ta có thể thấy ngay ở trường hợp "Old Town Road", ca khúc đang "làm mưa làm gió" khắp nước Mỹ, và là quán quân Billboard Hot 100 trong tuần lễ liên tiếp vẫn chưa có dấu hiệu ngơi nghỉ.
Có thể nói, chính lượng streaming khổng lồ, phá vỡ kỉ lục mọi thời đại của ca khúc, đã quyết định 90% sự thành công của màn hợp tác giữa Lil Nas và Billy Ray Cyrus. Với sức hút từ ca khúc vẫn chưa có dấu hiệu nguôi ngoai, "Old Town Road" đang hướng đến danh hiệu ca khúc đứng đầu Billboard Hot 100 lâu nhất trong lịch sử, phá vỡ kỉ lục trước đó của "We Belong Together" - Mariah Carey.
MV "Old Town Road" - Lil Nas X ft. Billy Ray Cyrus đang ở thế "bất khả chiến bại" trên các BXH.
Dù muốn hay không, chúng ta cũng phải thừa nhận, đây chính là thời đại của streaming. Cách đây 20-30 năm, khi mạng Internet chưa bùng nổ, khán giả sẽ mua những bản đĩa vật lý để về nghe trực tiếp. 20 năm đổ lại, khi Internet phát triển mạnh mẽ, digital sales theo đó cũng có sự phát triển theo. Và hiện tại, khi Internet thống trị, streaming dĩ nhiên theo đó cũng chiếm địa vị độc tôn. Đó là quy luật phát triển tất yếu của làng nhạc mà không ai có thể đi ngược lại.
Cách đây gần hai thập kỉ, khi iTunes lần đầu được giới thiệu đến với công chúng, thế hệ 8x - 9x đời đầu khi ấy vẫn quen với việc mua những chiếc đĩa truyền thống (physical sales) và đinh ninh không gì có thể thay thế thói quen tiêu dùng đó. Nhưng họ đã lầm, iTunes đã mở ra một thời kì digital sales "giết chết" physical sales, làm thay đổi hoàn toàn cán cân của thị trường âm nhạc, khiến cho Billboard của thời điểm đó phải quy định lại cách tính điểm để phù hợp với tình thế.
18 năm sau, chúng ta, những người trưởng thành cùng kỉ nguyên digital sales chiếm lĩnh ngành âm nhạc, chắc chắn cũng không ngờ có một ngày, nền tảng streaming sẽ "khai tử" digital sales nhanh đến như vậy. Ngẫm nghĩ lại, âu đó cũng chỉ là một vòng lặp của lịch sử mà thôi. Tạm biệt iTunes, tạm biệt cả một kỉ nguyên của âm nhạc!