Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 31,5 triệu ca mắc và gần 570.000 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 48.800 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Hơn 132,9 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2 (Ảnh: AP)
Nước Mỹ đang triển khai công tác tiêm chủng vaccine COVID-19 khá hiệu quả. Các số liệu thống kê cho thấy, tốc độ tiêm chủng của nước này nhanh gấp khoảng 5 lần so với mức trung bình của thế giới. Thống kê trong 7 ngày gần đây cho thấy, tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Mỹ đạt 0,92 liều trên 100 người, so với mức trung bình toàn cầu chỉ là 0,21 liều trên 100 người. Trong khi đó, theo số liệu phân tích về tốc độ tiêm chủng của Mỹ so với thế giới được hãng tin CNN công bố, Mỹ đã cung cấp trung bình khoảng 3 triệu liều vaccine/ngày, đạt hơn 900 mũi tiêm trên 100.000 người mỗi ngày. Từ đầu năm đến nay, số ca mắc COVID-19 mới tại Mỹ cũng đang có dấu hiệu giảm dần.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Brazil, tổng cộng trên 13,1 triệu người đã nhiễm bệnh, bao gồm hơn 336.900 trường hợp thiệt mạng. Ngày 6/4, Brazil ghi nhận gần 77.400 trường hợp nhiễm mới.
Trong 24 giờ qua, Ấn Độ báo cáo hơn 115.200 ca mắc COVID-19 mới, đưa tổng số bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại nước này lên hơn 12.700 triệu người, trong đó có trên 166.200 trường hợp tử vong. Ấn Độ một lần nữa trở thành điểm nóng về dịch COVID-19 khi lần đầu tiên ghi nhận trên 100.000 ca mắc mới trong 1 ngày. Quốc gia Nam Á này đang phải đối mặt với sức ép vô cùng lớn khi làn sóng dịch COVID-19 thứ 2 xuất hiện. Theo đánh giá của giới chuyên gia, làn sóng lây nhiễm thứ 2 đang cho thấy mức độ nguy hiểm hơn và có xu hướng lan ra khắp Ấn Độ.
Ấn Độ đang phải đối mặt với sức ép vô cùng lớn khi làn sóng dịch COVID-19 thứ 2 xuất hiện (Ảnh: AP)
Hiện điểm nóng COVID-19 tại Ấn Độ là bang Maharashtra, nơi chiếm hơn 50% số ca mắc mới theo ngày tại Ấn Độ. Chính quyền địa phương đã phải tăng cường các biện pháp chống dịch, bao gồm đóng cửa các trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, quán bar và các địa điểm tôn giáo từ đầu tuần này. Nếu tình hình không được cải thiện, bang này sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn và có thể áp dụng lệnh phong tỏa toàn phần thay vì một phần như hiện nay.
Trước tình hình dịch bệnh lây lan mạnh, Ấn Độ đang đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19. Từ đầu tháng 4, Ấn Độ bắt đầu mở rộng tiêm chủng cho những người từ 45 tuổi trở lên, khiến nhu cầu về vaccine tăng theo cấp số nhân. Hệ thống y tế nước này đang phải chịu sức ép lớn từ việc tiêm chủng cũng như điều trị bệnh nhân COVID-19.
Tại châu Âu, Thủ tướng Anh Boris Johnson xác nhận, các cơ sở kinh doanh mặt hàng và dịch vụ không thiết yếu tại vùng England có thể mở cửa trở lại. Ông Johnson nêu rõ, vùng England đã đạt tiêu chí chuyển sang giai đoạn 2 nới lỏng các biện pháp phòng dịch. Theo đó, từ ngày 12/4 tới, các cửa hàng bán lẻ hàng hóa không thiết yếu, phòng tập thể dục, tiệm cắt tóc và dịch vụ ngoài trời sẽ mở cửa trở lại. Tuy nhiên, ông cho biết, hiện còn quá sớm để có thể nói liệu người dân Anh có được phép đi du lịch nước ngoài trong mùa hè này hay chưa. Điều đó có nghĩa kế hoạch cho phép đi du lịch nước ngoài có thể sẽ bị lùi lại sau ngày 17/5 tới. Hiện Anh xác nhận trên 4,3 triệu ca mắc và hơn 126.800 người thiệt mạng vì COVID-19.
