Theo đó, sốt xuất huyết đang có nguy cơ bùng phát thành dịch do diễn biến phức tạp, đối tượng dễ bị tấn công nhất là trẻ em. Đồng thời, các ca bệnh liên tục tăng, nhiều ca bệnh nặng tập trung ở khu vực TP. HCM cũng như các tỉnh thành phía nam.
Nguồn ảnh: Sohu (Trung Quốc)
Theo báo cáo của Sở Y tế TP. HCM, địa phương có 4.491 trường hợp sốt xuất huyết. Trong đó có 2 ca tử vong, 109 trường hợp diễn tiến nặng đang điều trị tại các bệnh viện. Trước đó, năm 2019 - thời điểm sốt xuất huyết bùng phát thành dịch với hơn 20.000 ca mắc, số ca bệnh nặng cũng chỉ là 38 ca. So sánh số liệu này với năm 2021 thì số ca nặng cũng tăng cao gấp 3.54 lần (năm 2021 chỉ có 24 ca trở nặng).
Với số ca mắc sốt xuất huyết nặng gia tăng trong thời gian gần đây, các chuyên gia nhận định, khả năng cao là số mắc bệnh trong cộng đồng có thể nhiều hơn được số ca ghi nhận. Tổng số ca mắc công bố thấp hơn có thể do các ca bệnh nhẹ chưa được ghi nhận và thống kê.
Bộ Y tế cũng dự báo trong thời gian tới, số ca mắc có xu hướng gia tăng do đang bắt đầu vào thời điểm mùa dịch. Vì vậy, để chủ động phòng chống và ngăn dịch bùng phát, mỗi cá nhân hãy nâng cao ý thức, triển khai 4 việc sau đây:
- Dành 10 - 15 phút mỗi ngày để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống. Từ trong nhà đến xung quanh nhà cần thu dọn, không để có vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng. Lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến, cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 01 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối…
- Đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi.
- Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng.
- Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày… để tránh muỗi đốt.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh trở nặng, tử vong hầu hết là do bệnh nhân được phát hiện muộn và nhập viện trễ. Vì vậy, điều quan trọng là đừng bỏ qua 8 dấu hiệu đặc thù của sốt xuất huyết sau đây:
- Sốt cao hoặc sốt li bì nhiều ngày.
- Đau đầu, đau nhức 2 hốc mắt.
- Mệt mỏi toàn thân, đau mỏi cơ và khớp.
- Ho, đau họng kết hợp với phát ban.
- Tiêu chảy, đau bụng.
- Buồn nôn và nôn mửa.
- Một số trường hợp nặng có thể nôn ra máu, chảy máu mũi, phân đen, co giật.
- Ở nữ giới có thể có dấu hiệu rối loạn kinh nguyệt như kỳ kinh đến sớm, số lượng kinh nhiều hoặc kéo dài nhiều ngày.
Trẻ em là đối tượng dễ bị sốt xuất huyết tấn công nhưng lại bị ảnh hưởng lớn, tỷ lệ tử vong cao hơn nên càng cần phải đặc biệt lưu ý. Theo VTV, các bác sĩ khuyến cáo ngay khi có các triệu chứng trên, phụ huynh không nên hoảng hốt nhưng cũng không được điều trị tại nhà mà phải nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện. Nhất là đối với những trẻ từng mắc Covid-19, trẻ bị béo phì, có bệnh mãn tính.
Nguồn ảnh: Aboluowang (Trung Quốc)
Đồng thời cần lưu ý thực hiện 4 không khi điều trị. Đầu tiên là không tự ý cho trẻ uống thuốc vì có thể bỏ sót các triệu chứng nặng. Thứ hai, không cho trẻ uống nước có màu đen hoặc đỏ vì dễ gây nhầm lẫn xuất huyết. Thứ ba là không cạo gió, cắt lể vì có thể gây nhiễm trùng. Cuối cùng là không truyền dịch tại các nơi không đủ điều kiện vì nguy cơ sốc dịch truyền hoặc bỏ sót triệu chứng nặng dẫn đến tử vong là rất cao.
Nguồn và ảnh: Sức khỏe đời sống, Sở y tế TP. HCM