Hot trend mới giờ là chụp ảnh chân dung, không phải selfie như ngày xưa nữa rồi nhé

Hà Thu, Theo Trí Thức Trẻ 10:29 13/03/2019
Chia sẻ

Cộng đồng sống ảo trên thế giới đang có một sự chuyển dịch mạnh mẽ, bỏ qua những bức selfie nhanh gọn nhẹ để đến với chụp chân dung ảo hơn cả chục lần.

Năm 2013 đánh dấu lần đầu tiên "selfie" dần trở thành một thuật ngữ quốc dân, được cả triệu triệu người trên thế giới ưa chuộng và làm theo kết hợp với sự bùng nổ của smartphone. Khi đó, đi ăn đi chơi mà không làm một tấm "tự sướng" khoe Facebook thì quả thực sẽ bị cười cho thối mũi cũng nên, chỉ tại không chịu cập nhật trào lưu nóng hổi dễ làm, dễ chia sẻ này.

Hot trend mới giờ là chụp ảnh chân dung, không phải selfie như ngày xưa nữa rồi nhé - Ảnh 1.

Bẵng đi gần 6 năm cho tới nay, thời thế của selfie cũng đang dần nguội lạnh đi chút ít trong lòng các cư dân mạng sống ảo. Hóa ra, ngôi vương hot trend mới lại đang rục rịch được nhường chỗ cho một khái niệm cũng đang trở nên rất quen thuộc với nhiều người: Chụp chân dung (portrait mode). Với những ưu điểm tiến bộ thần thánh của mình, không khó hiểu khi selfie lại nhanh chóng bị hạ bệ trong năm 2019 này.

Chụp chân dung - Portrait Mode - là gì?

Tên gọi của cách chụp này không có nghĩa chỉ cần căn chỉnh bố cục chân dung là xong hết, mà thực ra đó là một tính năng, chế độ chụp ảnh đặc trưng gần như smartphone nào cũng có. Cụ thể, Portrait Mode sẽ giúp chụp ảnh xóa phông như một chiếc máy ảnh chuyên, với chủ thể được lấy nét sắc cạnh trong khi hậu cảnh được làm mờ đi, nhường spotlight cho nhân vật chính. Đó cũng chính là nhân tố quan trọng và xịn xò nhất khiến Portrait Mode ăn đứt các kiểu selfie đơn giản ngày trước.

Hot trend mới giờ là chụp ảnh chân dung, không phải selfie như ngày xưa nữa rồi nhé - Ảnh 2.

Sự khác biệt giữa chụp thường (trái) và chụp chân dung Portrait Mode (phải).

Dù smartphone vẫn còn hạn chế so với máy ảnh, nhưng đã có nhiều cách được nghĩ ra để tạo được hiệu ứng như vậy: Nhiều camera và hệ thống phần mềm hỗ trợ. Hơn nữa, khoảng cách chụp gần với bố cục chân dung (không chụp xa để lấy toàn thân) cũng là cách để nhấn nhá hiệu ứng xóa phông mạnh mẽ hơn - lý do chính vì sao nó được lấy tên Portrait Mode luôn.

Phân loại Portrait Mode khác nhau dựa theo từng đặc điểm

- Camera kép (hoặc nhiều camera):

Thời kỳ đầu khái niệm Portrait Mode xuất hiện tới công chúng cũng sử dụng sức mạnh của camera kép để làm điều đó. Hiện tại đã xuất hiện những chiếc smartphone có tới 3, 4 hay 5 camera, nhưng nhìn chung, tối thiểu 2 camera phải cần để tạo dựng hiệu ứng xóa phông cho Portrait Mode.

Trong số các camera này, sẽ có một ống kính thiết kế riêng để phóng xa (tele) và ống kính còn lại chụp góc rộng. Chức năng phân bố rải đều khác nhau sẽ giúp máy tính toán được độ sâu của ảnh, từ đó nhận biết được đâu là chủ thể để làm nét, đâu là hậu cảnh (background) để làm mờ. Chủ thể càng xa hậu cảnh thì độ xóa mờ phông càng lớn.

Hot trend mới giờ là chụp ảnh chân dung, không phải selfie như ngày xưa nữa rồi nhé - Ảnh 3.

Portrait mode trong điều kiện tối không hề đơn giản...

