Đầu tiên, hãy cùng nhớ lại lý do vì sao chúng ta vẫn hay trông ngóng những sự kiện của Apple? Đó là nơi chúng ta sẽ nhìn thấy Steve Jobs, hay hiện tại là Tim Cook sải bước chân sân khấu với sự hồi hộp trong tim và sự thắc mắc trong tâm trí về những sản phẩm đỉnh cao sắp được hé lộ.
Ắt hẳn các iFan vẫn còn nhớ cái cảm giác vỡ oà trong hạnh phúc mỗi khi cụm từ: "One More Thing…" vang lên, đó là một cảm giác "sởn cả gai ốc" mà mỗi chúng ta đều mong đợi.
Đã có rất nhiều nhận định được đưa ra về Apple dưới triều đại của Tim Cook, đó là một "Táo Khuyết" thực dụng hơn rất nhiều so với thời khi cố CEO Steve Jobs còn đương nhiệm. Chúng ta đã từng có một Apple dám nghĩ điên, làm chất, bất kể xu hướng thị trường. Là kẻ dám mở ra một lối đi mới để cả thế giới công nghệ phải lấy đó để noi theo.
Ai là người đã tạo ra một chiếc smartphone với màn hình cảm ứng điện dung và tuyên bố toàn bộ những cây bút cảm ứng là thừa thãi? Ai là người gia công một chiếc điện thoại từ khung nhôm và hai mặt kính và biến nó thành một xu hướng? Ai là người không phải đầu tiên mang cảm biến vân tay lên các thiết bị di động, nhưng là kẻ đã khiến nó trở thành một trang bị tiêu chuẩn trong một khoảng thời gian dài? Nếu bạn không nhớ, thì câu trả lời, chính là Apple.
"Ai cần một cây bút cảm ứng chứ?"
Tuy nhiên, đó là Apple của những năm đầu của thập niên 2010. Trong những năm trở lại đây, với sự ra đi đầy đau buồn của "Super Steve", chúng ta thấy cái chất "điên" bên trong sản phẩm của Apple đã dần phai nhạt. Rồi "cây bút thần kỳ" Jony Ive cũng từ chức và tìm cho mình chân trời mới.
Tất cả những mất mát đó, để lại cho chúng ta, những iFan lâu năm một sự trống trải, trống trải vì thiếu đi những "One More Thing" bùng nổ mỗi sự kiện, vì thiếu đi những thiết kế nhìn thì "xấu đau xấu đớn", nhưng khi mắt thấy, tay chạm thì lại phải "há hốc mồm"!
Bạn có biết, thiết kế của tất cả những mẫu Apple Watch từ trước đến nay đều là tác phẩm của Jony Ive
Apple bây giờ, đã nhàm chán đi rất nhiều và minh chứng cho luận điểm này, chính là những chiếc iPhone 13 vừa ra mắt.
Về mặt thiết kế, hình như chúng ta cũng đã bàn bạc với nhau từ năm 2020 khi iPhone 12 Series mới ra mắt rồi. Ngoại hình của 2 thế hệ gần nhất "KHÔNG PHẢI THIẾT KẾ MỚI", đây là những gì mà Apple đã từng tạo ra từ năm 2010 với mẫu iPhone 4. Vẫn là một khung kim loại được vát vuông vức, vẫn là 2 mặt kính được ốp vào, đâu là điểm khác biệt? iPhone 4 có đường "diamond cut" ư? Hay là 2 tuỳ chọn cao cấp là Pro và Pro Max thì được gia công bằng thép không gỉ thay vì nhôm như trước đây?
Thiết kế của iPhone 12 và 13 Series vốn đã xuất hiện từ rất, rất lâu rồi (Ảnh: LifeWire)
Thành thật đi, đừng tự biến mình trở thành một "con cừu" cho Tim Cook dắt mũi nữa. Dù cho văn vở thế nào đi chăng nữa, tận sâu trong thâm tâm, chúng ta đều biết đây chỉ là một thiết kế cũ và được xào nấu lại, để hợp thời hơn mà thôi!
Quay sang các đối thủ của Apple, chúng ta có gì? Đó là những thiết kế được làm mới qua từng năm, vì bởi lẽ, nếu không cho ra được một thiết kế hoàn toàn mới và bắt mắt hơn các đối thủ, sản phẩm của những hãng Android sẽ ngay lập tức chìm nghỉm vào trong vô vàn lựa chọn từ hàng tá các thương hiệu khác nhau, phải chăng sự độc quyền đang làm cho Apple ngày càng lười biếng?
Phía bên kia chiến tuyến, Samsung đã tiến rất xa!
Đấy là còn chưa kể đến bộ đôi Z Fold3 và Z Flip3 vừa được Samsung ra mắt trước đó ít ngày. Thật sự khập khiễng nếu đem iPhone 13 Series so sánh với bộ đôi flagship mới đến từ nhà sản xuất Hàn Quốc, vì tính về mặt sáng tạo trong thiết kế làm gì có cửa?
Trên thực tế, Apple là một hãng rất chăm chút cho trải nghiệm người dùng. Đó là lý do vì sao họ luôn đi sau những hãng sản xuất Android trong việc trang bị tính năng mới lên các sản phẩm của mình. Tuy nhiên, một khi Apple đã đưa một trang bị nào đó lên iPhone hoặc các thiết bị khác của hãng, thì đây chắc chắn là đỉnh cao của trải nghiệm người dùng.
