Hướng dẫn cách viết CV cho sinh viên thực tập

Quang Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 08:00 23/06/2020
Chia sẻ

Đối với các bạn sinh viên sắp tốt nghiệp, thực tập chính là cơ hội quý giá để học hỏi, làm quen với môi trường làm việc thực tế, thậm chí là tích lũy kinh nghiệm cho bản thân.

Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều công ty đưa ra những yêu cầu khắt khe khi tuyển chọn thực tập sinh, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn. Để được một công ty nhận vào thực tập, bạn cũng cần gửi CV và email ứng tuyển như một ứng viên đi xin việc. Vậy viết CV cho sinh viên thực tập thế nào cho đúng chuẩn? Hãy nằm lòng cách viết CV hữu ích dưới đây nhé!

Hướng dẫn cách viết CV cho sinh viên thực tập - Ảnh 1.

Trình bày theo bố cục rõ ràng

Dù bạn đang tìm việc làm IT hay hành chính nhân sự thì điều đầu tiên cần quan tâm là trình bày CV rõ ràng, dễ đọc. Không khó để có thể có được một bản CV có bố cục chuyên nghiệp. Trước tiên, hãy tham khảo các loại CV trên internet, sau đó tìm cho mình một bản mẫu ưng ý và bắt đầu thiết kế bố cục sau khi xác định được các mục nội dung sẽ đưa vào CV. Sau đó, bạn cần sắp xếp các phần nội dung vào vị trí thích hợp dựa trên số lượng chữ nhiều hay ít, cần làm nổi bật hay không. Chú ý tạo khoảng cách giữa các phần và viết hoa hoặc in đậm tiêu đề để có thể tách biệt các mục.

Khi nhà tuyển dụng nhìn vào CV có bố cục rõ ràng như vậy, bạn sẽ được đánh giá cao là người nghiêm túc khi biết cách sắp xếp. Ngoài ra, do bạn chưa có kinh nghiệm làm việc nên việc tạo ra một bản CV có nội dung ngắn gọn, súc tích nhưng vẫn làm nổi bật các chi tiết quan trọng gói gọn trong một trang A4 là điều cần thiết. Nếu bạn có quá nhiều thông tin muốn chia sẻ thì cũng không nên trình bày quá 2 trang, tránh gây cảm giác nhàm chán cho người đọc.

Hướng dẫn cách viết CV cho sinh viên thực tập - Ảnh 2.

Đưa ra mục tiêu nghề nghiệp

Nhà tuyển dụng sẽ không đòi hỏi việc bạn phải đưa ra một mục tiêu cụ thể như: trong 2 năm tới em sẽ học thêm kiến thức này, bổ sung kỹ năng khác, cố gắng đạt phần trăm doanh số ra sao và trở thành người quản lý thế nào... Bởi đó là những điều sau này khi đi làm, bạn được va chạm với môi trường thực tế thì mới có thể đặt ra một mục tiêu cụ thể cho mình. Việc của bạn là hãy đề cập đến điều bạn mong muốn đạt được sau kỳ thực tập, đồng thời thể hiện thái độ cầu tiến, mong muốn được học hỏi, không ngại khó, ngại khổ để rèn luyện và thu nhận thêm kiến thức, kỹ năng từ các anh chị tiền bối.

Thông tin cá nhân đầy đủ

Chắc chắn đây chính là phần bạn cần chú ý để không mắc lỗi sai về thông tin cá nhân. Điền tên của bạn làm tiêu đề CV bên cạnh ảnh thẻ hoặc bất cứ tấm hình nào lịch sự và nhã nhặn. Tiếp theo là các thông tin ngày tháng năm sinh, email, số điện thoại và có thể điền thêm thông tin quê quán. Đây là mục không nổi bật trong CV cho sinh viên thực tập nhưng lại rất quan trọng. Bởi khi cần tra cứu lại thông tin của bạn, họ chỉ cần mở CV ra và có thể liên hệ với bạn dễ dàng.