- Camera đơn:

Khác với cách thức dùng nhiều camera, nếu smartphone chỉ có camera đơn, chúng sẽ có 2 cách để xóa phông khi chụp Portrait Mode.

Thứ nhất, đó là kỹ thuật tách điểm ảnh. Chỉ cần 1 camera là xong, nhưng bộ phận cảm biến chụp ảnh sẽ phải sang xịn hơn một tí. Không phải tầm thường, cảm biến này phải được thiết kế để tự tính toán, bóc tách dữ liệu hình ảnh thu về để giả lập lại độ sâu của ảnh. Từ đó, máy cũng nhận ra hậu cảnh cần xóa phông và lấy nét cho nhân vật chính.

Thứ hai, bỏ qua hết những thứ camera hay cảm biến như trên đi, chỉ cần phần mềm được viết và cài đặt sẵn là đủ. Trí tuệ nhân tạo (AI) chính là chìa khóa cốt lõi cho bài toán này, chúng sẽ được tôi luyện và học hỏi đến mức độ đủ nhuần nhuyễn để tự nhận ra chủ thể và hậu cảnh. Chẳng cần làm gì hết, cứ việc bấm máy là xong!

Nhìn chung, dùng camera đơn để xóa phông thường dính nhược điểm bị "kém sang", kém nét hơn cách thức dùng nhiều camera (vì phụ thuộc gần như hoàn toàn vào phần mềm). Nhưng bù lại, nó giúp cho việc chụp selfie cũng có thể xóa phông, 2 trong 1 đa năng tiện lợi.

Portrait Mode: Tốt nhưng chưa hoàn hảo

Thử tưởng tượng một chiếc smartphone vừa có nhiều camera, vừa được hỗ trợ bởi AI để chụp xóa phông như máy ảnh, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ đó là đỉnh cao. Thế nhưng, kể cả khi đạt đến cảnh giới như vậy, vẫn còn một thiếu sót chúng ta chưa tính toán đến: Chụp ảnh trong điều kiện khắc nghiệt.

Chưa bàn đến việc mang smartphone đi chụp mưa gió bão bùng, hãy chỉ nhắc tới việc chụp trong trời tối thôi. Ánh sáng nhân tạo từ đèn không thể lý tưởng như ban ngày được, tạo nên một trở ngại thực sự cho smartphone khi tính toán xóa phông ở hoàn cảnh thông thường. Hơn nữa, camera của smartphone cũng chịu kha khá hạn chế so với máy ảnh, khó mà trông đợi được nhiều.

Hot trend mới giờ là chụp ảnh chân dung, không phải selfie như ngày xưa nữa rồi nhé - Ảnh 4.

Một bức ảnh chân dung góc nghiêng khi thiếu sáng thế này cần rất nhiều lưu ý để làm chủ - và đúng vậy, nó được chụp bằng máy ảnh, không phải smartphone.

Chẳng lẽ chỉ vì trời tối mà các anh chị em phải chịu mất chuỗi sống ảo trên đà thông thạo, chỉ có thể tung hoành khi ban ngày sao? Hay chúng ta sẽ phải chịu chi móc ví, mất công tìm địa điểm phù hợp mệt nhoài cả người? Có lẽ là không, nhưng chắc chắn sẽ cần thêm thời gian để tìm ra câu trả lời dung hợp cho bài toán chụp chân dung và thiếu sáng cùng lúc.

Hiện tại, một số hãng giải quyết bài toán này bằng cách sử dụng camera có khẩu độ lớn (ví dụ Galaxy S10 của Samsung hoặc P20 Pro của Huawei), nhằm thu được nhiều ánh sáng nhất trong 1 bức ảnh. Có hãng lại sử dụng cách thức "thông minh" trên sản phẩm tầm trung, ví dụ như chiếc F11 Pro sắp tới của OPPO sử dụng Trí tuệ nhân tạo kết hợp cùng camera 48MP với công nghệ 4 trong 1 (gộp 4 điểm ảnh vào làm 1) làm chủ thể trong bức ảnh trở nên rõ ràng hơn.

Dù có sử dụng công nghệ nào đi chăng nữa, thì cách chụp chắc chắn vẫn phải đóng 1 vai trò quan trọng. Chúng tôi sẽ sớm gửi bạn những hướng dẫn chi tiết về cách chụp chân dung trong điều kiện thiếu sáng nhé.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày