Tính đến thời điểm này, đã có hơn 10 trường đại học công bố điểm sàn xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực.
Cụ thể: Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM đưa ra mức điểm sàn xét tuyển với phương thức này là 700/1200 điểm. Với phương thức này, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM dành 260 chỉ tiêu chương trình đại học chính quy chuẩn (chương trình đại trà) và 100 chỉ tiêu chương trình đại học chính quy chất lượng cao xét tuyển theo phương thức điểm năng lực.
Trường bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển từ ngày 5/4 đến hết 15/5.
Trường ĐH Hoa Sen đưa ra mức điểm sàn cho thí sinh có kết quả kỳ thi đánh giá năng lực đạt từ 600 điểm trở lên; riêng ngành Dược học đạt từ 900 điểm trở lên (thang điểm 1200).
Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM cũng đưa ra mức điểm sàn xét tuyển là 700 điểm. Đây là năm đầu tiên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM tuyển sinh theo phương thức xét điểm đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM với 20% chỉ tiêu ngành.
Ngoài ra, các thí sinh đăng ký dự thi ngành năng khiếu, điểm thi môn năng khiếu trong kỳ thi bổ sung môn năng khiếu do trường tổ chức năm 2021 đạt từ 5.0 trở lên.
Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM năm nay dành 5% (tương đương 175 chỉ tiêu) chỉ tiêu để xét bài thi đánh giá năng lực, mức điểm sàn xét tuyển từ 650 điểm. Thời gian nhận hồ sơ là sau khi các em đã có kết quả đỗ tốt nghiệp THPT.
Trường ĐH Văn Lang mới đây cũng công bố ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực năm 2021 từ 650 - 750 điểm.
Cụ thể, với các ngành Răng - Hàm - Mặt, ngành Dược học, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là 750 điểm; Ngành Điều dưỡng, ngành Kỹ thuật Xét nghiệm Y học là 700 điểm. Các ngành còn lại trường lấy từ 650 điểm.
Trong khi đó, Trường ĐH Gia Định đưa ra mức điểm nhận hồ sơ của phương thức này ở 16 ngành đào tạo từ 600 - 650 điểm tùy ngành. Mức điểm xét tuyển bằng tổng điểm bài thi đánh giá năng lực năm 2021 và cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực của quy chế tuyển sinh hiện hành.
Nhà trường nhận hồ sơ bắt đầu từ ngày 8/4 đến 15/7 và sẽ công bố kết quả trúng tuyển dự kiến từ 1/8.
Tương tự, các trường đại học địa phương cũng công bố điểm sàn bằng điểm thi đánh giá năng lực.
Cụ thể, Trường ĐH Thủ Dầu Một có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đánh giá năng lực đạt từ 500 điểm trở lên. Riêng đối với các ngành Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Mầm non, Sư phạm Ngữ văn và ngành Sư phạm Lịch sử yêu cầu phải có học lực năm lớp 12 xếp loại giỏi hoặc điểm trung bình xét tốt nghiệp THPT từ 8,0 trở lên.
Ngành Dinh dưỡng yêu cầu phải học lực lớp 12 xếp loại khá trở lên hoặc điểm trung bình xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên. Đối với ngành còn lại không yêu cầu học lực.
Trường ĐH Tây Nguyên đưa ra nhiều mức điểm sàn cho các ngành khác nhau. Theo đó, điều kiện xét tuyển nhóm ngành Sức khỏe; nhóm ngành Đào tạo Giáo viên (sư phạm): Y khoa đạt từ 850 điểm trở lên; Điều dưỡng, Kĩ thuật xét nghiệm Y học và các ngành đào tạo giáo viên (trừ ngành Giáo dục Thể chất) đạt từ 700 điểm trở lên.
Các ngành khác có điểm xét tuyển đạt từ 600 điểm trở lên theo thang điểm 1200.
Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu đưa ra mức điểm nhận hồ sơ từ 650 đến 750 tùy theo ngành. Thời gian nhận hồ sơ từ 8/4 đến 31/7, dự kiến công bố trúng tuyển từ 2/8.
Trước đó, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM và Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM là hai trường công bố điểm sàn xét tuyển bằng phương thức đánh giá năng lực sớm nhất.
Theo đó, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM có ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển với tất cả các ngành dao động từ 650 - 725 điểm. Trong đó, ngành Dược có điểm xét tuyển cao nhất là 725 điểm. Tất cả các ngành còn lại có điểm xét tuyển là 650 điểm.
Riêng đối với các ngành có tổ hợp xét tuyển bao gồm môn năng khiếu (thiết kế thời trang, thiết kế đồ họa, thanh nhạc), thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực đạt từ ngưỡng điểm xét tuyển trên cần dự thi năng khiếu và đạt mức điểm theo quy định. Thí sinh có thể dùng kết quả thi năng khiếu do nhà trường tổ chức hoặc lấy kết quả thi từ trường đại học khác để tham gia xét tuyển.
Còn Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, mức điểm nhận hồ sơ của phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực ở 29 ngành đào tạo là 650 điểm. Quá trình xét tuyển được thực hiện theo nguyên tắc từ cao xuống thấp đến khi đủ chỉ tiêu.
Được biết, ngày 28/3 vừa qua, ĐHQG TP.HCM đã tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1. Kỳ thi có gần 70.000 thí sinh tham dự tại 7 tỉnh thành khác nhau. Kết quả của kỳ thi này hiện được hơn 70 trường ĐH-CĐ sử dụng để tuyển sinh năm học 2021-2022. Dự kiến, đợt 2 của kỳ thi sẽ được tổ chức vào giữa tháng 7.