Thái Lan muốn áp dụng "bong bóng du lịch" để thu hút thêm du khách nước ngoài. Bộ Thể thao và Du lịch Thái Lan đang có kế hoạch thảo luận với Singapore về việc thực hiện "bong bóng du lịch" giữa hai nước (thỏa thuận cho phép công dân đi lại tự do giữa lãnh thổ hai bên mà không cần phải kiểm dịch khi nhập cảnh). Cuộc thảo luận giữa Thái Lan và Singapore dự kiến sẽ diễn ra tại Đại sứ quán Singapore ở Thái Lan trong tuần này.
Singapore đã thực hiện "bong bóng du lịch" với Australia và New Zealand. Nếu Singapore đồng ý thực hiện kế hoạch đó với Thái Lan, Thái Lan cũng có thể sẽ tiếp nhận thêm cả khách du lịch từ Australia và New Zealand. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng đặt mục tiêu thảo luận về "bong bóng du lịch" với các nước ASEAN khác như Việt Nam và Lào, những nơi có số lượng các ca nhiễm dịch COVID-19 thấp.
Thái Lan hiện đang xúc tiến mở cửa du lịch (Ảnh: AP)
Ngày 6/4, Bộ Y tế Timor Leste thông báo ghi nhận ca tử vong đầu tiên trong số 779 bệnh nhân COVID-19. Bệnh nhân nữ 44 tuổi, có tiền sử suy thận, được phát hiện mắc COVID-19 vào ngày 24/3. Timor Leste vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp kể từ tháng 8/2020.
Philippines thông báo ghi nhận 382 ca tử vong do COVID-19 trong ngày 6/4, mức tăng cao nhất theo ngày kể từ khi đại dịch bùng phát, nâng tổng số người tử vong tại nước này lên 13.817 trường hợp. Trong khi đó, Philippines cũng phát hiện thêm 9.373 ca mắc mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên 812.760 trường hợp. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Delfin Lorenzana là quan chức mới nhất của Philippines cho kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Tại Campuchia, tối 6/4, Thủ tướng Hun Sen đã ký Quyết định số 44 cấm đi lại tạm thời giữa các tỉnh để phòng chống dịch COVID-19 lây lan. Lệnh cấm có hiệu lực từ 0h ngày 7/4 đến ngày 20/4/2021. Tuy nhiên, người dân được phép đi lại giữa thủ đô Phnom Penh và tỉnh Kandal tiếp giáp vì được coi là một vùng. Theo quyết định này, các khu du lịch trong cả nước phải đóng cửa trong 14 ngày bắt đầu từ 0h ngày 7/4 đến ngày 20/4 tới. Tuy nhiên, hoạt động vận tải hàng hóa đường bộ và đường thủy, lực lượng y tế, cứu hỏa, xe chở rác, xe đưa đón người lao động được cấp phép, lực lượng vũ trang và công chức thực thi nhiệm vụ vẫn được phép hoạt động.
Ngày 6/4 là ngày thứ hai liên tiếp Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trên 400 ca, trong bối cảnh nước này xuất hiện các ổ dịch lẻ tẻ trên toàn quốc và dịch bệnh có nguy cơ tăng trở lại do người dân lơ là cảnh giác và gia tăng hoạt động đi lại vào mùa xuân. Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này trong 24 giờ qua ghi nhận 478 ca nhiễm mới, trong đó có 460 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 106.230 người, trong đó có 1.752 trường hợp tử vong.
Tại Nhật Bản, tỉnh Osaka đã ghi nhận 719 ca mắc mới chỉ trong 1 ngày bất chấp việc tỉnh này đang thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch gắt gao. Số ca lây nhiễm mới trong ngày tại tỉnh Osaka luôn ở mức cao nhất cả nước trong nhiều ngày qua. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nhật bản Norihisa Tamura cảnh báo, tình hình dịch bệnh tại Thủ đô Tokyo đang xấu đi và hối thúc người dân cảnh giác. Tokyo cùng ngày ghi nhận 399 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại thành phố này lên 123.350 ca, cao nhất trong tổng 47 tỉnh của Nhật Bản.
Hiện Nhật Bản xác nhận tổng cộng trên 487.500 ca mắc COVID-19 và hơn 9.200 trường hợp tử vong. Ngày 6/4, Nhật bản ghi nhận 2.220 ca mắc COVID-19 mới.