Hơn 118,9 triệu ca mắc COVID-19 trên thế giới, Campuchia ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên

Quỳnh Chi, Theo VTV News 09:25 12/03/2021

Đến sáng 12/3, thế giới có trên 118,9 triệu ca mắc COVID-19, trong đó hơn 2,63 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 29,9 triệu ca mắc và hơn 543.000 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm 42.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, tổng cộng trên 11,3 triệu người đã nhiễm bệnh, bao gồm hơn 158.300 trường hợp thiệt mạng. Ngày 11/3, Ấn Độ báo cáo trên 21.500 trường hợp nhiễm mới.

Trong 24 giờ qua, Brazil không ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 mới. Hiện tổng số người nhiễm tại Brazil là trên 11,2 triệu trường hợp. Đến nay, hơn 270.900 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi ở quốc gia này.

Theo thông báo của Bộ Y tế Campuchia vào ngày 11/3, một bệnh nhân COVID-19 ở nước này đã tử vong sau 12 ngày được phát hiện bệnh và điều trị tích cực tại Bệnh viện Khmer - Xô Viết ở thủ đô Phnom Penh. Đây là ca tử vong đầu tiên do COVID-19 ở Campuchia. Bệnh nhân là một người đàn ông 50 tuổi, người Campuchia, làm nghề lái xe, bị lây nhiễm COVID-19 từ người chủ là công dân Trung Quốc ở tỉnh Preah Sihanouk. Ngày 11/3, Campuchia cũng ghi nhận thêm 39 ca dương tính COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng.

Campuchia đã tăng cường thêm 300 y, bác sĩ trong quân đội để hỗ trợ cho các cơ sở điều trị bệnh COVID-19. Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã chỉ đạo cho chính quyền thủ đô Phnom Penh đưa thêm 2 khách sạn có quy mô trên 200 giường để làm nơi điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Tính đến ngày 11/3, sau 20 ngày xảy ra "sự cố lây nhiễm ngày 20/2", Campuchia đã có 649 ca dương tính với COVID-19 lây nhiễm trong cộng đồng.

Hơn 118,9 triệu ca mắc COVID-19 trên thế giới, Campuchia ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên - Ảnh 1.

Campuchia đã ghi nhận trường hợp tử vong do COVID-19 đầu tiên. (Ảnh: AP)

Bộ Y tế Philippines cho biết, trong 24 giờ qua, nước này có thêm 3.749 ca nhiễm mới, mức theo ngày cao nhất trong gần 6 tháng, nâng tổng số người nhiễm tại nước này lên hơn 607.000 trường hợp. Số ca tử vong do COVID-19 tăng thêm 63 ca, lên 12.608 bệnh nhân.

Malaysia mạnh tay đối với những người cố tình tung tin giả về dịch COVID-19. Từ ngày 12/3, Malaysia sẽ phạt tiền lên tới 100.000 Ringgit (gần 25.000 USD) hoặc phạt tù lên tới 3 năm hoặc cả hai đối với người tung tin giả hoặc phát tán tin giả liên quan tới tình hình dịch COVID-19. Tòa án có thể yêu cầu những người bị kết án vi phạm phải xin lỗi những người bị ảnh hưởng từ việc tung, phát tán tin giả.

Nếu không thực hiện quyết định của tòa án, người vi phạm có khả năng sẽ phải nộp phạt bổ sung khoản tiền phạt lên đến 50.000 Ringgit hoặc phạt tù dưới 1 năm hoặc cả hai hình phạt. Quyết định trên được đưa ra khi trong ngày 11/3, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận thêm hơn 1.600 ca mắc COVID-19, nâng tổng số người mắc bệnh lên trên 319.000 trường hợp.

Hàn Quốc sẽ mở rộng diện sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca cho nhóm người từ 65 tuổi trở lên. Đây là thông báo của Cơ quan Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc. Quyết định này được đưa ra sau khi các nghiên cứu ở Anh cho thấy, vaccine của AstraZeneca có tác dụng phòng ngừa lây nhiễm và giảm tỷ lệ cần nhập viện điều trị ở người cao tuổi. Anh công bố, vaccine này có hiệu quả phòng ngừa nhiễm virus gây bệnh COVID-19 lên tới hơn 70% ở người cao tuổi. Một nghiên cứu khác ở Scotland cho thấy, vaccine AstraZeneca có hiệu quả tối đa 80% trong việc phòng ngừa nguy cơ phải nhập viện ở người trên 80 tuổi.

Trong số hơn 2,6 triệu người tử vong do mắc COVID-19 trên thế giới, có tới hơn 3.000 y tá. Đây là tổn thất quá lớn đối với đội ngũ chăm sóc sức khỏe người dân trong bối cảnh hệ thống y tế toàn cầu rơi vào tình trạng khủng hoảng do đại dịch. Theo thống kê của Hội đồng Y tá quốc tế, số y tá tử vong trên mới chỉ được tổng hợp từ 60 quốc gia.

Hơn 118,9 triệu ca mắc COVID-19 trên thế giới, Campuchia ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên - Ảnh 2.

Hơn 3.000 y tá trên thế giới đã tử vong vì COVID-19. (Ảnh: AP)

Báo cáo của cơ quan trên cũng cho biết, đại dịch COVID-19 có thể gây ra một cuộc "di cư ồ ạt" trong ngành y và có thể xảy ra sớm nhất trong 6 tháng cuối năm 2021. Khi đó, lực lượng y tá toàn cầu có thể sẽ thiếu hụt tới gần 13 triệu người. Để giảm thiểu tình trạng hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các nhân viên y tế ở tất cả các quốc gia được tiêm chủng trong vòng 100 ngày đầu năm 2021.

Trong khi vẫn nỗ lực chống dịch, thế giới cũng đã bắt đầu chuẩn bị cho tương lai nới lỏng hạn chế, mở cửa dần dần cho các hoạt động đi lại. Những thảo luận về việc cấp chứng chỉ sức khỏe hay " hộ chiếu vaccine " đang được tiến hành ở nhiều quốc gia, thậm chí có nơi đã bắt đầu thực hiện. Trung Quốc đã khai trương việc cấp chứng nhận tiêm phòng cho các công dân ra nước ngoài trong nỗ lực phối hợp với các quốc gia muốn tìm cách mở lại nền kinh tế. Trước Trung Quốc, các chứng nhận này đã có ở Bahrain, Israel, Iceland.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất sẽ xây dựng "hộ chiếu vaccine" để đáp ứng nhu cầu của các nước Nam Âu phụ thuộc nhiều vào du lịch. Hiện mới có Estonia và Ba Lan cho phép những ai chứng minh được là đã tiêm phòng COVID-19 được nhập cảnh mà không phải cách ly. Trung Quốc dù đã bắt đầu cấp chứng nhận tiêm phòng cho công dân của mình nhưng chưa nới lỏng quy định cách ly đối với những người nhập cảnh đã tiêm vaccine.