Hy hữu trong 30 năm, nhân viên nhà tang lễ phát hiện “người chết” đang thở

Minh Nguyệt, Theo Tổ Quốc 19:40 28/10/2021

Trong vòng 30 năm hành nghề, nhân viên nhà tang lễ mới ghi nhận trường hợp hy hữu “người chết” có nhịp thở và mạch đập.

Nhân viên cấp cứu đã đưa ra chẩn đoán nhầm, sau khi nhận thấy nạn nhân không còn thở, mạch ngừng đập, cơ thể tái nhợt và cứng lại.

UDN đưa tin, ban đầu lực lượng cứu hỏa Đài Loan đã tới căn hộ của ông Tung, người sinh sống ở huyện Tân Trúc, sau khi nhận được cuộc gọi báo ông này bị đột quỵ vào ngày 20/10.

Khi tới được hiện trường, nhân viên cấp cứu nhận thấy cơ thể ông Tung đã bị cứng lại, màu da tái nhợt, kèm theo không còn nhịp thở và mạch cũng ngừng đập. Do đó, họ nhận định bệnh nhân “coi như đã chết” và bàn giao thi thể cho phía cảnh sát.

Tuy nhiên, khi nhân viên nhà tang lễ tới làm việc vào đêm cùng ngày, họ bất ngờ phát hiện ông Tung đang thở và mạch vẫn đập. Họ nhanh chóng gọi xe cứu thương để đưa ông Tung tới bệnh viện. Nhân viên nhà tang lễ nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên trong vòng 30 năm hành nghề, họ gặp phải trường hợp hy hữu như vậy.

 Hy hữu trong 30 năm, nhân viên nhà tang lễ phát hiện người chết đang thở - Ảnh 1.

Dù đã được điều trị tại bệnh viện, nhưng ông Tung đã qua đời vào ngày 26/10, tức 6 ngày sau khi chết hụt. Gia đình ông Tung vô cùng buồn bã trước cái chết của người thân. Họ cho rằng nếu như nhân viên y tế của đội cứu hỏa không đưa ra đánh giá sai tại hiện trường dẫn tới việc cứu chữa bị trì hoãn, ông Tung sẽ sống sót.

Các thành viên trong đội cứu hỏa đã nhiều lần tới thăm gia đình ông Tung, kể từ khi ông từ cõi chết trở về và được đưa vào viện để điều trị. Nhân viên y tế đã đưa ra đánh giá sai tại hiện trường phát hiện ông Tung bị đột quỵ cũng đã sống trong cảnh mặc cảm và rơi vào trạng thái bị mất ngủ.

Đội cứu hỏa huyện Tân Trúc cho hay, họ không muốn làm nhân viên y tế phải chịu thêm tổn thương. Cơ quan này sẽ xem xét lại quy trình và khái niệm “coi như đã chết ở hiện trường” để tránh sự việc đáng tiếc như đã xảy ra với ông Tung.

Theo các quy định hiện hành, nhân viên cấp cứu không chịu trách nhiệm vận chuyển thi thể người đã chết. Tuyên bố nạn nhân “coi như đã chết tại hiện trường” được đưa ra dựa trên các dấu hiện ngưng tim ngoại viện (OHCA), cơ thể phân hủy, cơ thể căng cứng hoặc bị chặt đầu.