Trong tổng số 888 ca nhiễm Covid-19 của Italy, đã có 21 người tử vong và 46 người hồi phục, Reuters dẫn nguồn một quan chức bảo vệ công dân của nước này cho biết.
Phần lớn bệnh nhân qua đời là người cao tuổi và có bệnh lý nền. Cơ quan y tế Italy cho biết một số y bác sĩ cũng nhiễm Covid-19, ngoài ra đang thiếu một số trang thiết bị y tế, có thể gây ảnh hưởng đến việc điều trị các ca bệnh nặng. Giáo sư Massimo Galli - trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Sacco ở Milan - nói rằng một số cơ sở y tế đã đối mặt với áp lực quá tải rồi.
(Ảnh: Reuters)
Tâm dịch của Italy nằm ở vùng Lombardy với 531 ca nhiễm virus, bao gồm 17 người đã qua đời và 85 bệnh nhân đang được chăm sóc đặc biệt. 10 thị trấn của vùng này sẽ tiếp tục cách ly thêm một tuần. "Nếu dịch tiếp tục lan rộng thì sẽ gây ra khủng hoảng ở các bệnh viện, không chỉ ảnh hưởng tới người nhiễm virus mà là tất cả bệnh nhân nói chung" - thư ký y tế Giulio Gallera của vùng cho biết.
"Bạn luôn nghe thấy tiếng xe cứu thương, có lẽ họ không toàn là bệnh nhân Covid-19 nhưng điều đó thật đáng lo ngại" - Davide Benelli, một cư dân của thị trấn Casalpusterlengo thuộc vùng Lombardy với hơn 15.000 dân bị phong tỏa, chia sẻ.
Italy tiếp tục là ổ dịch lớn nhất châu Âu và thứ 3 trên thế giới sau Trung Quốc đại lục và Hàn Quốc. Một số quốc gia như Hy Lạp, Tây Ban Nha, Anh, Croatia, Áo, Đan Mạch, Đức, Pháp, Hà Lan đã ghi nhận các ca nhiễm mới trong những ngày qua với hầu hết các bệnh nhân trở về từ Italy.
Bên cạnh đó, các nước khác ở châu Âu chứng kiến dịch Covid-19 lan nhanh là Đức (60 ca nhiễm), Pháp (57 ca nhiễm, 2 người tử vong), Đức (53 ca), Tây Ban Nha (32 ca), Anh (20 ca) và Thụy Sĩ (15 ca).
Hôm 27/2, trong cuộc gặp với Thủ tướng Italy Giuseppe Conte, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định cần có sự hợp tác đầy đủ ở cấp độ châu lục và quốc tế mới có thể đẩy lùi được dịch Covid-19.
(Theo Reuters, CNN)