Hướng dẫn cách viết CV cho sinh viên thực tập - Ảnh 3.

Chi tiết về quá trình học tập

Trong mục này, ngoài thông tin về trường, ngành học bạn đang theo đuổi, điểm số, kết quả học tập, thì bạn hoàn toàn có thể bổ sung vào đó dự án nghiên cứu khoa học, các chứng chỉ của khóa học chuyên môn hoặc thành tích bạn đạt được để tăng tính thuyết phục đối với nhà tuyển dụng.

Bổ sung hoạt động ngoại khóa

Sẽ thật là tuyệt nếu trong CV cho sinh viên thực tập của bạn có một số kinh nghiệm ngoại khóa hoặc một vài thành tích bạn đạt được khi đi học. Bạn đã từng tham gia hoạt động Đoàn – Hội sinh viên tại trường, là thành viên nòng cốt của tổ chức sinh viên AIESEC (một tổ chức độc lập, phi chính phủ, phi lợi nhuận và là nền tảng toàn cầu cho người trẻ khám phá và phát triển tiềm năng lãnh đạo của mình), tham gia truyền thông cho một dự án thiện nguyện hay giành giải trong cuộc thi hùng biện... hãy đề cập chúng trong CV một cách rõ ràng. Những hoạt động ngoại khóa bạn từng tham gia sẽ mang đến một số kỹ năng làm việc nhất định và có thể phục vụ công việc khi thực tập. Hơn nữa, hoạt động ngoại khóa cũng là một trong những yếu tố cho thấy bạn là người năng động, cởi mở, sáng tạo hay kiên trì... Từ đó, nhà tuyển dụng sẽ có thêm một yếu tố để cân nhắc và lựa chọn bạn.

Nhấn mạnh phần kỹ năng

Các nhà tuyển dụng cực kỳ quan tâm đến kỹ năng của ứng viên và có thể dựa vào đó để đưa ra câu hỏi, tình huống khai thác khi phỏng vấn. Điều này giúp họ nhận biết được bạn liệu có thể đảm nhận được nhiệm vụ mà họ muốn bạn thực hiện hay không, vậy nên nhất định phải chú ý khi trình bày nội dung này.

Trước hết, bạn cần phân biệt về các loại kỹ năng bản thân mình có: kỹ năng làm việc, kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm. Tùy thuộc vào vị trí ứng tuyển mà bạn sẽ đưa các kỹ năng phù hợp vào. Đối với kỹ năng làm việc, đây là một phần quan trọng. Tuy nhiên, với sinh viên thường chỉ có một số kỹ năng đi làm thêm. Do vậy, bạn không cần quá chú trọng vào phần này. Nếu có, hãy mạnh dạn bổ sung, nếu chưa có thì cũng không sao cả. Còn với 2 kỹ năng còn lại, nhất định phải trình bày chi tiết những thế mạnh của bản thân. Ví dụ, khi ứng tuyển vị trí Thực tập Marketing, bạn có khả năng viết lách, sử dụng thành thạo tin học văn phòng, sử dụng một số phần mềm thiết kế; kỹ năng mềm bạn có là sáng tạo, giao tiếp tốt, thuyết trình tốt, nhạy bén với xu hướng... sẽ là những nội dung giá trị trong bản CV ứng tuyển của bạn.

Với các kỹ năng chuyên môn, bạn cũng nên sử dụng những hình thức thể hiện được mức độ thành thạo của bản thân như 6/10 hoặc dạng cột ngang %...

Thực tập sinh là một vị trí nhỏ trong doanh nghiệp nhưng lại là cơ hội quý giá đối với sinh viên để có thể thu nhặt những kinh nghiệm làm việc chuyên nghiệp. Vậy nên, trước khi gửi CV ứng tuyển, hãy đảm bảo bạn có đầy đủ các thông tin trên và đừng quên rà soát lỗi chính tả, ngữ pháp để có được một bản CV cho sinh viên thực tập hoàn chỉnh và nổi bật.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày