Italy vừa thông qua luật mới buộc trẻ em phải tiêm chủng khi đến trường, thậm chí, nhà trường có thể từ chối không nhận trẻ dưới 6 tuổi nếu không có giấy chứng nhận đã tiêm phòng đầy đủ.
Luật Lorenzin được đặt theo tên của người đề xuất - cựu Bộ trưởng Y tế Italy, vừa được thông qua sau nhiều tháng tranh cãi về vấn đề tiêm chủng bắt buộc trong bối cảnh số ca mắc sởi tăng vọt tại Italy và nhiều nước châu Âu khác.
Italy ban hành luật “không vaccine-không đến trường”. Ảnh: Getty
Theo luật Lorenzin, trẻ em phải được tiêm chủng bắt buộc vaccine thủy đậu, bại liệt, sởi, quai bị và rubella trước khi đến trường.
Các nhà nhà trẻ và trường mẫu giáo có thể từ chối nhận những trẻ dưới 6 tuổi không có chứng nhận tiêm chủng đầy đủ theo luật mới.
Những trường hợp từ 6-16 tuổi vẫn được đến trường, nhưng các bậc phụ huynh phải chịu một khoản tiền phạt nếu không cho con em mình tham gia chương trình tiêm chủng bắt buộc.
Ngày 10/3/2019 là hạn chót để các bậc phụ huynh tại Italy đưa con em đi tiêm vaccine và lấy chứng nhận, tuy nhiên do thời hạn này rơi vào cuối tuần nên nhà chức trách đã gia hạn thêm một ngày tới thứ Hai vừa qua.
“Mọi người đều có đủ thời gian để thực hiện chương trình tiêm chủng bắt buộc”, Bộ trưởng Y tế Italy Giulia Grillo khẳng định.
Bà Grillo cho biết, luật tiêm chủng mới của Italy rất đơn giản: “Không vaccine, không đến trường”.
Luật Lorenzin được thông qua nhằm thúc đẩy tỷ lệ tiêm chủng bị giảm mạnh tại Italy, từ dưới 80% lên mục tiêu 95% của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Vào thứ Hai - ngày cuối cùng để các bậc phụ huynh cung cấp tài liệu chứng minh con em mình đã được tiêm phòng đúng cách - cơ quan y tế Italy công bố thống kê mới cho thấy, tỷ lệ tiêm chủng quốc gia đã đạt gần 95% cho trẻ sinh năm 2015.
95% là mức độ bao phủ vaccine và là ngưỡng tiêu chuẩn của WHO về “miễn dịch cộng đồng”. Theo đó, việc đảm bảo số lượng người dân tiêm vaccine sẽ giúp hạn chế nguy cơ lây lan bệnh dịch, đặc biệt bảo vệ được những trường hợp dễ bị tổn thương và không thể tiêm vaccine.
Những trường hợp đặc biệt này bao gồm trẻ còn quá nhỏ để tiêm vaccine hay những trẻ mắc bệnh không thể tiêm vaccine và trẻ có hệ thống miễn dịch đang bị tổn thương.
Năm 2017, Roma, Italy đã chứng kiến một cuộc biểu tình chống lại tiêm chủng bắt buộc khi luật Lorenzin được soạn thảo và công bố bởi chính phủ tiền nhiệm tại Italy.
Trong một bài đăng trên Facebook hôm thứ Hai, Bộ trưởng Y tế Grillo thừa nhận: “Chúng tôi đã bị chỉ trích vì một số lý do”. Theo bà Grillo, luật đã được điều chỉnh để bao gồm những mũi tiêm cần thiết dựa trên các cơ sở khoa học.
Chính phủ đương nhiệm tại Italy khi lên nắm quyền nói rằng sẽ bỏ các biện pháp tiêm chủng bắt buộc, song họ phải rút lại tuyên bố này. Liên minh cầm quyền Italy phải đối mặt với những cáo buộc đang theo đuổi các chính sách “chống vaccine”./.
Theo BBC