Mỹ vẫn là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 với trên 30,1 triệu ca mắc và hơn 548.800 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm khoảng 39.500 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Brazil, tổng cộng trên 11,5 triệu người đã nhiễm bệnh, bao gồm hơn 281.600 trường hợp tử vong. Ngày 16/3, Brazil báo cáo trên 68.700 trường hợp nhiễm mới.
Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận hơn 28.800 người mắc COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm lên trên 11,4 triệu trường hợp. Đến nay, khoảng 159.000 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi ở quốc gia này.
Số ca tử vong do đại dịch COVID-19 tại châu Âu đã vượt quá 900.000 người. Tính đến chiều 16/3, 52 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Âu đã ghi nhận 900.185 trường hợp tử vong trong tổng số 40.083.433 ca nhiễm kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Với tổng số người không qua khỏi trên, châu Âu hiện trở thành khu vực có số ca tử vong cao nhất thế giới, sau đó là Mỹ Latin (721.581 ca) và Caribe (721.581 trường hợp).
Anh là quốc gia có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất châu Âu (Ảnh: AP)
Anh hiện là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của dịch bệnh tại châu Âu xét về số ca tử vong với 125.690 người không qua khỏi trong tổng số trên 4,2 triệu trường hợp nhiễm. Số ca tử vong do COVID-19 của 5 nước gồm Anh, Italy, Nga, Pháp và Đức chiếm hơn một nửa tổng số người thiệt mạng vì COVID-19 của cả châu lục.
Bộ Y tế Philippines ngày 16/3 thông báo đã ghi nhận 4.437 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca mắc tại nước Đông Nam Á này lên trên 631.300 trường hợp. Nước này cũng có thêm 11 bệnh nhân tử vong, đưa tổng số người không qua khỏi vì dịch COVID-19 lên 12.848.
Bộ trưởng Bộ Y tế Philippines Francisco Duque cảnh báo, số ca mắc COVID-19 mỗi ngày tại nước này đang gần đạt đỉnh của tháng 7 - 8/2020 và có thể vượt mức này nếu tốc độ lây nhiễm không giảm. Cục Kiểm soát, Phòng ngừa bệnh tật và Tăng cường sức khỏe thuộc Bộ Y tế Philippines cho biết, tốc độ lây nhiễm hiện nay tăng nhanh hơn nhiều so với những tháng trước mà nguyên nhân là do việc vi phạm các quy định phòng dịch, cũng như sự xuất hiện của các biến thể mới lây lan nhanh của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh, Nam Phi và Brazil.
Tốc độ lây nhiễm hiện nay tại Philippines tăng nhanh hơn nhiều so với những tháng trước (Ảnh: AP)
Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quốc gia Campuchia (Bộ Nội vụ Campuchia), Tướng Neth Savoeun, đã chỉ đạo các đơn vị chức năng dọc biên giới cấm người dân ra nước ngoài để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Chỉ đạo của Tướng Neth Savoeun được đưa ra trong cuộc họp trực tuyến vào ngày 15/3 giữa các quan chức cấp cao Bộ Nội vụ Campuchia và cảnh sát trưởng của các tỉnh.
Trong ngày 16/3, Campuchia lần đầu tiên ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 ở mức 3 chữ số. Thông cáo báo chí của Bộ Y tế Campuchia xác nhận, nước này có thêm 105 ca nhiễm SARS-CoV-2, tất cả đều liên quan đến "sự cố cộng đồng ngày 20/2" dẫn tới đợt bùng phát đại dịch lần thứ ba tại nước này. Đến nay, Campuchia có tổng cộng 1.430 ca mắc COVID-19, trong đó 818 người đã hồi phục và 1 trường hợp tử vong.
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã được tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên để chuẩn bị cho chuyến thăm Mỹ vào tháng 4 tới. Như vậy, ông Suga đã trở thành quan chức Chính phủ đầu tiên của Nhật Bản được tiêm vaccine. Dự kiến, trong 3 tuần tới, ông Suga sẽ được tiêm mũi thứ 2 trước khi thực hiện chuyến công du Mỹ. Khoảng 80 - 90 quan chức Nhật Bản cũng sẽ được tiêm vaccine trước khi tháp tùng ông Suga đến Mỹ. Thủ tướng Suga sẽ trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới có cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Mỹ Joe Biden kể từ khi ông Biden nhậm chức vào tháng 1 vừa qua.
