Tâm dịch COVID-19 lớn nhất thế giới Mỹ đã ghi nhận hơn 4,9 triệu ca mắc, trong đó có gần 160.000 người đã tử vong vì bệnh dịch này. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua tại quốc gia này là trên 44.000 trường hợp.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh cho phép mở rộng quyền tiếp cận dịch vụ khám bệnh từ xa đối với 57 triệu người Mỹ, đa số sống tại khu vực nông thôn nghèo. Sắc lệnh này có ý nghĩa quan trọng khi số ca nhiễm mới tăng vọt trong thời gian gần đây.
Tổng thống Trump nhấn mạnh sắc lệnh mới sẽ đảm bảo rằng các dịch vụ khám bệnh từ xa sẽ vẫn tiếp tục được duy trì ngay cả khi tình trạng khẩn cấp y tế cộng đồng được dỡ bỏ.
Cùng ngày, hơn 100 lãnh đạo doanh nghiệp của Mỹ đã lên tiếng hối thúc các nhà lập pháp nước này gác lại những bất đồng chính trị và nhanh chóng thông qua gói cứu trợ COVID-19 mới trong bối cảnh các cuộc thảo luận giữa Nhà Trắng và đảng Dân chủ tại Quốc hội lưỡng viện vẫn đang bế tắc.
Chuyển bệnh nhân nghi bị nhiễm COVID-19 đến Bệnh viện HRAN ở Brasilia, Brazil. (Ảnh: AP)
Ngày 4/8, Brazil đã vượt Mỹ về số ca mắc COVID-19 trong ngày với hơn 50.000 trường hợp được ghi nhận. Brazil hiện là nước bị ảnh hưởng thứ hai thế giới bởi dịch COVID-19 với tổng cộng hơn 2,8 triệu ca nhiễm và gần 96.000 người tử vong.
Đặc biệt, Ấn Độ hiện đang đứng đầu thế giới về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới với hơn 51.000 trường hợp. Có tới hơn 1,9 triệu người bị lây nhiễm virus tại quốc gia này, trong đó trên 95.800 trường hợp đã tử vong vì đại dịch COVID-19.
Tại Đông Bắc Á, Nhật Bản để ngỏ khả năng tái ban bố tình trạng khẩn cấp nếu dịch tiếp tục lan rộng. Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản Katsunobu Kato nêu rõ, dù chính quyền các địa phương đang thực hiện nhiều biện pháp để khống chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 nhưng Chính phủ có thể sẽ tái ban bố tình trạng khẩn cấp nếu số ca nhiễm tăng nhanh.
Trước đó, chính quyền tỉnh Okinawa đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong khi nhiều tỉnh, thành khác yêu cầu người dân hạn chế ra ngoài đường nếu không cần thiết và yêu cầu các cơ sở kinh doanh đóng cửa sớm. Hiện số ca nhiễm COVID-19 tại Nhật Bản đã vượt ngưỡng 38.600 ca, trong đó hơn 1.000 người đã tử vong.
Người dân đeo khẩu trang phòng chống COVID-19 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: AP)
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết đã ghi nhận thêm 36 ca nhiễm mới tại Trung Quốc đại lục, trong đó có 30 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Như vậy, tính đến hết ngày 4/8, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng hơn 84.400 ca nhiễm, trong đó trên 4.600 người tử vong.
Cùng ngày 4/8, Hàn Quốc thông báo có thêm 34 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên hơn 14.400 người. Kể từ 12h ngày 4/8, chính quyền thành phố Seoul đã nới lỏng lệnh cấm đối với các vũ trường và quán bar, từ mức "cấm tụ tập" sang "hạn chế tụ tập có điều kiện". Ngoài ra, chính quyền thành phố khuyến nghị các cơ sở này lắp đặt và vận hành máy diệt khuẩn không khí. Bên cạnh đó, người dân phải tuân thủ nguyên tắc một ngày chỉ được đến một vũ trường hoặc quán bar.
Philippines đã ghi nhận hơn 6.300 trường hợp mắc mới trong ngày 4/8. (Ảnh: AP)
Tại Đông Nam Á, Philippines hiện là một trong những điểm nóng dịch bệnh với tổng số ca nhiễm đã vượt con số 100.000 ca, buộc chính quyền tái áp đặt một phần lệnh phong tỏa trên đảo Luzon. Số ca mắc mới trong ngày tại quốc gia này là hơn 6.300 trường hợp. Trên 2.100 người đã tử vong vì bệnh dịch.
Trong khi đó, Indonesia vẫn là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất ở Đông Nam Á với hơn 115.000 ca nhiễm và trên 5.300 người không qua khỏi. Hơn 1.900 trường hợp mắc mới đã được ghi nhận tại quốc gia này trong 24 giờ qua.
Ở châu Âu, Nga hiện là nước ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất trong khu vực với hơn 861.400 ca, trong khi Anh ghi nhận nhiều trường hợp tử vong nhất với gần 46.300 người.
Đức đang đương đầu với làn sóng dịch thứ hai và các nguy cơ từ việc không tuân thủ quy định giãn cách xã hội. Theo thống kê, Đức hiện có hơn 212.300 ca nhiễm COVID-19 và trên 9.200 trường hợp tử vong.