Biết là như vậy, nhưng tốc độ cập nhật công nghệ mới của Apple, đặc biệt là đối với các thiết bị iPhone có vẻ như đang trở nên chậm dần đều qua từng năm. Chúng ta đã có iPhone 12 Series với những nâng cấp về hiệu năng, độ bền và đặc biệt là cụm camera. Ở nhu cầu của một người dùng phổ thông, sẽ không ai lôi một chiếc iPhone 12 Pro Max ra để chụp ảnh ProRAW cho dễ chỉnh sửa đâu, vì ảnh ở chế độ tự động nó đã rất đẹp rồi.
Cụm camera trên iPhone 12 Pro Max đã vô cùng chất lượng rồi
Rồi đi kèm với những nâng cấp này là gì? Máy cực kỳ nóng nếu chơi game nặng hoặc sử dụng ở những nơi có nhiệt độ không tối ưu. Hậu quả là độ sáng màn hình giảm đột ngột (theo Apple thì cách này sẽ giúp tản nhiệt nhanh hơn), máy giật lag nghiêm trọng và người dùng thì cũng lại phải ngồi đợi đến khi thiết bị "nguội bớt" rồi mới có thể tiếp tục sử dụng.
Chúng mình đã nhắc đến chuyện thời lượng pin chỉ ở mức trung bình chưa ấy nhỉ?
Sang đến iPhone 13, lại là hiệu năng, lại là camera, à có cái mới, màn hình 120Hz nhưng chỉ xuất hiện trên bộ đôi Pro và Pro Max. Trong khi đó, các smartphone Android cận cao cấp, thậm chí là tầm trung đều đã có màn hình 120Hz rồi.
Thay vì tập trung "hô biến" tai thỏ đi khỏi phần màn hình, Apple tại tập trung nâng cấp camera, như đã nói ở trên, vốn đã có chất lượng quá dư thừa đối với nhu cầu sử dụng của một người dùng phổ thông rồi.
Tai thỏ dù đã được thu nhỏ nhưng vẫn "nằm chình ình" trên màn hình
Kế đến là bộ xử lý Apple A15 Bionic với 15 tỷ bóng bán dẫn? Không rõ Apple có trang bị thêm bất kỳ biện pháp tản nhiệt nào khác cho iPhone 13 hay không, vì nếu không, hiện tượng quá nhiệt kể trên khả năng cao sẽ lại tiếp tục xuất hiện trên thế hệ mới này.
Chip A15 thì mạnh đấy, rồi sao nữa?
Nếu để liệt kê ra những trang bị mà người dùng có thể mong mỏi trên dòng iPhone của năm nay, thì khó có thể kể ra đầy đủ. Tuy nhiên, Apple đã có thể trang bị cho những sản phẩm của mình một cảm biến vân tay dưới màn hình hoặc "nhanh trí" hơn thì là tích hợp vào phím nguồn như trên iPad Air 2020 và iPad mini 6, vì thú thực là không có ai thực sự thoải mái khi sử dụng Face ID cả.
Hoặc tích hợp luôn màn hình Always-on Display lên bộ tứ iPhone mới, với màn hình OLED hiện đại trên iPhone 13, vẫn không rõ vì sao Apple vẫn chưa chịu đem tính năng này lên các thiết bị của mình.
Một điểm nữa đã có thể được Apple cải thiện đó là công suất sạc. Theo "Táo Khuyết", iPhone 13 Series sẽ được trang bị công suất sạc 25W, đó là một cải tiến. Tuy nhiên, trong sự kiện ra mắt Mi 11T được tổ chức sau "California Streaming" chỉ một ngày, Xiaomi đã công bố chuẩn sạc có dây cho công suất sạc lên đến 120W và khách hàng sẽ được tặng luôn cả củ sạc trong hộp của Mi 11T.
Điều gì đang xảy ra vậy Apple?
Nếu thật sự không quá am hiểu về công nghệ và chịu khó đọc thông số thì iPhone 13 là một sản phẩm "đỉnh của chán", bởi bộ tứ này chả có một thay đổi mang tính đột phá nào để tách mình ra khỏi những sản phẩm tiền nhiệm. Đấy là còn chưa nói đến các đối thủ.
iPhone 13 Series thực sự quá chán!
Trong khi Samsung đang dần hoàn thiện dòng sản phẩm màn hình gập của mình, Huawei thì càng tiến xa hơn về chất lượng hình ảnh và các nhà sản xuất Trung Quốc khác cũng bắt đầu tìm được lối đi riêng thì Apple có lẽ vẫn đang ngụp lặn trong chính cái bóng của mình.
Không rõ hãng này đang dự định dùng điểm gì trên 4 sản phẩm iPhone mới để thu hút khách hàng. Nếu câu trả lời là danh tiếng của "Táo Khuyết" thì Tim Cook à... ông phải tìm cách khác đi thôi.
Tim Cook à, năm sau phải bùng nổ hơn thôi!
Còn về phần các iFan, có lẽ các bạn vẫn sẽ háo hức từng ngày mong chờ những hình ảnh trên tay của dòng sản phẩm mới này, nhưng có lẽ chúng ta cần phải nghiêm khắc hơn nữa với Tim Cook và các đồng sự. Vì nếu vẫn cứ cho ra những sản phẩm như iPhone 13 và Apple Watch Series 7, thì cái biệt danh "quỷ hút máu" của hãng sản xuất này sớm muộn rồi cũng sẽ thành sự thật.