Hơn 192 triệu ca mắc COVID-19 trên toàn cầu, biến thể Delta lan ra 124 quốc gia và vùng lãnh thổ

PV, Theo VTV 09:11 22/07/2021

Tính đến sáng nay, thế giới ghi nhận hơn 192,7 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 4,1 triệu trường hợp tử vong.

Tổ chức Y tế thế giới ngày 21/7 đánh giá biến thể Delta, được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ, tới nay đã lây lan ra 124 quốc gia và vùng lãnh thổ. Biến thể này cũng được phát hiện trong hơn 75% số mẫu bệnh phẩm được đưa đi phân tích chuỗi gen tại nhiều quốc gia lớn.

Mỹ vẫn đang đứng đầu thế giới về số ca mắc và ca tử vong với 35.082.232 ca, trong đó 625.402 ca tử vong. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ, số ca nhiễm biến thể Delta đã gia tăng đáng kể và hiện chiếm tới 83% các mẫu được giải trình tự gen tại Mỹ. Tổng thống Joe Biden cũng thừa nhận rằng vẫn còn một chặng đường dài ở phía trước trong bối cảnh số ca mắc mới đang gia tăng do biến chủng Delta.

Hơn 192 triệu ca mắc COVID-19 trên toàn cầu, biến thể Delta lan ra 124 quốc gia và vùng lãnh thổ - Ảnh 1.

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại bang Florida (Ảnh: AP)

Số ca nhiễm mới COVID-19 tại một số nước Đông Nam Á có xu hướng tăng cao trở lại. Thái Lan ngày 21/7 đã có thêm 13.002 ca mắc mới COVID-19, tăng gần 1.700 ca so với ngày hôm trước. Đây cũng là ngày thứ 5 liên tiếp số ca mắc mới theo ngày tại Thái Lan duy trì ở mức 5 con số.

Bộ Y tế Thái Lan cho rằng, với việc áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt để phòng chống dịch COVID-19 tại 13 tỉnh gồm cả thủ đô Bangkok, số ca mắc mới dự báo sẽ bắt đầu giảm trong ít nhất 1 đến 2 tháng nữa kể từ thời điểm hiện nay.

Để ứng phó với tình hình COVID-19, Chính phủ Thái Lan đã gia hạn tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc thêm 2 tháng, cho tới cuối tháng 9, đồng thời cho triển khai thêm giường bệnh tại các bệnh viện và trung tâm cách ly để điều trị cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Hơn 192 triệu ca mắc COVID-19 trên toàn cầu, biến thể Delta lan ra 124 quốc gia và vùng lãnh thổ - Ảnh 2.

Myanmar đặt chỉ tiêu tiêm vaccine cho 1/2 dân số trong năm nay (Ảnh: Myanmar Times)

Bộ Y tế Myanmar cho biết, tính đến 8h ngày 21/7, kết quả xét nghiệm nhanh 15.911 mẫu xét nghiệm đã ghi nhận 5.860 ca mắc mới COVID-19. Hiện Chính phủ Myanmar đang nỗ lực để đẩy lùi dịch bằng cách đảm bảo nguồn cung vaccine, oxy, vật tư y tế cho các bệnh viện.

Theo kế hoạch, ngày 21/7 Myanmar sẽ bắt đầu tiếp nhận thêm 750 nghìn liều vaccine và còn tăng thêm trong những ngày tới để tiêm cho người dân cả nước với mục tiêu có khoảng 50% dân số được tiêm vaccine vào cuối năm nay.

Hôm qua, Indonesia và Malaysia đều ghi nhận số ca tử vong cao nhất từ trước tới nay với 1.383 ca tại Indonesia và 199 ca tại Malaysia. Trong 24 giờ qua, Indonesia ghi nhận hơn 33 nghìn ca nhiễm mới. Tuy nhiên, số liệu này được cho là chưa phản ánh đúng thực tế khi cơ quan chức năng cho biết, số người được làm xét nghiệm mấy ngày qua đã giảm xuống.

Ngày 21/7, Bộ Y tế Hàn Quốc thông báo nước này có thêm hơn 1.780 ca mắc mới COVID-19 trong 24h qua, mức cao nhất từ trước tới nay. Nguyên nhân là do các vụ lây nhiễm tập thể tiếp tục lan rộng trên toàn quốc với sự xuất hiện của biến thể Delta.

Hơn 192 triệu ca mắc COVID-19 trên toàn cầu, biến thể Delta lan ra 124 quốc gia và vùng lãnh thổ - Ảnh 3.

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại một khu vực thuộc phía Nam thủ đô Seoul của Hàn Quốc, ngày 20/7 (Ảnh: Yonhap)

Theo cơ quan trên, số ca bệnh mới đã liên tục ở mức trên 1.000 ca trong 2 tuần qua. Khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận, nơi chiếm một nửa dân số Hàn Quốc, là điểm nóng về dịch bệnh do các đợt lây nhiễm liên tục.

Kể từ tuần trước, khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận đã thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao nhất, cấm tụ tập hơn 2 người sau 18h, cấm các nhà hàng và quán cà phê mở cửa sau 22h và cấm các câu lạc bộ đêm cũng như quán bar hoạt động.

Hầu hết các ca nhiễm mới tại châu Âu là do biến thể Delta. Số ca lây nhiễm mới đang tăng nhanh ở mức chưa từng thấy ở Pháp và Anh do sự lây lan của biến thể Delta.

Hơn 192 triệu ca mắc COVID-19 trên toàn cầu, biến thể Delta lan ra 124 quốc gia và vùng lãnh thổ - Ảnh 4.

Để tham gia vào các hoạt động văn hóa, công dân Pháp bắt buộc phải có thẻ sức khỏe chứng nhận âm tính

Hơn 46.000 ca nhiễm mới COVID-19 trong ngày hôm qua ở Anh, 96 người tử vong, nơi các biện pháp phòng dịch vừa được gỡ bỏ hoàn toàn. Biến chủng Delta là nguyên nhân của hầu hết các ca nhiễm mới tại Anh. Chỉ sau có một tuần, tốc độ gia tăng lây nhiễm chủng Delta lên tới 150%, đây là mức tăng nhanh gấp bội so với chủng virus gốc xuất hiện lần đầu tại Vũ Hán, Trung Quốc.

Bộ trưởng Y tế Anh cho rằng, với tốc độ lan truyền như vậy của virus thì số ca lây nhiễm mới mỗi ngày ở Anh có thể lên tới 100.000 vào cuối tháng 8.

Tại Pháp, Thủ tướng Jean Castex đã tỏ ý lo ngại, làn sóng thứ tư của đại dịch đang trở thành hiện thực. Ông Jean Castex cảnh báo: "Giai đoạn khó khăn đang chờ đợi nước Pháp, cần phải hành động ngay và đưa ra quyết định đúng đắn".

Tại một số tỉnh của nước Pháp, có tới 96% số ca nhiễm mới là do biến chủng Delta, tại Paris là 85%. Hiện một số địa phương đã áp đặt trở lại quy định bắt buộc mang khẩu trang.