"I Can Speak": Ngỡ phim "trong nhà ngoài phố", không ngờ là một bài diễn văn chính trị xứ Hàn!

Phúc Du, Theo Trí Thức Trẻ 16:08 12/10/2017

Bộ phim "I Can Speak" của bà ngoại quốc dân Na Moon Hee đóng vai chính đang được khán giả Việt Nam chờ đón. Nhưng nếu bạn tưởng bộ phim chỉ là một câu chuyện đơn giản thì lầm to đấy.

Nhìn một bộ phim Hàn Quốc với tấm poster tone màu tươi sáng (hồng - vàng), hình ảnh một "bà ngoại quốc dân" ai cũng thích Na Moon Hee và trai đẹp Lee Je Hoon (phim Tomorrow With You) cộng với tên phim I Can Speak (tên tiếng Việt: Học tiếng Anh thật dễ), tự dưng ai cũng sẽ nghĩ đây là một bộ phim hài hước với những mẩu chuyện kiểu "trong nhà ngoài phố".

I Can Speak: Ngỡ phim trong nhà ngoài phố, không ngờ là một bài diễn văn chính trị xứ Hàn! - Ảnh 1.

Đúng thế thật, câu chuyện bắt đầu bằng cuộc thuyên chuyển công tác để lên chức của một nhân viên công vụ trẻ tuổi Park Min Jae (Lee Je Hoon). Tại văn phòng mới, Min Jae được mọi người trao cho "trọng trách cao cả" là tiếp đơn của bà Ok Boon (Na Moon Hee), một bà già tinh quái hay đi khắp nơi để báo cáo những hành vi thiếu ý thức của người dân cũng như khiếu nại với nhà nước quá nhiều khiến ai cũng thấy phiền.

Với một tinh thần cương trực, lạnh lùng và luôn làm theo quy trình, Min Jae dường như là người duy nhất "trị" được bà Ok Boon. Cho đến một ngày, bà Ok Boon vì phát hiện khả năng nói tiếng Anh như gió của Min Jae nên muốn cậu ta trở thành thầy giáo của mình. Nếu không đồng ý, mỗi ngày bà sẽ đem một đống đơn khiếu nại lên văn phòng cho cậu giải quyết.

I Can Speak: Ngỡ phim trong nhà ngoài phố, không ngờ là một bài diễn văn chính trị xứ Hàn! - Ảnh 2.

Cứ như thế, những tình huống vừa hài hước vừa mang đậm tính cuộc sống khiến bộ phim trở nên dễ chịu. Các vấn đề thời sự của cuộc sống thường ngày từ lấn chiếm vỉa hè, bán bia rượu cho trẻ vị thành niên, các kế hoạch giải tỏa, tình làng nghĩa xóm cho đến nỗi băn khoăn về tiếng nước ngoài của những người già lần lượt được khai thác trong bộ phim.

Gần như tất cả những vấn đề trên đều tồn tại trong mỗi xã hội Á. Thành thử không chỉ người Hàn Quốc mà cả khán giả Việt Nam cũng dễ tìm thấy sợi dây liên hệ với cuộc sống thường ngày.

I Can Speak: Ngỡ phim trong nhà ngoài phố, không ngờ là một bài diễn văn chính trị xứ Hàn! - Ảnh 3.

I Can Speak: Ngỡ phim trong nhà ngoài phố, không ngờ là một bài diễn văn chính trị xứ Hàn! - Ảnh 4.

Tưởng tượng bộ phim này mà được Việt hóa và người thủ vai ngoại già khó tính Ok Boon là nghệ sĩ Lê Thiện, còn anh chàng công vụ đẹp trai nhưng mặt khó đăm đăm kia là Nhan Phúc Vinh thì chắc chắn sẽ lại là một tác phẩm hốt bạc.

I Can Speak: Ngỡ phim trong nhà ngoài phố, không ngờ là một bài diễn văn chính trị xứ Hàn! - Ảnh 5.

Nghệ sĩ Lê Thiện từng được khán giả trẻ yêu mến trong nhiều bộ phim, diễn xuất của bà cũng đa dạng với nhiều sắc thái

Ấy nhưng mà đến khoảng hơn giữa phim, cái ý tưởng "remake" kia chắc chắn sẽ tắt ngúm khi đạo diễn bất ngờ "lái" bộ phim sang một thể loại mà khiến ai cũng phải sửng sốt. Từ một bà già khó khăn, không gia đình chồng con, bị mọi người trong khu phố e dè vì hay đi tố cáo những hành vi thiếu ý thức, bà Ok Boon trở thành một nhân vật quan trọng mang tính chính trị với đất nước Hàn Quốc.

Không còn sự ngạo mạn thường thấy, bà Ok Boon ở đoạn sau phim mang nhiều nét u sầu, bối rối hơn khi phải "thân chinh" sang tận nước Mỹ xa xôi để làm nhân chứng chiến tranh. Những chi tiết, nhân vật tưởng như hơi thừa ở đoạn đầu thể hiện sự quan trọng trong câu chuyện về sau.

I Can Speak: Ngỡ phim trong nhà ngoài phố, không ngờ là một bài diễn văn chính trị xứ Hàn! - Ảnh 6.