Nhật Bản đã bắt đầu chương trình tiêm phòng vaccine COVID-19 từ ngày 17/2, sử dụng vaccine của Pfizer-BioNTech. Hiện Nhật Bản ghi nhận trên 448.600 người nhiễm và hơn 8.600 trường hợp tử vong vì COVID-19.
Trung Quốc sẽ cấp visa cho những người nước ngoài đã tiêm vaccine do nước này sản xuất. (Ảnh: AP)
Trung Quốc sẽ cấp visa cho những người nước ngoài đã tiêm vaccine do Trung Quốc sản xuất. Đại sứ quán Trung Quốc ở Mỹ, Ấn Độ và Pakistan thông báo sẽ tiếp nhận và ưu tiên hồ sơ của người đã tiêm vaccine Trung Quốc. Trung Quốc hạn chế nhập cảnh từ tháng 3/2020, nhưng nay đã dần dần mở cửa trở lại, bước đầu là dành cho những đối tượng ưu tiên đã tiêm vaccine. Tuy nhiên, quy định này cũng hạn chế cho các mục đích nhập cảnh nhất định như mục đích công việc, đoàn tụ gia đình và hoạt động nhân đạo. Người nhập cảnh tới Trung Quốc hiện vẫn phải cách ly tới 3 tuần.
Iran đang thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19 nội địa thứ 3, động thái cho thấy sự chủ động trong chiến dịch tiêm chủng của nước này. Dù Iran đã có hợp đồng nhập khẩu vaccine của Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Cuba nhưng Iran mới chỉ mua đủ để tiêm cho hơn 1 triệu người trên tổng số 80 triệu dân. Tình hình nguồn cung khan hiếm trong năm nay buộc Iran phải đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu vaccine nội địa. Iran trong tuần này cũng đã khởi công một nhà máy sản xuất vaccine với công suất 3 triệu liều/ngày.
Nhóm xúc tiến tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của Hàn Quốc trong buổi họp báo thường kỳ ngày 16/3 cho biết, người nước ngoài cư trú trên 3 tháng tại nước này sẽ có thể được tiêm vaccine phòng COVID-19 như công dân Hàn Quốc. Nhóm đối tượng này sẽ được tiêm phòng từ tuần đầu tiên của tháng 4, thời điểm bắt đầu tiêm cho công dân Hàn Quốc trên 65 tuổi. Trước đó một ngày, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trong quý II. Theo đó, bắt đầu từ tháng 4, Seoul sẽ tiêm phòng cho người trên 75 tuổi trước, sau đó tới người từ 65 đến 74 tuổi.
Ngày 16/3, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo, Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhận được tổng cộng hơn 200 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 do hai hãng Pfizer-BioNTech sản xuất trong quý II năm nay. Con số trên bao gồm 10 triệu liều, đáng lẽ được bàn giao vào quý III và quý IV/2020 theo kế hoạch ban đầu. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen khẳng định, đây là thông tin tích cực, giúp các nước thành viên chủ động phân phối vaccine và có khả năng thu hẹp khoảng cách giữa đợt giao hàng.
12 nước tại châu Âu đang tạm ngừng lưu hành vaccine của AstraZeneca do lo ngại tác dụng phụ, nhưng hầu hết các quốc gia còn lại tin tưởng tiếp tục sử dụng loại vaccine này. Chính phủ Bỉ, Anh và Australia khẳng định tin tưởng tuyệt đối vaccine của liên doanh Anh - Thụy Điển này. Ngày 16/3, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã tiêm mũi đầu tiên. Philippines cho rằng, những lợi ích của vaccine chắc chắn lớn hơn rất nhiều so với rủi ro. Hiện tại, các nước đều cho rằng, chưa có những báo cáo chính thức về mối liên hệ giữa các hiện tượng đông máu với việc tiêm vaccine AstraZeneca.