Tựa phim I Can Speak nghe rất đơn giản, bình thường hóa ra lại là một điểm cài rất có trọng lượng ở hồi thứ 3 của phim. Khi mà bà Ok Book không chỉ nói được tiếng Anh mà còn dám nói lên những sự thật kinh khủng bị làm ngơ suốt bấy lâu. Trong một thoáng diễn ra tại tòa án ở Mỹ, câu thoại "I Can Speak!" của diễn viên Na Moon Hee sẽ khiến khán giả nổi da gà.

Về diễn xuất, không còn gì phải băn khoăn bởi thực lực của Na Moon Hee được thể hiện vô cùng sắc nét trong phim này. Ngoài những nét diễn tếu táo có phần hung dữ thường thấy, Na Moon Hee cho thấy khả năng lão luyện khi phải hóa thân vào bất cứ nhân vật nào nhưng vẫn giữ được đặc trưng cá nhân, như thể mọi vai diễn bà đóng đều là viết riêng cho bà.

I Can Speak: Ngỡ phim trong nhà ngoài phố, không ngờ là một bài diễn văn chính trị xứ Hàn! - Ảnh 7.

Trai đẹp Lee Je Hoon tuy vẫn còn bị vai của Na Moon Hee lấn át nhưng cách thể hiện một nhân viên công chức điềm đạm, che giấu nhiều tâm sự và có một tấm lòng trắc ẩn của anh vẫn tròn trịa. Không chỉ đơn thuần là đối trọng cho sự ồn ào của Ok Boon, nhân vật Park Min Jae còn là yếu tố làm mềm mại câu chuyện và là nhân tố thúc đẩy sự cố gắng của Ok Boon trong thời khắc quyết định.

I Can Speak: Ngỡ phim trong nhà ngoài phố, không ngờ là một bài diễn văn chính trị xứ Hàn! - Ảnh 8.

Quay lại với nội dung, đây vẫn thứ có nhiều chuyện để nói nhất ở phim này. Không phủ nhận cách đạo diễn giấu những nội dung quan trọng về cuối, "set-up" cho khán giả một tâm trạng thoải mái ở phần đầu để giật mình ở đoạn sau là một ý tưởng hay ho. Cách tạo ra những tình huống xúc động, hay gây căm phẫn cũng được thực hiện tốt.

Tuy nhiên, buộc phải bàn đến vấn đề mang tính chính trị, dân tộc trong bộ phim này. Nó không chỉ được đề cập nghiêm túc mà còn hơi quá đà trong khuôn khổ một bộ phim hài - tâm lý bình thường. Ai cũng biết tội ác chiến tranh luôn là những thứ tang thương nhất của nhân loại, và những bộ phim nhắc đến chúng đều thường khắc họa kèm theo những mâu thuẫn về thời cuộc hoặc hậu quả nặng nề của chiến tranh, mục đích là để người ta sợ hãi bạo lực.

Còn ở I Can Speak, tin chắc dù khán giả hồi hộp dõi theo những buổi điều trần của Ok Boon trên đất Mỹ, cả tâm trạng ủng hộ bà. Nhưng vì nó đặt trong bối cảnh một bộ phim hài nhẹ nhàng ở phần đầu nên sẽ không tránh khỏi cảm giác bị "lừa" hơi quá đà, gây ra sự khó chịu. Thậm chí có thể còn khó chịu hơn cả cách mà người dân Hàn bài xích Nhật Bản trong bom tấn Battleship Island vừa qua.

I Can Speak: Ngỡ phim trong nhà ngoài phố, không ngờ là một bài diễn văn chính trị xứ Hàn! - Ảnh 9.

Bởi một câu chuyện đặt trong thời bình, dành cho những người xem ở thời bình, những người không kinh qua bom đạn hay những tội ác phi nhân tính thì nên được soi dưới góc nhìn của thời bình.

Tội ác chiến tranh kinh khủng đến mức sẽ hằn sẹo lên cuộc sống sau này của nạn nhân, nhưng khi nhắc lại nó trong một thời đại không còn mùi của hận thù dân tộc thì nên hạn chế những sự quá khích và gay gắt, đó mới là thứ mà hòa bình hướng đến.

Rất tiếc, sự nhân văn vốn có trong phim Hàn Quốc lại gần như bị cố tình bỏ đi trong I Can Speak. Người ta đọc được trong từng thước phim, từng câu thoại, từng tình huống đều toát lên một nỗi hận thù khó lòng vơi bỏ của người dân Hàn. Cả cách mà biên kịch kiểm soát cảm xúc của khán giả, những câu dẫn cuối phim đều với mục đích thể hiện một bài diễn văn nghiêm trọng mang tinh thần dân tộc to lớn được lồng trong một phim giải trí.

I Can Speak: Ngỡ phim trong nhà ngoài phố, không ngờ là một bài diễn văn chính trị xứ Hàn! - Ảnh 10.

Có thể với người dân Hàn, đây là tiếng nói mang tính văn hóa mà họ cần. Nhưng với những người nước khác, đơn cử như Việt Nam cũng là một nước từng trải qua chiến tranh, chưa chắc người ta sẽ cùng cảm thấy căm phẫn. Và đó cũng chính là cái gút khó gỡ nhất của bộ phim này, dù bản thân nó hay đến đâu thì khi bước ra rạp chưa chắc ai cũng cảm thấy sảng khoái hoặc ủng hộ tuyệt đối.